Giá hành tây góp phần khiến Philippines vật lộn ứng phó lạm phát

Là một quốc gia ở trong tình trạng lạm phát cao do giá thực phẩm gia tăng, chính phủ Philippines đang phải vật lộn để giảm lạm phát và đặc biệt là bình ổn giá hành tây một nguyên liệu chính trong hầu hết các món ăn của người dân nơi đây.

Một quầy bán hành tại một khu chợ ở Manila, Philippines. Ảnh: Reuters

Một quầy bán hành tại một khu chợ ở Manila, Philippines. Ảnh: Reuters

Trên thực tế, tình hình của Philippines cũng không khác biệt so với các quốc gia trên thế giới vốn đang hứng chịu lạm phát. Quốc gia này dễ tổn thương hơn do phải nhập khẩu năng lượng nhưng yếu tố chính thúc đẩy lạm phát lại là giá thực phẩm thiết yếu leo thang, đặc biệt là hành tây. Theo chuyên gia thống kê quốc gia Dennis Mapa, hành tây đóng góp 0,3 điểm phần trăm vào lạm phát chung của Philippines, tương tự như gạo.

Từ tháng 4/2022 tới tháng 12 cùng năm, giá hành tây tại quốc gia này đã tăng 10 lần từ mức 1,28 USD/kg tới mức cao chót vót 12,8 USD/kg, khiến nó trở thành một mặt hàng thực phẩm đắt hơn cả thịt.

Vào thời điểm đó, chính phủ đã xác nhận được nguyên nhân cho việc chuỗi cung ứng hành tắc nghẽn nằm ở khâu nhập khẩu. Hành nhập khẩu tại Philippines chủ yếu được mua từ Ấn Độ và Trung Quốc nhưng gặp khó trong việc nhận được giấy phép vệ sinh an toàn và chứng nhận kiểm dịch thực vật cho mục đích an toàn sinh học.

Để giải quyết vấn đề nguồn cung, chính phủ Tổng thống Marcos đã tăng tốc độ nhập khẩu hành tây. Các quan chức kinh tế tại quốc gia này cũng khẳng định lạm phát cao chỉ là tạm thời và sẽ giảm bớt khi các vấn đề về nguồn cung được giải quyết.

Tuy nhiên, chỉ số lạm phát cao hơn dự đoán trong tháng 1 đã làm tăng kỳ vọng của các nhà kinh tế rằng lãi suất sẽ tăng hơn nữa. Dữ liệu chính thức cho biết trong tháng 1/2023, tỷ lệ lạm phát tại Philippines đạt 8,7% trong khi giá lương thực tăng tới 11,2% - mức cao nhất kể từ năm 2009.

Giá hành tây trên thị trường đã có cải thiện và giảm so với ngưỡng cao kỷ lục hồi tháng 12 năm ngoái nhưng vẫn cao gấp đôi so với mức đầu năm 2022. Theo Reuters phỏng vấn Joey Reyes, một chủ cửa hàng tạp hóa 52 tuổi, giá hành tây tại Philippines hiện tại vẫn “đắt như vàng”.

Ngoài hành tây, giá trứng và đường cũng tăng cao, càng khiến lạm phát thực phẩm nóng hơn. Chậm trễ trong khâu nhập khẩu và mùa màng bị thiệt hại do thời tiết xấu đã khiến giá một kg đường tăng gần gấp đôi lên 1,81 USD so với một năm trước, trực tiếp ảnh hưởng tới việc kinh doanh của các công ty nước giải khát. Trong khi đó, giá trứng vốn ở mức 0,11 USD/quả trong năm 2022 cũng tăng lên 0,18 USD/quả năm 2023 trong bối cảnh các trang trại quay cuồng giải quyết hệ quả của dịch cúm gia cầm bùng phát.

Chính phủ Tổng thống Marcos cũng nhận nhiều chỉ trích từ phía các chính trị gia đối lập do đã không có các chính sách giải quyết vấn đề giá cả leo thang từ sớm. Các dự báo kinh tế cho thấy GDP Philippines sẽ giảm trong năm 2023 so với mức tăng trước 7,6% được dự báo trước đó trong khi một số nhà kinh tế cho rằng quan điểm lạm phát chỉ là tạm thời của chính phủ đang “quá lạc quan”.

Về phía những người nông dân trồng hành tây, họ lại lo lắng vì việc gia tăng nhập khẩu muộn sẽ khiến vụ mùa hành trong nước, dự kiến thu hoạch từ tháng 2 tới tháng 4, bị giảm giá mạnh.

Reuters trích dẫn ông Jon-Jon Taberna, 41 tuổi, một nông dân trồng hành ở tỉnh Nueva Ecija, cho biết: "Chúng tôi rất lo lắng rằng mình sẽ chẳng nhận được gì từ những nỗ lực làm việc chăm chỉ của mình. Cho dù vụ mùa có tốt đến đâu, nếu giá giảm thì bạn cũng không kiếm được tiền”.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/gia-hanh-tay-gop-phan-khien-philippines-vat-lon-ung-pho-lam-phat-post17761.html