Giá đường tăng lên mức cao nhất trong hơn 10 năm

Các vụ thu hoạch mía kém kỳ vọng do thời tiết ở một số nước sản xuất đường lớn trên thế giới cùng với nhu cầu tăng mạnh của Trung Quốc đã đẩy giá đường lên mức cao nhất trong hơn một thập niên.

Công nhân nhà máy chất mía đã thu hoạch lên xe kéo ở huyện Sangli, bang Maharashtra, Ấn Độ. Thời tiết xấu ở Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan đã ảnh hưởng đến các vụ mùa mía đường ở cả ba quốc gia này trong năm nay. Ảnh: Reuters

Công nhân nhà máy chất mía đã thu hoạch lên xe kéo ở huyện Sangli, bang Maharashtra, Ấn Độ. Thời tiết xấu ở Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan đã ảnh hưởng đến các vụ mùa mía đường ở cả ba quốc gia này trong năm nay. Ảnh: Reuters

Giá đường thô tương lai giao dịch tại New York, Mỹ, tăng vọt trong năm nay. Trong những phiên gần đây, các hợp đồng đường tương lai ở thị trường này giao dịch trên 24 cent (5.627 đồng VN) /pound (0,454 kg), đạt mức cao nhất kể từ tháng 3-2012.

Giá đường tinh luyện cũng đang tăng mạnh. Tính từ đầu năm đến hôm 13-4, giá đường trắng tương lai tăng 20% , lên mức 663,8 đô la/tấn và gần đây có lúc chạm mức cao nhất kể từ tháng 10-2011.

Thời tiết xấu ở Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan đã ảnh hưởng đến các vụ mùa mía đường ở cả ba quốc gia này, ngay đúng lúc nền kinh tế Trung Quốc tái mở cửa, giúp nhu cầu đường tăng sử dụng trong thực phẩm và đồ uống tăng mạnh.

Peter de Klerk, nhà kinh tế cấp cao của Tổ chức Đường quốc tế (ISO) nói: “Hoạt động sản xuất mía đường gặp nhiều bất ổn. Nông dân trồng mía Brazil hưởng lợi lớn nhất nhờ có vụ mùa bội thu khi giá đường tăng. Những bên thua có thể bao gồm cả các công ty thực phẩm và người tiêu dùng”.

Các nhà sản xuất thực phẩm sẽ phải quyết định có nên chuyển chi phí cao hơn sang cho người tiêu dùng hay chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn. Tuy nhiên, nhiều công ty mua đã mua nguyên liệu sẵn từ trước và đường chỉ chiếm một phần nhỏ trong giá sản phẩm cuối cùng. Một số công ty đồ uống có thể chuyển sang các sản phẩm thay thế như đường bắp, có hàm lượng đường fructose cao.

Giá đường tăng giữ lúc giá của các mặt hàng khác nhìn chung đã ổn định hoặc giảm trong năm nay. Giá lúa mì, bắp, nickel và khí đốt tự nhiên đều giảm về mức thấp hơn, trong khi giá dầu thô Brent ở thị trường London gần như không đổi so với một năm trước. Một số hợp đồng hàng hóa nông nghiệp tương lai khác, như cacao và nước cam ép, cũng tăng giá.

Theo ISO, vụ thu hoạch mía đường của Thái Lan bị ảnh hưởng vì thời tiết nhiều mưa và phân bón đắt đỏ. Nguồn cung thiếu hụt lớn đến mức hầu hết các nhà máy đường ở nước này kết thúc hoạt động sớm trong mùa tinh luyện đường. Ngân hàng nông nghiệp Rabobank (Hà Lan) ước tính Thái Lan sẽ chứng kiến sản lượng đường thấp hơn 1 triệu tấn so với 12 triệu tấn dự kiến trong năm nay.

Mưa nhiều cũng đã ảnh hưởng đến vụ mùa mía đường của Ấn Độ. Nhà phân tích Carlos Mera của Rabobank cho biết, sản lượng đường của Ấn Độ đã giảm khoảng 1 triệu tấn so với dự báo, với vụ thu hoạch mía đường năm nay kết thúc đột ngột. Trong tháng này, Trung Quốc cắt giảm dự báo sản lượng đường do thời tiết xấu và sâu bệnh.

Ngược lại, Brazil gặp nhiều thuận lợi. Charles Branch, người đứng đầu bộ phận nông nghiệp và năng lượng của Britannia Global Markets, cho biết sau một năm yếu kém, sản lượng đường của Brazil, nhà sản xuất đường lớn nhất thế giới, đã phục hồi và có khả năng đạt 36,5-40 triệu tấn trong năm nay. Ông nhận định giá đường cao sẽ thúc đẩy các nhà máy ở Brazil sử dụng mía để sản xuất đường hơn là nhiên liệu sinh học ethanol.

Nhu cầu của Trung Quốc đang gây thêm áp lực tăng giá đường toàn cầu. Theo nhà phân tích Carlos Mera, giá đường ở Trung Quốc tăng khoảng 16% trong năm nay và các nhà sản xuất thực phẩm ở nước này đang tích cực mua đường tích trữ.

“Chúng tôi dự báo Trung Quốc nhập khẩu một lượng đường đáng kể trong năm nay” ông nói và chỉ ra rằng doanh số bán lẻ ở Trung Quốc tăng phục hồi mạnh.

Tình hình nguồn cung đường thắt chắt có thể kéo dài trong nhiều năm. Robin Shaw, nhà phân tích tại Công ty môi giới Marex Spectron, dự báo thị trường đường toàn cầu có thể vẫn khan hiếm nguồn cung, với nhu cầu có thể vượt sản lượng từ 6-7 triệu tấn trong vòng 3 năm tới.

Sự thay đổi của các mẫu hình thời tiết toàn cầu, từ La Ninã sang El Ninõ, có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến hoạt động sản xuất mía đường. Kona Haque, trưởng bộ phận nghiên cứu của Công ty kinh doanh hàng hóa nông nghiệp ED&F Man (Anh), nói: “Chúng tôi lo lắng về khả năng xảy ra hiện tượng El Ninõ mạnh. Hiện tượng thời tiết này dẫn đến điều kiện thời tiết khô hạn ở châu Á, dẫn đến rủi ro về năng suất cho các vụ mùa mía đương tiếp theo của Ấn Độ và Thái Lan. Thị trường sẽ căng thẳng hơn nếu sản lượng đường giảm hơn nữa ở những khu vực này”.

Theo WSJ

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gia-duong-tang-len-muc-cao-nhat-trong-hon-10-nam/