Giá gạo xuất khẩu cao nhất 10 năm, đâu là những thị trường tiềm năng cho gạo Việt trong nửa cuối năm?

Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt gần 3,9 triệu tấn, giá trị 2,02 tỷ USD, tăng 40,8% về khối lượng và tăng 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Giá xuất khẩu cũng liên tục tăng kể từ đầu năm đến nay, đạt bình quân 517 USD/tấn. Đây được coi là mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất trong 10 năm qua. Không chỉ vậy, giá gạo Việt Nam cũng vượt qua Ấn Độ và Thái Lan, đứng đầu thế giới.

Giá gạo xuất khẩu đạt 517 USD/tấn, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Giá gạo xuất khẩu đạt 517 USD/tấn, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Về thị trường nhập khẩu, tính đến hết tháng 4/2023, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 1,29 triệu tấn, giá trị 647,5 triệu USD, tăng 40,6% về khối lượng và tăng 53,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Trong nửa cuối năm 2023, ngành gạo còn nhiều dư địa để bứt tốc với loạt thị trường tiềm năng, trong đó phải kể đến thị trường Indonesia. Quốc gia này quyết định gia tăng lượng gạo thu mua dự trữ lên 2,4 triệu tấn thay vì khoảng 1,2 triệu tấn như hiện nay nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Tính đến tháng 4/2023, nhập khẩu gạo Việt Nam của Indonesia tăng gần 2.500% với hơn 306 nghìn tấn, trị giá hơn 149 triệu USD. Bộ Công Thương nhìn nhận, nhu cầu thu mua gạo tăng đột biến của Indonesia là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp đã từng có kết nối với Indonesia.

Châu Phi cũng là một thị trường tiềm năng của gạo Việt. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhu cầu về gạo của châu Phi ước đạt trên 42,2 triệu tấn trong năm 2023 trong khi sản lượng dự báo chỉ đạt 24,3 triệu tấn. Do đó, để đảm bảo an ninh lương thực, châu Phi sẽ cần nhập khẩu hơn 17 triệu tấn gạo với nguồn cung cấp gạo chính vẫn sẽ tập trung chủ yếu vào các nước Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam. Chủng loại gạo nhập khẩu chính của các nước châu Phi bao gồm gạo thơm, gạo trắng và gạo tấm.

Chile cũng đang tăng cường nhập khẩu gạo của Việt Nam với sản lượng tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay. Tính đến hết tháng 4, Chile tăng nhập khẩu gạo Việt hơn 4.000% về sản lượng so với cùng kỳ năm 2022 và giá trị tăng hơn 2.700%, tương đương với 5.249 tấn và 2,4 triệu USD.

Theo dự báo mới đây của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay có thể đạt khoảng 6,5 - 7 triệu tấn.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo gặp khó khăn do ký hợp đồng xuất khẩu từ trước, trong khi giá thu mua lúa cũng tăng nhanh theo giá gạo xuất khẩu khiến các doanh nghiệp chịu thiệt từ khoản chênh lệch giá nguyên liệu đầu vào.

Trong khi đó, nguồn cung gạo từ Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan trong năm nay có thể tiếp tục bị hạn chế vì tình trạng khô hạn dưới tác động của hiện tượng El Nino. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho gạo Việt Nam chiếm lĩnh thị phần.

Vừa qua, hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions (Hoa Kỳ) cảnh báo thị trường gạo toàn cầu trong niên vụ 2022/2023 sẽ thiếu hụt nguồn cung lên đến 8,7 triệu tấn.

Việt Nam cũng vừa phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030. Với mục tiêu nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, Chiến lược này xác định Việt Nam sẽ giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD, giảm khối lượng nên nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2023 - 2025 giảm khoảng 2,4% và giai đoạn 2026 - 2030 giảm khoảng 3,6%. Đồng thời, phấn đấu đạt khoảng 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam rice vào năm 2030.

Huyền Như

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-thuong/gia-gao-xuat-khau-cao-nhat-10-nam-dau-la-nhung-thi-truong-tiem-nang-cho-gao-viet-trong-nua-cuoi-nam-1093021.html