Giá gia súc nằm đáy, nhiều hộ chăn nuôi kiệt quệ

Nhiều tháng trở lại đây, giá gia súc nói chung và lợn hơi nói riêng đã xuống mức thấp kỷ lục. Ngược lại, giá thức ăn chăn nuôi lại liên tục tăng chóng mặt khiến nhiều hộ chăn nuôi rơi vào cảnh khốn cùng. Kinh tế kiệt quệ, nhiều hộ đang đối diện với nguy cơ tái nghèo, giờ họ chỉ còn chờ vào những chính sách hỗ trợ, giải cứu từ các ngành chức năng.

Giá lợn chạm đáy, giá thức ăn liên tục leo thang

Có đến các vùng chăn nuôi mới thấy không khí ảm đảm, khắp nơi than khó, than khổ vì giá lợn hơi chạm đáy. Nhiều gia đình “ngậm đắng nuốt cay” chịu lỗ để cầm cự giữ đàn lợn. Thậm chí có những hộ phải bán tống bán tháo, bỏ chuồng, rút vốn để trả ngân hàng.

Nhằm duy trì đàn lợn, ông Hải đã vay mượn từ người thân để mua lô thức ăn này.

Nhằm duy trì đàn lợn, ông Hải đã vay mượn từ người thân để mua lô thức ăn này.

Huyện Văn Giang (Hưng Yên) lâu nay là một trong những huyện cung cấp lợn lớn nhất cho phía Bắc. Tuy nhiên nhiều người ở đây ví những người dân nuôi lợn đang hứng chịu một “cơn bão” về giá lợn đi qua.

Ông Bùi Ngọc Khanh (xã Cửu Cao, huyện Văn Giang) người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi lợn, chứng kiến nhiều thăng trầm của nghề này nhưng ông bảo chưa khi nào không khí chăn nuôi lại ngột ngạt, bế tắc như hiện nay. Nếu như vài năm trước gia đình ông được coi là điển hình của mô hình chuồng trại với gần 1.000 đầu lợn thịt và gần 200 đầu lợn nái. Thế rồi dịch lở mồm long móng và tả lợn châu Phi ào đến, số lượng lợn trong trang trại của ông chỉ còn một nửa. Chưa kịp hoàn hồn sau cơn dịch bệnh thì gần 2 năm trở lại đây, giá lợn xuống chạm đáy và giá thức ăn chăn nuôi ngày càng lên cao khiến kinh tế gia đình ông lâm vào cảnh khốn cùng.

Được biết, gần đây giá thức ăn chăn nuôi tăng hơn 15 lần liên tiếp, trong khi giá lợn lại giảm sâu chỉ còn 47.000-49.000 đồng/kg. Theo đó, cứ xuất chuồng là lỗ trên dưới 1 triệu đồng/con. Nhìn về khu chuồng trại vừa được ông rắc vôi bột để “đắp chiếu”, ông Khanh bùi ngùi chia sẻ: “Đến thời điểm này thì tôi buộc phải đóng cửa một số chuồng thôi. Chứ cứ như này thì càng nuôi càng lỗ, hơn nữa muốn nuôi cũng không còn tiền đâu mà duy trì”.

Trường hợp của gia đình ông Đinh Văn Hải (xã Hồng Quang, Ứng Hòa, Hà Nội) người có gần 30 năm kinh nghiệm chăn nuôi lợn, đã từng trải qua nhiều lần lên xuống giá nhưng cũng không thể cáng đáng được đợt khó khăn này. Mặc dù dự báo được đợt giảm giá này, ông Hải đã tính toán giảm đàn xuống còn 10 con lợn nái và 150 con lợn thịt. Nhưng ông Hải vẫn không thể trụ được với sức ăn của đàn lợn.

Nếu không có biện pháp từ cơ quan chức năng những người nuôi lợn sẽ còn gặp khó khăn.

“Với mức giá này, người chăn nuôi chúng tôi sẽ chịu thua lỗ nặng. Đơn giản cứ tính giá lợn giống khoảng 1 triệu đồng đến 1,3 triệu đồng một con, tiền thức ăn khoảng 4 triệu đồng cộng thêm tiền thuốc men điều trị, tiêm phòng, tiền điện nước.... Nên với mức giá bán khoảng 50.000 đồng/kg, người chăn nuôi sẽ lỗ khoảng 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng một con lợn hơi xuất chuồng. Đó là chưa kể tiền công chăm sóc”, ông Hải tính toán.Vì không đủ sức nuôi lứa lợn mới đẻ, ông Hải dù rất đau lòng nhưng vẫn phải mang chúng đi vứt, bởi lẽ dù có bán rẻ cũng chẳng ai mua.

Đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ, dù tận dụng được nhân công dôi dư, tự làm tự chăn nuôi, chủ động tìm kiếm nguồn thức ăn thay thế cám công nghiệp bằng các thức ăn như, khoai lang, đậu tương, ngô, cá khô, các loại vitamin..., tiết kiệm được giá thành so với mua cám của công ty nhưng cũng không thể có lãi. “Mặc dù tận dụng thức ăn trong gia đình nhưng những hộ nuôi nhỏ lẻ sẽ phải đối diện với việc thời gian xuất chuồng kéo dài, vật nuôi dễ mắc các bệnh dịch, rất dễ bị giảm đầu con nên họ cũng gặp rất nhiều rủi ro. Nói chung cứ với giá lợn hơi thế này, giá cám leo thang thì chỉ khổ những người nông dân thôi”, ông Hải than thở.

Do giá lợn quá thấp nhiều hộ nông dân nuôi lợn nái cũng hoang mang vì không bán được giống.

Hay trường hợp của anh Lê Văn Bình (xã Mỹ Hưng, Thanh Oai, Hà Nội) cũng đang rơi vào cảnh khốn đốn. Gia đình anh vừa xuất bán 80 con lợn thịt với giá 48.000 đồng/kg; sau khi hạch toán gia đình anh đã bị lỗ khoảng 70 triệu đồng. Anh Bình chia sẻ: “Mấy năm trở lại đây người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn như dịch tả lợn châu Phi, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và nay giá lợn hơi lại giảm mạnh. Hiện tại, gia đình đang nuôi 2 chuồng với hơn 30 con, 4 chuồng còn lại để trống và cân nhắc tình hình một vài tháng tới chưa biết như thế nào. Nếu giá thức ăn chăn nuôi không giảm, giá lợn hơi không cải thiện thì gia đình sẽ không thể tiếp tục nuôi lợn mà phải tìm hướng phát triển kinh tế khác. Tuy nhiên, ở vùng nông thôn, bao năm thuần làm nông nghiệp, không thể vào làm việc tại các công ty, nếu bỏ nghề chăn nuôi thì cũng chưa biết làm gì”.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với người chăn nuôi trâu, bò. Thời kỳ cao điểm, người nuôi trâu, bò mỗi năm quay vòng 3-4 lứa, xuất chuồng từ 30-35 con vỗ béo, với giá bán dao động 90-100.000 đồng/kg cũng đem lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình, khoảng 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, giá trâu bò xuống thấp, lại khó tiêu thụ nên nhiều gia đình cũng lâm vào cảnh bế tắc. Các năm trước, giá trâu rẻ nhất cũng dao động từ 70-75.000 đồng/kg, từ năm 2022 đến nay, giá trâu hạ dần, từ 70.000 đồng/kg vào thời điểm tháng 5/2022 nay chỉ còn 50-55.000 đồng/kg. Với mức giá này, trung bình mỗi con trâu lỗ khoảng 5-7 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc.

Nhưng một nghịch lý với người chăn nuôi, trong 2 năm trở lại đây, khi giá gia súc xuất chuồng liên tục giảm thì giá thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh tăng cả chục lần. Theo đó, kể từ tháng 11/2021, một loạt các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đồng loạt ra thông báo tăng giá bán sản phẩm. Sau nhiều lần điều chỉnh, giá thức ăn chăn nuôi lợn hiện dao động từ 280.000 - 370.000 đồng/bao 25 kg. Mức giá này tăng khoảng 100.000 đồng đến 150.000 đồng/bao 25 kg tùy loại so với cùng kỳ năm ngoái. Việc giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến chi phí đầu vào tăng, trong khi thành phẩm bán ra lại thấp. Hàng triệu nông dân rơi vào cảnh khó khăn khi không biết nên tiếp tục chăn nuôi hay dừng lại, bởi tiếp tục chăn nuôi thì sẽ rơi vào cảnh lỗ chồng lỗ.

Người nông dân chờ giải cứu

Giải thích việc thức ăn chăn nuôi tăng giá mạnh từ đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp cho rằng, do giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào để sản xuất liên tục tăng, nguồn nhập khẩu bị hạn chế, nếu không tăng giá sản phẩm bán ra, doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ. Thực tế, thức ăn chăn nuôi trong nước hiện nay lại đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài 80 - 90%, trong đó có những nguồn không thể thay thế được trong nước như lúa mì, đậu tương và thậm chí là ngô.

