'Gia Lai cần xây dựng ý chí vươn lên mạnh mẽ, không cam chịu đói nghèo'

Sáng 13-4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai về tình hình phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: CTV

Tại buổi làm việc, đồng chí Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, đã báo cáo với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tình hình phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương.

Theo đó, những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của tỉnh Gia Lai luôn được duy trì ở mức cao, trên 12,8%. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 38 triệu đồng/năm. Gia Lai là địa phương có đất đai màu mỡ, được phân chia thành 2 vùng Đông-Tây, có thế mạnh riêng về cây nông nghiệp ngắn ngày và công nghiệp, đặc biệt là 3 loại cây công nghiệp chủ lực, gồm: cao su 100.000ha, cà phê 94.000ha và hồ tiêu 16.000ha, trong đó giá trị thu nhập cao nhất là hồ tiêu với khoảng 400 triệu đồng/ha.

Mặt khác, Gia Lai là địa bàn chiến lược về quốc phòng-an ninh của cả nước và có vị trí rất quan trọng trong tam giác phát triển 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Tuy nhiên, do tỉnh miền núi có xuất phát điểm kinh tế thấp, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao (chiếm 44%), số hộ nghèo cao (đứng thứ 13 toàn quốc), hạ tầng cơ sở chưa phát triển, nên chưa thu hút được nhà đầu tư, tiềm năng du lịch còn bỏ ngỏ.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang đề nghị Trung ương quan tâm áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đặc thù để có nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững đối với người dân tộc thiểu số và sớm nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt cho các tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời, đề nghị Trung ương quan tâm chỉ đạo xác định Gia Lai là một trong những trung tâm du lịch của khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và có chính sách riêng để thu hút đầu tư.

Trao đổi tại buổi làm việc, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương chia sẻ nhiều vấn đề vướng mắc với địa phương và thống nhất sẽ quan tâm hỗ trợ, đầu tư về chính sách giảm nghèo, bổ sung xây dựng công trình thủy lợi Ia Tul (huyện Ia Pa, phục vụ nước tưới cho 2 huyện Ia Pa và Kông Chro), cấp vốn công trình thủy lợi xã nghèo Ayun (huyện Chư Sê), công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông), nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt Tây Nguyên, xem xét đưa địa điểm Khảo cổ sơ kỳ đồ đá cũ An Khê là di tích khảo cổ học đặc biệt cấp quốc gia.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Mặc dù tỉnh Gia Lai còn nhiều khó khăn nhưng rất ấn tượng với tốc độ phát triển nhanh của tỉnh trong mấy năm gần đây.

"Đây là lần thứ tư tôi vào đây, mỗi lần đến đều nhận thấy sự thay đổi rõ rệt từ nông thôn đến thành thị. Một nỗ lực rất đáng ghi nhận là tốc độ tăng trưởng luôn duy trì trên 12%, cải cách hành chính đứng thứ 13/63 tỉnh, thành, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu, khoáng sản… Bên cạnh đó, vấn đề an ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa ổn định. Sắp tới, tỉnh Gia Lai cần huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị để phấn đấu đạt một tỉnh phát triển ở mức trung bình so với cả nước. Địa phương cần xây dựng ý chí vươn lên mạnh mẽ, không cam chịu đói nghèo. Về lâu dài, phải xác định trọng tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với chế biến và liên kết với 4 nhà. Đồng thời, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, phát huy bản sắc dân tộc và thay đổi tập tục lạc hậu. Chú trọng giải quyết đất đai, chính sách xã hội và giữ quan hệ tốt với nước bạn Campuchia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển"- Tổng Bí thư chỉ đạo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc tại xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Quốc Dinh

Trước đó, chiều 12-4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với UBND xã Ayun, huyện Chư Sê, một trong những xã nghèo nhất của tỉnh Gia Lai và của cả nước.

Xã Ayun là vùng căn cứ cách mạng, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2010. Toàn xã có 800 hộ/3.600 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 98%; thu nhập bình quân đầu người thấp, 7,8 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo chiếm gần 90%. Kinh tế chủ yếu của địa phương là cây mì, lúa và chăn nuôi, hàng năm thu ngân sách không quá 20 triệu đồng. Ngoài những bất lợi về khí hậu, đất đai, khó khăn nhất của người dân xã Ayun là thiếu nước tưới lẫn nước sinh hoạt nên một năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa. Bên cạnh đó, trình độ dân trí của người dân còn thấp, 42 năm qua cả xã chỉ mới có 1 em đỗ đại học.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trăn trở: Vì sao xã Ayun lại nghèo, trong khi xã chỉ cách trung tâm huyện có 14km, đường sá đi lại thuận lợi. Cần có giải pháp để người dân Ayun thoát nghèo, xứng đáng là một xã anh hùng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gia đình ông Đinh Phi, làng Tung Ke 2, xã Ayun. Ảnh: Quốc Dinh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Gia Lai, huyện Chư Sê nhanh chóng triển khai hoàn thành hồ thủy lợi Plei Keo, giải quyết nước tưới cho cánh đồng 500 ha của xã Ayun, huyện Chư Sê. Đồng thời, yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng giải quyết ngay những tồn tại, vướng mắc để công trình này sớm hoàn thành. Tổng Bí thư yêu cầu Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, trong nhiệm kỳ này phải làm xong công trình thủy lợi này và xem đây là một nhiệm vụ cấp thiết cần giải quyết. “Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng vào cuộc, bắt tay làm ngay, sớm đưa địa phương này thoát nghèo”- Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác cũng đã đến thăm hỏi và tặng quà gia đình ông Đinh Liam (làng Tung Ke 1) và ông Đinh Phi (làng Tung Ke 2), xã Ayun.

Quốc Dinh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/gia-lai-can-xay-dung-y-chi-vuon-len-manh-me-khong-cam-chiu-doi-ngheo/