Giá khí đốt ở châu Âu bất ngờ giảm mạnh nhờ kế hoạch chống khủng hoảng của EU

Giá bán buôn khí đốt tại thị trường châu Âu giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi có những dấu hiệu cho thấy khu vực này bắt đầu định hình được kế hoạch nhằm ngăn chặn một 'cơn ác mộng' năng lượng trong mùa đông năm nay...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Theo tờ báo Anh Guardian, giá khí đốt bán buôn giao ngày thứ Sáu (2/9) tại thị trường Anh giảm 21% so với mức vào hôm thứ Tư, còn 320 pence/đơn vị nhiệt từ mức 405 pence/đơn vị nhiệt.

Giá bán buôn khí đốt giao tuần tới giảm 9%, còn 350 pence/đơn vị nhiệt; giá khí đốt giao tháng tới giảm 6%, còn 431 pence/đơn vị nhiệt.

Cú giảm này diễn ra sau khi Ủy ban châu Âu (EC) xác nhận đang thiết lập các biện pháp khẩn cấp và Chính phủ Đức nói đã sẵn sàng cho mùa đông sắp đến.

EC cho biết đang gấp rút hoàn thiện một chương trình khẩn cấp về năng lượng và xem xét các việc cải cách cơ cấu thị trường điện. Cơ quan này nói đang xem xét các lựa chọn để thiết lập trần giá năng lượng và hạn chế nhu cầu tiêu thụ điện, dự kiến đây sẽ là hai trong số những biện pháp chủ chốt trong đề xuất mà EC sắp đưa ra để ứng phó với đà tăng vọt của giá năng lượng.

Giá khí đốt giao tháng kế tiếp trên sàn TTF ở Hà Lan, giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu, tăng 0,3%, lên mức 240,5 Euro/megawatt giờ. Tuần này, giá khí đốt trên sàn này đã giảm khoảng 30%, sau khi lập kỷ lục mọi thời đại vào hôm thứ Sáu tuần trước - theo hãng tin Bloomberg.

Ông Mechthild Worsdorfer, quan chức thứ hai phụ trách vấn đề năng lượng của EC, phát biểu tại một cuộc họp của ủy ban năng lượng thuộc Quốc hội châu Âu: “Chúng tôi đang lên các biện pháp khẩn cấp về giá điện. Ngoài ra, cũng sẽ có cách để cắt giảm nhu cầu điện”.

Theo dự kiến, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen sẽ công bố các ý tưởng của EU về trần giá năng lượng trong một bài phát biểu vào ngày 14/9.

Dự trữ khí đốt của các nước châu Âu đang được làm đầy với tốc độ nhanh hơn dự kiến, cho dù nguồn cung khí đốt từ Nga giảm xuống mức thấp. Nga hiện đang đóng cửa đường ống Nord Stream 1 trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 31/8, với lý do để bảo trì.

Đức là nước đối mặt với rủi ro cao nhất từ sự suy giảm nguồn cung khí đốt của Nga và nền kinh tế nước này bị cho là chìm sâu trong suy thoái nếu bị Đức cắt khí đốt hoàn toàn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck nói rằng nước này đã có sự chuẩn bị cần thiết cho mùa đông. “Đó là lý do vì sao chúng tôi có câu trả lời và bước tiến cho phép chúng tôi sẵn sàng cho mùa đông”, ông Habeck nói.

Trước đó trong tuần này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói Chính phủ nước này đã “đưa ra những quyết định khó khăn một cách rất nhanh chóng”.

Các nhà phân tích của công ty nghiên cứu Bernstein cho rằng “các nhà lãnh đạo Đức nhận thấy rằng nước này đã được trang bị đầy đủ để vượt qua mùa đông sắp tới trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng tiếp diễn”. Dù vậy, ông Habeck cảnh báo rằng công tác đảm bảo nguồn cung khí đốt còn chưa hoàn tất.

Câu hỏi lớn nhất trên thị trường khí đốt lúc này là liệu hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom có mở lại Nord Stream 1 sau 3 ngày bảo dưỡng.

Dự trữ khí đốt của các nước trong Liên minh châu Âu (EU) hiện đạt bình quân gần 80% công suất. Mục tiêu của EU là đến ngày 1/11, dự trữ khí đốt của các nước thành viên trong khối đạt ít nhất 80% công suất.

Các nhà nghiên cứu của công ty Wood Mackenzie dự báo giá khí đốt cao sẽ kéo nhu cầu tiêu thụ khí đốt của châu Âu về mức thấp hơn 7% so với bình quân 5 năm trong thời gian từ nay đến tháng 3 năm sau. Nếu dự báo này trở thành hiện thực, kịch bản khả quan nhất của Wood Mackenzie sẽ được hiện thực hóa, với mức dự trữ khí đốt của châu Âu còn ít nhất 31% khi mùa đông kết thúc.

Chuyên gia Massimo Di Odoardo cho biết việc châu Âu tăng mạnh lượng nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) và nhập khẩu khí đốt tự nhiên qua đường ống từ các nguồn khác ngoài Nga là lý do khiến dự trữ khí đốt của khu vực được làm đầy nhanh. “Chúng tôi dự báo mức dự trữ sẽ đạt 86% vào đầu tháng 10. Nếu dòng chảy khí đốt Nga qua Nord Stream được nối lại sau 3 ngày bảo dưỡng, châu Âu có thể vượt qua được mùa đông năm nay và năm tới mà không cần phải cắt giảm nhu cầu thêm”.

Theo một báo cáo của ngân hàng Citigroup, nhu cầu khí đốt của châu Âu trong tháng 8 đã giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu được Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 1/9, giá khí đốt bình quân ở nước này trong tuần kết thúc vào ngày 28/8 tăng 30% so với tuần trước đó, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay.

An Huy -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gia-khi-dot-o-chau-au-bat-ngo-giam-manh-nho-ke-hoach-chong-khung-hoang-cua-eu.htm