Gia Lai: Có 1 huyện, 2 xã nằm trong phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã

Trước yêu cầu phát triển của đất nước nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng, thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là yêu cầu cần thiết, nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, phát huy tiềm lực để phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai-Trương Hải Long vừa ký Văn bản số 3203a/PA-UBND về Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2025.

Tỉnh Gia Lai có diện tích tự nhiên: 15.510,13 km2, quy mô dân số: 1.687.350 người. Hiện tại, có 17 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: 14 huyện, 02 thị xã và 01 thành phố) với 220 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 182 xã, 14 thị trấn và 24 phường).

Theo Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2025, sát nhập huyện Đak Pơ vào thị xã An Khê; xã Tân Sơn (TP. Pleiku) vào xã Biển Hồ (TP. Pleiku); xã Đăk Hlơ (huyện Kbang) vào xã Nghĩa An (huyện Kbang). Như vậy, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã thì tỉnh Gia Lai sẽ giảm 1 huyện xuống còn 16 huyện, thị, thành và giảm 2 xã xuống còn 218 xã, phường, thị trấn.

Trung tâm huyện Đăk Pơ

Huyện Đak Pơ trước đây được tách ra từ thị xã An Khê vào năm 2003. Sau khi nhập vào sẽ thuận tiện về văn hóa, xã hội, tâm lý dân cư. Hai địa phương cùng nằm trên trục Quốc lộ 19, trung tâm huyện Đak Pơ cách thị xã An Khê khoảng 13km; có cùng địa chất, khí hậu, thổ nhưỡng, thuận lợi phát triển vùng chuyên canh nông nghiệp, sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn.

Sau khi sát nhập, thị xã An Khê mới sẽ có diện tích tự nhiên 702,60km2 (đạt 351,30% so với tiêu chuẩn); Dân số 125.419 người (đạt 250,84% so với tiêu chuẩn); Dân số là người dân tộc thiểu số có 18.440 người, chiếm tỷ lệ 14,70%; Số đơn vị hành chính thực thuộc là 19 đơn vị (6 phường, 1 thị trấn, 12 xã). Trụ sở làm việc của đơn vị hành chính mới là trụ sở thị xã An Khê.

Trung tâm hành chính xã tân Sơn hiện tại

Đối với đơn vị hành chính xã Tân Sơn (TP. Pleiku), thuộc khu vực: Vùng cao (Văn bản số 930/BNV-CQĐP ngày 08/3/2021 của Bộ Nội vụ). Không thuộc yếu tố đặc thù quy định tại Điều 3a của Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Lý do của việc sắp xếp, qua rà soát, phương án sắp xếp xã Tân Sơn vào xã Biển Hồ vì 2 xã này đều thuộc TP. Pleiku. Có vị trí địa lý liền kề nhau, địa hình không bị chia cắt, thuận tiện cho giao thông đi lại, kết nối sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống của nhân dân, không có khác biệt về văn hóa, dân tộc, tôn giáo.

Sau khi sát nhập, xã Biển Hồ có diện tích tự nhiên 28,84km2 (đạt 57,68% so với tiêu chuẩn); Quy mô dân số 16.611 người (đạt 332,22% so với tiêu chuẩn); số dân là người dân tộc thiểu số là 3.701 người, chiếm tỷ lệ 22,28%. Lấy trụ sở UBND xã Biển Hồ làm trụ sở làm việc của đơn vị hành chính mới. Sau khi sát nhập, xã Biển Hồ mới sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng nâng cấp xã này lên phường, nên sẽ đảm bảo đồng thời 2 tiêu chuẩn quy định.

Lý do của việc sắp xếp, xã Nghĩa An thuộc diện phải nghiên cứu sắp xếp trong giai đoạn 2026-2030. So sánh với các đơn vị hành chính giáp cận, việc sát nhập xã Đăk Hlơ vào xã Nghĩa An là lựa chọn phù hợp, xử lý đồng thời 2 đơn vị hành chính xã không đạt chuẩn phải thuộc diện nghiên cứu sắp xếp giai đoạn 2023-2030.

Sau khi sát nhập, xã Nghĩa An mới sẽ có diện tích tự nhiên 54,94km2 (đạt 109,88% so với tiêu chuẩn); Quy mô dân số 7.353 người (đạt 147,06% so với tiêu chuẩn); Số dân là người dân tộc thiểu số là 1.742 người, chiếm tỷ lệ 23,69%. Trụ sở xã Nghĩa An sẽ là trụ sở hành chính mới.

LÊ QUANG HỒI

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/gia-lai-co-1-huyen-2-xa-nam-trong-phuong-an-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-huyen-xa-a22246.html