Giá gà vịt trong nước chạm đáy, gà đông lạnh vẫn ùn ùn về Việt Nam

Tăng trưởng sản phẩm nhập khẩu thịt gà đông lạnh tăng cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng sản xuất trong nước.

Báo cáo tại Hội nghị Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới diễn ra sáng nay, 27/4, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, trong các tháng đầu năm 2023, giá gà trắng có sự chênh lệch giữa các miền trong cả nước, dao động từ 17.000 - 35.000 đồng/kg gà lông.

Giá gà miền Bắc cao hơn miền Trung và miền Nam và tùy thời điểm và vùng miền.

Theo ông Chinh, ngành chăn nuôi nói chung, mảng gia cầm đang còn rất nhiều thách thức, đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao. Chăn nuôi nông hộ còn chiếm tỉ lệ lớn, dẫn đến kiểm soát dịch bệnh khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam nêu thực trạng, tỉ suất lợi nhuận ngành gia cầm ngày càng thấp, thậm chí 2 năm qua bị âm. Gà bán dưới giá thành từ 6.000 – 8.000 đồng/kg, người chăn nuôi không còn lợi nhuận. Thậm chí, các doanh nghiệp chăn nuôi FDI cũng trong vòng xoáy lỗ.

Việt Nam nhập khẩu khối lượng lớn gia cầm đông lạnh về tiêu thụ

Việt Nam nhập khẩu khối lượng lớn gia cầm đông lạnh về tiêu thụ

Trong khi đó, tăng trưởng sản phẩm nhập khẩu thịt gà đông lạnh tăng cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng sản xuất trong nước.

Cụ thể như, năm 2021 nhập 225.000 tấn thịt gà đông lạnh, năm 2022 nhập 246.000 tấn, 3 tháng đầu năm 2023 nhập gần 51.000 tấn, gây áp lực rất lớn cho thị trường tiêu thụ trong nước.

Theo ông Sơn, có một thực tế là các doanh nghiệp nội đang bị yếu thế so với doanh nghiệp FDI, nông dân nuôi nhỏ lẻ đứng trước nguy cơ bị thôn tính dần, bị loại ra dần khỏi cuộc chơi.

Trước những khó khăn bộn bề nói trên, ông Sơn kiến nghị một số giải pháp, trong đó về lâu dài phải điều chỉnh lại một số chính sách hiện có, nhất là các chính sách hỗ trợ đầu tư tín dụng. Nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội cho biết không tiếp cận được vốn ngân hàng, có nguy cơ ngừng sản xuất vì thua lỗ kéo dài, dẫn đến cạn vốn.

Thứ hai, cần rà soát lại chiến lược phát triển chăn nuôi. Lâu nay chúng ta cứ mải mê tăng sản lượng khiến cung vượt cầu, giá bán thấp. Thay vào đó xem xét nâng cao giá trị, sản phẩm gia tăng, đặc biệt là xem xét các dự án mới nếu không gắn với chế biến, xuất khẩu, tạo giá trị gia tăng thì không cấp phép.

Thứ ba, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm gia cầm. Hiện không ít thị trường có nhu cầu nhập khẩu trứng, con giống gà lông màu, nhưng chúng ta đang bị vướng quy định của Tổ chức Thú y thế giới về vùng an toàn dịch bệnh. Nhiều thị trường đưa ra quy định rất khắt khe mà chúng ta không đáp ứng được.

Đặc biệt, ông Sơn cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi. "Không quá dễ dãi trong việc cấp phép sản phẩm chăn nuôi; cần có các biện pháp kỹ thuật đủ mạnh để hạn chế nhập khẩu thịt gà đông lạnh” - ông Sơn nói.

Cũng tại cuộc họp này, ông Sơn tiết lộ, đang có thông tin gà thải loại "đi bộ" từ Thái Lan, qua Campuchia vào Việt Nam với giá rất rẻ. Do đó, cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa tình trạng nhập lậu gà sống qua biên giới, gà đẻ thải loại nguyên con qua đường tiểu ngạch. Chưa kể sản phẩm gà đẻ loại chặt cổ, chặt cánh của Hàn Quốc cũng vào nước ta rất nhiều. Ở nước ngoài các sản phẩm này không ăn, nhưng nhiều người tiêu dùng Việt Nam rất thích vì thịt gà dai, giòn…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/gia-ga-vit-trong-nuoc-cham-day-ga-dong-lanh-van-un-un-ve-viet-nam-post538246.antd