Gia đình tán gia bại sản vì… 'quý tử'

Tuy không có quyền hạn về mở sổ tiết kiệm, nhưng Bùi Hữu Thắng (TP. Vinh) vẫn tự nhận mình có thể mở sổ tiết kiệm với lãi suất cao để thu hút mọi người. Để rồi đến khi phải hầu tòa, Thắng để lại cho bố mẹ già yếu một khoản nợ lớn trên vai mà không biết lúc nào mới trả hết…

Sử dụng con dấu giả để gọi vốn

Trung tuần tháng 6/2020, cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An nhận được rất nhiều đơn trình báo của các nạn nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Hầu hết các đơn thư đều chung nội dung tố cáo một người tự nhận là cán bộ ngân hàng ở chi nhánh TP. Vinh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xác định đây là vụ án lừa đảo có thủ đoạn hết sức tinh vi, ma mãnh và phải mất khá nhiều thời gian để thu thập tài liệu, chứng cứ, các điều tra viên đã thành lập chuyên án điều tra vụ án lừa đảo với số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng chục tỷ đồng.

Sau gần 3 tháng ròng rã tiến hành xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ, cuối tháng 8/2020, các điều tra viên đã bắt tạm giam Bùi Hữu Thắng (SN 1986), trú tại phường Trung Đô (TP. Vinh), đối tượng này được cho là chủ mưu trong các vụ gọi vốn “ảo”.

Phi vụ đầu tiên của Thắng là vào năm 2011, thông qua các mối quan hệ chị P.T.X. (49 tuổi), trú tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã quen Bùi Hữu Thắng. Tại thời điểm đó, Thắng tự giới thiệu bản thân là cán bộ một ngân hàng có chi nhánh ở TP. Vinh. Qua trò chuyện, Thắng tiết lộ, ngân hàng nơi Thắng làm việc đang có chương trình ưu đãi cho nhân viên gửi tiền vào với lãi suất cao (23,7%/năm).

Thắng nói, nếu gia đình chị X. có tiền tích trữ thì đưa để Thắng “gửi vào ngân hàng lấy lãi suất cao”. Tin lời Thắng, lại nghĩ Thắng là nhân viên ngân hàng, có quen biết với người thân, họ hàng của gia đình, nên chị X. đã rút 800 triệu đồng tiền tiết kiệm gửi từ ngân hàng khác để giao cho Thắng.

Chưa dừng lại tại đó, đến tháng 5/2013, Thắng thông báo với chị X. là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tiếp tục có chương trình huy động vốn, nếu chị có tiền thì đưa để Thắng gửi tiếp giúp cho. Nghe thế, chị X. tiếp tục đến nhà và đưa thêm cho Thắng số tiền 400 triệu đồng nhờ gửi vào Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam như lần trước.

 Bùi Hữu Thắng tại thời điểm bị bắt về Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An. Ảnh: tư liệu

Bùi Hữu Thắng tại thời điểm bị bắt về Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An. Ảnh: tư liệu

Do chuẩn bị làm nhà, nên khoảng tháng 9/2016, chị X. yêu cầu Thắng rút hết số tiền về cho chị. Tuy nhiên, Thắng đã nêu ra nhiều lý do như: Việc rút tiền tại ngân hàng có nhiều khó khăn, và yêu cầu chị X. đưa thêm số tiền 253.700.000 đồng để làm các thủ tục rút tiền. Nhưng sau khi nhận được số tiền này, Thắng vẫn không rút tiền cho chị X. mà tiếp tục tìm cách thoái thác. Đồng thời, để lấy lòng tin từ chị X., Thắng đã cung cấp nhiều loại giấy tờ cả ngân hàng cũng như viết giấy xác nhận, cam đoan trả lại tiền cho chị X. Lúc này, tổng số tiền mà Thắng nhận của chị X. là hơn 1,4 tỷ đồng. Đòi lại tiền mãi không được, cực chẳng đã, chị X. buộc phải làm đơn cầu cứu lực lượng Công an.

