Gia Lai: 'Đá tặc' lộng hành, chính quyền né tránh?

Trong tháng 1/2024, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh về việc 'Thiếu cán bộ, 'đá tặc' lộng hành' và việc 'Hàng trăm khối đá lớn khai thác trái phép 'bốc hơi' khỏi hiện trường' xảy ra tại huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai). Sau nhiều văn bản đốc thúc của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến ngày 19/2, UBND huyện Chư Prông mới có báo cáo giải trình về việc này. Tuy nhiên, trong các báo cáo của huyện gửi ngành chức năng lại không đề cập đến việc khai thác đá trái phép.

Hàng trăm khối đá lớn nằm la liệt trong khu vực rẫy cà phê của ông Thủy.

Hoạt động khai thác đá chẻ

Khoảng giữa tháng 1/2024, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại địa bàn phản ánh về hoạt động khai thác đá chẻ trong khu vực vườn nhà của hộ ông Phạm Văn Thủy (thôn Hợp Thắng, xã Ia Drang, huyện Chư Prông). Phóng viên đã trực tiếp thực địa tại hiện trường, ghi nhận có việc khai thác đá chẻ tại khu vực này.

Trong khu vực vườn cà phê của ông Thủy, hàng trăm khối đá (dạng đá mồ côi) được phương tiện cơ giới đưa lên, tập kết thành từng khu vực. Tại đây, cứ vào lúc trời chập tối, một số người đến kéo điện và tiến hành công đoạn chẻ đá thành phẩm.

Phóng viên được ông Phạm Văn Thủy cho biết cách đây khoảng 2 tháng, ông có thuê người để múc ao lấy nước tưới. Trong quá trình cải tạo ao thì gặp phải đá lớn. Sau đó, một người đàn ông thường gọi tên T.P đến đặt vấn đề để khai thác số đá này. Hằng ngày, cứ chiều tối là có người đến khai thác đá, đến giờ đi ngủ của người dân thì nghỉ, vận chuyển đá đi ngay. "Tôi chỉ cần múc ao lấy nước tưới. Còn đá thì do người đàn ông kia khai thác và lấy đi. Hiện tại không khai thác đá từ dưới lên nữa, chỉ đập những cục đá thành viên rồi vận chuyển đi ngay trong đêm", ông Thủy khẳng định.

Để chứng thực lời ông Thủy nói, phóng viên đã ghi nhận hoạt động khai thác đá chẻ vào ban đêm trong nhiều ngày giữa tháng 1/2024. Qua thiết bị Flycam, từ trên cao có thể ghi nhận được 2 điểm sáng cùng 2 người đàn ông đang thực hiện việc chẻ đá. Khi phát hiện phương tiện Flycam, hai người đàn ông vội vã tắt hết thiết bị điện và rời khỏi khu vực tập kết đá trong vườn nhà ông Thủy. Đến sáng hôm sau, trở lại hiện trường thì toàn bộ số đá chẻ được trong đêm đã biến mất; tuy nhiên, đường điện, bạt che thì vẫn được để lại tại chỗ.

Sau khi phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có hai bài phản ánh tình trạng khai thác đá chẻ thì đến ngày 31/1, hầu hết số đá tang vật trong vụ việc trên đã "biến mất" khỏi hiện trường. Theo người nhà ông Phạm Văn Thủy, sau khi chính quyền địa phương lập biên bản, yêu cầu dừng việc múc ao thì số đá thai thác lên đã được một người đàn ông tên T.P cho người chở đi nơi khác. Chỉ một số ít cục đá được đẩy xuống hố, vùi đất lấp lại.

Hơn 300 khối đá Bazan đã "bốc hơi" khỏi hiện trường một cách khó hiểu.

Chính quyền né tránh

Ngày 19/2, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai cho biết đã nhận được báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh và xử lý theo thông tin phản ánh về hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trái phép tại xã Ia Drang, huyện Chư Prông.

Theo báo cáo số 61/BC-UBND ngày 7/2 về việc Kết quả kiểm tra, xác minh và xử lý theo thông tin phản ánh có hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trái phép tại xã Ia Drang, huyện Chư Prông do ông Phạm Vũ Tú - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ký không thể hiện việc có tình trạng khai thác đá và vận chuyển đi nơi khác. Bên cạnh đó, nhiều báo cáo của xã Ia Drang cũng không đề cập đến việc khai thác đá chẻ trái phép xảy ra tại khu vực trên. Văn bản số 01/TB – UBND do ông Trịnh Quốc Thanh, Chủ tịch UBND xã Ia Drang ký ngày 5/1 nêu rõ hộ ông Phạm Văn Thủy trong quá trình múc ao đã phát hiện đá và đưa lên trên khoảng 300 cục đá bazan, đường kính trên 0,5 - 1m (ước tính từ 150 - 170m3). UBND xã Ia Drang đã đề nghị dừng việc múc ao, cấm vận chuyển đá ra khỏi vị trí.

Ban Công an xã Ia Drang phối hợp với Ban lãnh đạo thôn Hợp Thắng thường xuyên theo dõi, giám sát và quản lý số lượng đá trên trong thời gian kiểm tra, xác minh và xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Đến ngày 15/1, ông Trịnh Quốc Thanh ký báo cáo "Kiểm tra, xác minh xử lý vi phạm đối với việc khai thác khoáng sản trên địa bàn xã". Theo đó, hộ ông Phạm Văn Thủy múc ao mục đích lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của gia đình, trong quá trình múc ao phát hiện dưới lòng ao có đá và đã đưa số lượng đá lên mặt ao, dự tính sau khi múc ao xong sẽ lấp lại mặt bằng hiện trạng ban đầu (?). Khi múc ao, hộ ông Thủy có làm đơn xin đào ao, UBND xã đã cử người kiểm tra và thấy thửa đất của ông Thủy không đủ điều kiện để cải tạo đất nông nghiệp và đã có văn bản yêu cầu tạm dừng múc ao.

Một ngày sau, ông Trịnh Quốc Thanh tiếp tục ký thông báo "Yêu cầu san lấp trả lại mặt bằng nguyên trạng như ban đầu". Trong văn bản này, UBND xã Ia Drang yêu cầu hộ ông Phạm Văn Thủy và hộ ông Nguyễn Trọng Hòa trả lại nguyên trạng ban đầu chưa cải tạo, các hộ không được tự tiện khai thác khi chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý.

Có thể thấy, trong hầu hết các văn bản, biên bản của lực lượng chức năng từ huyện Chư Prông đến xã Ia Drang không đề cập đến việc để xảy ra tình trạng khai thác đá chẻ như thực tế người dân phản ánh và phóng viên ghi nhận. Dư luận cho rằng việc thiếu kiên quyết xử lý các trường hợp khai thác đá chẻ trái phép như của lực lượng chức năng huyện Chư Prông khiến "đá tặc" vẫn ngang nhiên lộng hành, gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản tại địa phương.

Bài và ảnh: Quang Thái (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/gia-lai-da-taclong-hanh-chinh-quyen-ne-tranh-20240220184230764.htm