Nếu như ông Hải chăm đàn lợn này đạt 100kg/con và xuất chuồng mỗi con ông phải gánh lỗ khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu đồng.

Đã nhiều doanh nghiệp từng liên kết với các vùng trồng ngô ở Sơn La, Đắk Lắk… để hỗ trợ thu mua ngô nguyên liệu, tuy nhiên chất lượng ngô sản xuất trong nước lại không đạt tiêu chuẩn. Trong đó quan trọng nhất là kết quả kiểm định còn tồn dư một số độc tố trong quá trình sản xuất. Chính vì vậy việc dùng nguyên liệu trong nước để thay thế vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Do nguyên liệu trong nước không đảm bảo, khiến việc sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Từ đó, mức giá dễ chịu tác động từ giá nhập nước ngoài, chi phí vận chuyển và điều kiện vận chuyển, dịch bệnh hay thời tiết,…

Chi phí sản xuất tăng cao, đầu ra hạ giá đồng thời sức tiêu thụ chậm. Thịt sản xuất trong nước khó bán, lại càng thêm khó khi phải cạnh tranh với lượng thịt nhập khẩu về nhiều theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) với lợi thế về giá. Khó lại càng thêm khó, khi trong quý I/2023, mức tiêu thụ thịt vẫn duy trì ở mức thấp so với cùng kỳ các năm trước.

Bức tranh về mức giá xuất chuồng thấp, nhu cầu ảm đạm cũng xuất phát từ phía Trung Quốc, quốc gia sản xuất hơn 1/3 tổng số lượng thịt lợn của thế giới. Sản lượng thịt lợn tại thị trường lớn nhất thế giới này năm ngoái đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014. Trong tháng 1/2023, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã phải kêu gọi nông dân giảm sản lượng thịt lợn dư thừa. Nhu cầu của quốc gia tiêu thụ lớn chậm lại trong khi năng lực sản xuất dư thừa đã tác động dây chuyền đến giá lợn thế giới. Ngày 6/2, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã đưa ra cảnh báo sớm về giá thịt lợn trong nước khi tỉ lệ giá giữa thịt lợn và lương thực trên toàn quốc là 4,96:1, cán mốc báo động cấp cao nhất về tình trạng giảm giá quá mức mà nước này đề ra.

“Mặc dù nhu cầu được dự báo sẽ tăng trở lại do chính sách mở cửa của Trung Quốc nhưng giá heo có thể sẽ phải bước sang đầu quý III mới có thể ghi nhận sự cải thiện khi nền kinh tế tăng tốc trở lại”, ông Phạm Thanh Dương, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết.

Để tháo gỡ những khó khăn của ngành chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay, theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, các địa phương vẫn cần tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan trên diện rộng. Mặt khác, cần có chính sách về lãi suất tiền vay, chính sách về đất đai cho người chăn nuôi an toàn sinh học theo chu kỳ sản xuất. Trong đó, thực hiện cho vay ưu đãi, giãn nợ, xóa nợ, tạm thời chưa thu nợ (như nợ trả lãi và nợ gốc cho ngân hàng, nợ tiền sử dụng đất, tiền nộp thuế thu nhập doanh nghiệp…). Đồng thời, miễn giảm các khoản người chăn nuôi cần chi trả như chi phí điện, nước, phí môi trường, phí kiểm dịch…

Cùng với đó, cần sớm có quy định về việc thu mua, giết mổ, chế biến và dự trữ thịt gà, thịt lợn khi ứ đọng, chậm tiêu thụ do cung vượt cầu, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… nhằm giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi. Ngoài ra cần phải điều tiết thị trường, góp phần bảo vệ người tiêu dùng, chủ động điều hành sản xuất trong nước và lộ trình nhập khẩu thịt hàng năm.

Về lâu dài, cần hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với vai trò của doanh nghiệp làm trọng tâm trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cơ sở giết mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ lợn xuất chuồng đến người tiêu dùng, bảo đảm lợi ích của người chăn nuôi, người cung ứng và người tiêu dùng. Kiểm tra ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động xuất, nhập khẩu lợn giống, lợn thịt và các sản phẩm thịt lợn trái phép.

Phong Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/gia-gia-suc-nam-day-nhieu-ho-chan-nuoi-kiet-que-i690675/