Cũng vào thời gian đó, người phụ nữ tên H. (trú tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cũng bị Thắng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn lừa đảo tương tự, Thắng cho chị H. biết ngân hàng mình công tác đang có chương trình gửi tiền dành cho nhân viên với lãi suất cao. Tin tưởng Thắng, chị H. gửi cho Thắng số tiền 1,5 tỷ đồng để hưởng lãi suất cao.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An xác định, từ năm 2011, Thắng đã giả danh nhân viên một ngân hàng chi nhánh TP. Vinh rồi tung tin ngân hàng đang có chương trình huy động vốn chỉ dành cho nhân viên với lãi suất cao. Với ngoại hình bảnh trai, thư sinh và có tài ăn nói, Thắng lừa được nhiều người dân trên địa bàn Hà Tĩnh và Nghệ An gửi tiền. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền đó, Thắng để tiêu xài cá nhân.

Để cho nạn nhân tin tưởng, Bùi Hữu Thắng còn làm giả các giấy tờ, thủ tục liên quan đến việc tiếp nhận số tiền, hình thức góp vốn có dấu đỏ cũng như các quyết định của các Giám đốc chi nhánh các ngân hàng trên địa bàn… để giao cho họ. Tại cơ quan điều tra, Thắng khai nhận ngoài 2 bị hại nói trên, Bùi Hữu Thắng còn lừa thêm 6 bị hại khác với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng.

Cha mẹ già bán nhà trả nợ, không nơi tá túc

Cuối tháng 3/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Bùi Hữu Thắng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngay từ sáng sớm, vợ chồng ông Bùi V. S. (bố mẹ của bị cáo) đã có mặt tại tòa để mong được gặp con sớm, trên tay không quên xách theo ít đồ gửi cho con dùng trong tù.

Được biết, Bùi Hữu Thắng là con trai độc nhất của gia đình. Dù gia đình không thuộc vào hàng khá giả, nhưng vợ chồng ông S. luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để Thắng được ăn học đàng hoàng, tốt nghiệp đại học chuyên ngành Công nghệ thông tin.

 Vụ án gồm có 9 bị hại với số tiền thiệt hại lên tới 11 tỷ đồng. Ảnh: Như Bình

Vụ án gồm có 9 bị hại với số tiền thiệt hại lên tới 11 tỷ đồng. Ảnh: Như Bình

Sau khi cầm trên tay tấm bằng Cử nhân, Thắng bắt đầu đi xin việc ở nhiều nơi. Theo lời của Thắng, trong quá trình đi xin việc, thông qua bạn bè, Thắng quen biết một người tên Nguyễn Khắc Tùng, người này tự xưng là nhân viên ngân hàng Vietcombank Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội. Qua bàn bạc, thỏa thuận, Thắng đã đưa cho Tùng 300 triệu đồng để xin vào làm nhân viên của ngân hàng này. Sau đó, Tùng đưa cho Thắng một văn bản quyết định Thắng trở thành nhân viên chính thức của ngân hàng Vietcombank chi nhánh Nghệ An. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Thắng phát hiện quyết định đó là giả, nhưng khi nghe Tùng nói số tiền 300 triệu đồng Thắng đưa cho Tùng trước đó sẽ được chuyển vào tài khoản tiết kiệm với lãi suất cao, nên Thắng không ý kiến gì nữa.

Xin không được việc, Thắng nảy sinh ý định lừa đảo. Thắng lừa dối bố mẹ là mình đã trở thành nhân viên chính thức của ngân hàng. Khi thấy con trai đưa tờ giấy quyết định, vợ chồng ông S. tưởng thật nên đã vô cùng vui mừng và hạnh phúc khi con trai đã trở thành cán bộ ngân hàng. Từ đó, hàng ngày Thắng xách xe “đi làm”, ăn mặc đúng phong cách nhân viên ngân hàng nên ai cũng tin Thắng là cán bộ ngân hàng thật.

“Con mồi” mà Thắng nhắm đến là những người có điều kiện kinh tế, không trừ bất kỳ ai kể cả anh em, họ hàng nội tộc cũng trở thành nạn nhân của Thắng.

Khi tiếp cận với “con mồi”, Thắng tự giới thiệu mình là nhân viên ngân hàng Vietcombank chi nhánh Nghệ An và đưa ra thông tin ngân hàng này đang có chương trình huy động vốn dành riêng cho nhân viên của ngân hàng gửi tiền tiết kiệm với lãi suất cao, tùy số tiền gửi nhiều hay ít, lãi suất có thể hơn 20%/năm. Thắng còn “nổ” rằng, bản thân có thể xin được việc vào các cơ quan Nhà nước.

