Gia Lai: Cánh rừng biên giới bị phá tan hoang, hàng trăm cây rừng bị triệt hạ nằm la liệt

Từng vạt rừng thuộc khu vực biên giới xã Ia Mơ, huyện Chư Prông (Gia Lai) bị 'lâm tặc' ngang nhiên tàn phá. Tại hiện trường, hàng trăm cây gỗ bị triệt hạ nằm la liệt trong sự bất lực của chủ rừng.

Rừng biên giới liên tục bị tàn phá

Những ngày đầu tháng 12, Báo Nhà báo và Công luận liên tục nhận được phản ánh về nạn phá rừng ở khu vực biên giới xã Ia Mơ. Nhằm xác minh thông tin trên, vừa qua, PV đã tiếp cận hiện trường - nơi xảy ra tình trạng phá rừng.

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi chạy dọc con đường bê tông theo hướng từ Gia Lai sang Đăk Lăk thì đến được khu vực làng Ring, xã Ia Mơ. Tiếp tục men theo con đường đất chừng 2km, PV phát hiện 2 bên đường từng vạt rừng bị phá trắng, vô số cây gỗ dầu lớn, nhỏ đều bị các đối tượng triệt hạ bằng cưa lốc máy, nằm la liệt giữa rừng.

Những cây gỗ lớn ở rừng biên giới Ia Mơ bị triệt hạ không thương tiếc (ảnh Trần Hiền)

Điều đáng nói, từng vạt rừng bị phá chỉ nằm cách con đường lớn chừng vài bước chân song chủ rừng vẫn không hề hay biết rừng bị tàn phá. Toàn bộ những cây gỗ bị cắt hạ vẫn còn nằm ngổn ngang tại hiện trường.

Tiếp tục tiến sâu vào bên trong, chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng tương tự, hàng loạt cây gỗ rừng lớn, nhỏ đều chịu chung số phận bị triệt hạ không thương tiếc. Phần lớn, những vạt rừng bị tàn phá đều nằm sát với các nương rẫy của người dân.

Từng vạt rừng bị tàn phá chủ rừng vẫn không hề hay biết (ảnh Trần Hiền)

Sau khi ghi nhận hình ảnh hiện trường phá rừng, chúng tôi đã liên hệ làm việc với Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trung Văn - Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur cho biết: “Địa bàn Ia Mơ là một trong những điểm nóng, tuy nhiên mình cũng mới về nhận nhiệm vụ tại Ban hiện cũng đang kiện toàn lại nên nhiều vị trí cũng chưa nắm rõ và chưa thể đi kiểm tra hết. Tuy nhiên, mình sẽ cho anh em kiểm tra, xác định và thông tin ngay”.

Cũng theo ông Văn, trước đó vào ngày 4/12, Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur đã phát hiện và lập biên bản kiểm đếm vụ phá rừng xảy ra trên lâm phần. Theo đó, vụ chặt phá rừng thuộc tiểu khu 1101 (địa giới hành chính xã Ia Mơ).

Theo kiểm đếm ban đầu, có khoảng hơn 140 cây rừng bị cưa hạ. Liên quan đến vụ phá rừng quy mô lớn trên, ông Dương Mah Tiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng đã trực tiếp chỉ đạo, thành lập tổ liên ngành cơ động xuống truy quyét, kiểm tra toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn xã Ia Mơ. Trường hợp nếu xảy ra sai phạm sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm chủ rừng.

Thân gỗ bị bỏ lại hiện trường (ảnh Trần Hiền)

Hàng trăm cây rừng liên tục bị triệt hạ, chủ rừng ở đâu?

Tuy nhiên, trong khi vụ phá rừng quy mô lớn ở Tiểu khu 1101 trên chưa tìm ra thủ phạm thì chủ rừng – Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur lại tiếp tục để các đối tượng tàn phá từng vạt rừng khác.

Sau một ngày xác minh, kiểm tra những vị trí, tọa độ phá rừng do PV Báo Nhà báo và Công luận cung cấp trước đó ông Nguyễn Trung Văn cho hay: “Hai tọa độ do PV cung cấp chúng tôi đã kiểm tra lại, tuy nhiên vị trí này lại thuộc Tiểu khu 1012 thuộc lâm phần của UBND xã Ia Mơ quản lý. Còn riêng những hình ảnh phá rừng PV cung cấp thuộc Tiểu khu 1008 (khu vực Đầm Hưu) lâm phần của ban quản lý. Hiện anh em đang kiểm đếm số lượng gỗ bị thiệt hại, ngay sau khi có số lượng cụ thể chúng tôi sẽ thông tin lại”.

Cánh rừng biên giới đã và đang bị tàn phá nghiêm trọng (ảnh Trần Hiền)

Về phía UBND xã Ia Mơ, ông Ngô Ngọc Tiến – Chủ tịch xã xác nhận, có ghi nhận tình trạng phá rừng tại Tiểu khu 1012 - lâm phần do xã quản lý. Tuy nhiên, hiện đoàn kiểm tra vẫn đang làm việc, chưa có số liệu cụ thể.

Theo Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur, phần lớn các vụ phá rừng trên địa bàn xã Ia Mơ đều làm nương rẫy, người dân lợi dụng việc xây dựng 2 kênh mương phía Đông, phía Tây và các kênh phụ để lấn chiếm đất rừng. Trước đó, theo chủ trương đưa diện tích ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng để phục vụ công tác sản xuất nông nghiệp, công nghệ cao.

“Tuy nhiên sau này xin ý kiến cấp trên thì không được, về phía người dân thì luôn nghĩ khi xây mương diện tích này sẽ bỏ ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng nên có tư tưởng lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, công tác quản lý bảo vệ rừng của đơn vị trong những năm vừa qua luôn gặp khó khăn, bất cập. Trách nhiệm của Ban hiện chỉ phát hiện, lập biên bản hiện trường báo cáo ngành chức năng và bảo vệ hiện trường, sau đó họ sẽ giám định thiệt hại và xử lý”, ông Văn lý giải.

Toàn bộ những vị trí phá rừng hiện đang được đoàn kiểm đếm, giám định thiệt hại (ảnh Trần Hiền)

Dù được các cấp thường xuyên tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng nạn phá rừng, xâm chiếm đất rừng tại xã Ia Mơ vẫn diễn biến phức tạp. Theo đó, tình trạng xâm lấn rừng, canh tác trên đất lâm nghiệp có rừng, phá rừng làm nương rẫy… liên tiếp xảy ra trên địa bàn xã biên giới Ia Mơ trong năm 2023.

Từng vạt rừng bị tàn phá, hàng trăm cây rừng thi nhau ngã xuống. Sau khi triệt hạ cây rừng, đốt gốc phi tang những diện tích này nghiễm nhiên trở thành rừng rẫy lúa, mì, bắp… Trước thực trạng rừng đang bị "ăn mòn" từng ngày, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần có những giải pháp thiết thực nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng trên.

Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-lai-canh-rung-bien-gioi-bi-pha-tan-hoang-hang-tram-cay-rung-bi-triet-ha-nam-la-liet-post275806.html