Gia đình và nhà trường cần phối hợp ngăn chặn bạo lực học đường

ĐBP - Chuyện một học sinh nữ lớp 12C6 Trường THPT TP. Điện Biên Phủ đánh học sinh ngoài trường xảy ra vào đầu tháng 11 vừa qua gây bức xúc trong dư luận và là hồi chuông cảnh báo về vấn nạn bạo lực học đường. Vụ việc xảy ra không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, an toàn mà còn vi phạm nội quy, quy định của nhà trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường giáo dục tại các trường học. Trong điều kiện hiện nay, không ít gia đình bận mải công việc, phụ huynh không quan tâm kịp thời, quên trách nhiệm trong việc phối hợp với nhà trường giáo dục, dạy dỗ con em mình.

Hướng học sinh tham gia các hoạt động tình nguyện giúp các em hoàn thiện nhân cách, quan tâm tới cuộc sống cộng đồng là một trong những hoạt động được Trường THPT TP. Điện Biên Phủ hướng tới. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT TP. Điện Biên Phủ tham gia vận chuyển đồ đạc, tháo dỡ nhà cửa giúp các hộ dân di dời bàn giao mặt bằng thực hiện Dự án Đầu tư mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên.

Với quan điểm không bao che, không dung túng cho những học sinh vi phạm; cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó hiệu trưởng Trường THPT TP. Điện Biên Phủ, cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận thông tin học sinh nữ trong trường là em N.B.B. lớp 12C6 đánh học sinh nữ trường khác mà nguyên nhân được cho là do em học sinh này mạo danh facebook em N.B.B. để nói xấu; Ban Giám hiệu nhà trường đã giao Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên, giáo viên chủ nhiệm lớp yêu cầu học sinh N.B.B viết bản kiểm điểm, tường trình sự việc; đồng thời liên hệ với Ban Giám hiệu nhà trường có học sinh bị đánh để xác minh thông tin, xử lý nghiêm vụ việc.

Ngày 11/11 vừa qua Trường THPT TP. Điện Biên Phủ đã tổ chức họp Hội đồng xét kỷ luật đối với những học sinh vi phạm. Hội đồng kỷ luật đã xác định học sinh N.B.B vi phạm nhiều nội dung trong Điều lệ trường THPT, trong đó có quy tắc ứng xử của học sinh, đánh bạn ngoài trường. Hội đồng kỷ luật nhà trường quyết định kỷ luật học sinh N.B.B với hình thức khiển trách, thông báo tới cha mẹ học sinh. Đối với 2 học sinh khác biết sự việc, đi cùng học sinh N.B.B nhưng không khuyên can, ngăn cản là hành vi cổ súy, ủng hộ việc làm sai trái của bạn; không báo cáo với thầy cô, nhà trường là hành vi bao che. Hội đồng kỷ luật nhà trường quyết định kỷ luật 2 học sinh này với hình thức nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.

Vụ việc nữ học sinh Trường THPT TP. Điện Biên Phủ đánh bạn ngoài trường là vô cùng đáng tiếc, song đây cũng là hồi chuông cảnh báo vấn nạn bạo lực học đường nói chung xảy ra trong thời gian qua. Điều đáng nói là nguyên nhân dẫn tới các vụ việc này cơ bản học sinh thiếu sự quan tâm, giáo dục từ gia đình. Đa phần những gia đình có học sinh vi phạm chưa phối hợp với nhà trường trong việc dạy dỗ, nắm tình hình để giáo dục con em; thậm chí khi nhà trường liên hệ thì có thái độ thờ ơ hoặc bất hợp tác.

Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cho học sinh trong việc tuân thủ các quy định, nội quy của nhà trường nói chung, phòng chống bạo lực học đường nói riêng; cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga cho biết: Nhà trường đã đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục cho học sinh về việc xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong trường học, chuẩn mực văn hóa ứng xử trong gia đình và xã hội; trang bị kỹ năng sống cho học sinh; phòng ngừa ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội trong các giờ chào cờ, lồng ghép tuyên truyền trong các tiết sinh hoạt lớp; chỉ đạo Đoàn Thanh niên tuyên truyền, giáo dục gắn với định hướng nghề nghiệp, việc làm... Phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh… nhằm khơi dậy ý thức và lối sống trách nhiệm trong học sinh, góp phần tạo ra môi trường giáo dục chuẩn mực, ứng xử văn hóa, văn minh.

Thực tiễn cho thấy, việc giáo dục, dạy dỗ học sinh không chỉ có trách nhiệm của giáo viên và nhà trường. Bởi ngoài việc học tập ở trường, các em còn chịu ảnh hưởng từ môi trường sống, gia đình và các mối quan hệ bên ngoài. Vì vậy gia đình là một “mắt xích” vô cùng quan trọng trong việc giáo dục học sinh. Phụ huynh cần quan tâm và tạo ra môi trường sống lành mạnh; đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nắm tình hình học tập và rèn luyện của con em mình tại trường học. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tác hại và cách phòng tránh bạo lực học đường đối với học sinh. Các cơ quan chức năng cần có những biện pháp, chế tài hạn chế ảnh hưởng của văn hóa độc hại đến nhân cách của học sinh. Thực hiện nghiêm túc Nghị định số 80/2017/NĐ-CP, ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường” và chương trình phòng chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017 - 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo… giúp học sinh chấp hành tốt nội quy trường lớp; tránh xa bạo lực, nói không với bạo lực. Từ đó tạo hiệu ứng tích cực góp phần đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường, mang lại môi trường lành mạnh, thân thiện trong nhà trường và xã hội.

Bài, ảnh: Minh Thùy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/giao-duc/191931/gia-dinh-va-nha-truong-can-phoi-hop-ngan-chan-bao-luc-hoc-duong