Bị hại nào có việc gấp cần rút tiền thì Thắng yêu cầu nộp nhiều khoản phí để làm thủ tục mới rút ra được, đồng thời Thắng viết giấy cam đoan là sẽ trả lại tiền cho họ. Vì thế, các bị hại tiếp tục đưa thêm tiền cho Thắng để lấy số tiền mình đã gửi về.

Với thủ đoạn gian dối hết sức tinh vi, trong vòng 7 năm từ 2011 đến 2018, Thắng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 9 bị hại với số tiền gần 11 tỷ đồng.

 Bùi Hữu Thắng phải nhận mức án chung thân cho tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Ảnh: Như Bình

Bùi Hữu Thắng phải nhận mức án chung thân cho tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Ảnh: Như Bình

Tại phiên tòa, Thắng thừa nhận toàn bộ sự việc, nhưng Thắng cho rằng số tiền chiếm đoạt được bản thân không dùng để tiêu xài mà chuyển cho Nguyễn Khắc Tùng để gửi tiết kiệm lãi suất cao. Thắng cho biết, toàn bộ thông tin về chương trình huy động vốn đều do Tùng hướng dẫn Thắng thực hiện. Số tiền huy động được từ các khách hàng được Thắng nộp trực tiếp cho Tùng nên không có hóa đơn, chứng từ. Khi các nạn nhân yêu cầu trả lại tiền, Thắng có tìm Tùng để yêu cầu giải quyết cho khách hàng thì bị đưa ra lý do chưa đến kỳ hạn nên không thể rút.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã xác minh về người đàn ông tên Nguyễn Khắc Tùng. Kết quả xác minh từ ngân hàng cho thấy, từ trước tới nay đơn vị này không có nhân viên nào tên Nguyễn Khắc Tùng. Phía ngân hàng cũng không có chương trình huy động tiền tiết kiệm như thông tin Bùi Hữu Thắng nói với các bị hại.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi lừa đảo của bị cáo là nghiêm trọng nên cần phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, trong vụ án này các bị hại cũng có một phần lỗi khi đã thực hiện các giao dịch mà không đến trụ sở ngân hàng.

Trong suốt quá trình xét hỏi, vợ chồng ông S. chỉ biết cúi đầu, thỉnh thoảng đưa tay lau giọt nước mắt. Suốt 7 năm trời, vợ chồng ông vẫn nghĩ con mình là nhân viên ngân hàng cho đến khi công an đến nhà… Bởi hàng ngày, Thắng vẫn đi làm rồi về nhà theo giờ hành chính nên gia đình không hề biết chuyện.

Được biết, có những lần Thắng vắng nhà, ông S. có đứng ra viết giấy nhận tiền của các bị hại rồi đưa cho con, số tiền khoảng 800 triệu đồng. Dù không hưởng lợi gì từ khoản tiền này, nhưng khi Công an vào cuộc, ông S đã cố gắng trả lại số tiền này cho các bị hại. Để có khoản tiền lớn này, vợ chồng ông đã phải bán đi căn nhà là toàn bộ tài sản mà ông bà có.

Sau khi bán nhà để trả một phần nợ thay con, vợ chồng ông S. đã phải thuê một phòng trọ nhỏ để sống. Tuổi đã già, sức khỏe yếu, vợ ông S. đang mang bệnh hiểm nghèo, khi nghe tin con trai phạm tội, bệnh của bà càng nặng hơn. Trước khi Thắng hầu tòa, mẹ của Thắng phải vào viện cấp cứu. Muốn cứu giúp con nhưng không còn tài sản gì nữa, ngay cả sổ lương hưu của vợ chồng ông S. ông cũng đã cầm cố để lấy tiền chữa bệnh cho vợ.

Tại tòa, Bùi Hữu Thắng cúi đầu gửi lời xin lỗi bố mẹ, người thân và các bị hại. Nhưng lời xin lỗi dường như đã quá muộn màng…

Xem xét toàn diện vụ án, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử tuyên phạt Bùi Hữu Thắng tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 4 năm tù về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Tổng hợp hình phạt, Bùi Hữu Thắng phải chịu mức án tù chung thân, và buộc Bùi Hữu Thắng phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.

An Quỳnh

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/gia-dinh-tan-gia-bai-san-vi-quy-tu-post289533.html