Gia Lai: Hạn giữa mùa mưa, thiệt hại kinh tế nặng nề

Dù đang giữa mùa mưa nhưng hạn hán lại đang hoành hành tại một số huyện của tỉnh Gia Lai khiến nhiều diện tích cây trồng bị khô cháy, thiệt hại kinh tế nặng nề.

Nếu như mùa này, nhiều nơi tại Tây Nguyên mưa lũ gây ngập lụt trên diện rộng thiệt nặng nề về cây cối, hoa mùa, nhà cửa thì một số huyện tại tỉnh Gia Lai chỉ xuất hiện những trận mưa rất nhỏ, cục bộ, nhiều xã nắng gay gắt. Tại huyện Kbang (Gia Lai), nắng hạn kéo dài hơn 4 tháng nay khiến nhiều diện tích mía, mì, rau màu héo vàng chờ chết.

Nông dân “ngửa mặt” cầu mưa

Ông Bùi Phích - Chủ tịch UBND xã Đắk Hlơ, huyện Kbang cho biết: Toàn xã có 620 hộ bị thiệt hại nặng do nắng hạn. Trong đó, 52/78 ha lúa, 101/162 ha rau màu, bắp, 392/1.438 ha mía bị thiệt hại trên 70%; diện tích còn lại cũng thiệt hại từ 30% đến 70% và đang có nguy cơ tăng lên nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài.

Hạn hán cũng đang hoành hành tại các xã Kông Pla, Kông Lơng Khơng… tại huyện Kbang. Những rẫy mía còi cọc, thấp lè tè, vàng cháy cũng đang chờ chết. Ông Đinh Já, làng Groi, xã Kông Pla than thở: “1,2 ha mía của tôi vụ này coi như mất trắng. Gia đình tôi và nhiều hộ dân trong làng giờ chỉ biết ngửa mặt cầu mưa, nếu không thì cắt mía cho bò ăn!”.

Thống kê tại Kông Pla có khoảng 2.203 ha cây trồng bị hạn hán đe dọa, trong đó có 1.400ha mía. Chủ tịch xã Kông Pla Trần Văn Sơn tính toán tổn thất đầu tư niên vụ 2019-2020 ước tính 28 tỷ đồng và nguồn lợi thất thu khoảng trên 42 tỷ đồng.

Ông Bùi Phích, Chủ tịch UBND xã Đak Hlơ trên ruộng lúa cháy khô của người dân trên địa bàn

Ông Bùi Phích, Chủ tịch UBND xã Đak Hlơ trên ruộng lúa cháy khô của người dân trên địa bàn

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kbang - Mã Văn Tình cho biết, nắng hạn từ cuối năm 2018 đến nay khiến mực nước ngầm xuống thấp; hồ chứa không đảm bảo nước tưới. Hạn hán kéo dài, cùng với dịch bệnh trên cây mì, mía khiến đời sống người dân gặp khó khăn.

Dọc theo tuyến đường Trường Sơn qua các huyện Krông Chro, Ia Pa, Krông Pa hạn hán cục bộ cũng đang xảy ra. Nhiều diện tích mía, mì, hoa màu tại huyện Krông Pa cũng đang héo úa, không thể sinh trưởng khiến nhiều người dân lo âu về một vụ màu trắng tay.

Lo chống hạn, thủy điện ngừng phát điện

Hạn hán cũng khiến nhiều sông, suối, ao, hồ tại Gia Lai cạn kiệt, không có nước để tích trữ. Tại Nhà máy Thủy điện An Khê-Ka Nak mực nước tại hồ Ka Nak đã cạn kiệt, chỉ đạt mức 488 m và luôn ở mức xấp xỉ mực nước chết 485 m (thấp hơn 27 m so với mực nước trung bình nhiều năm là 515 m).

Từ đầu mùa khô đến nay, cả 2 hai nhà máy thủy điện An Khê và Ka Nak đã dừng phát điện để tập trung cấp nước cho hạ du. Tính đến thời điểm này, nhà máy mới chỉ phát được 30 triệu KWh điện, đạt gần 6% kế hoạch năm 2019 (509 triệu KWh), thấp hơn rất nhiều so với năm trung bình nhiều năm.

Ông Đặng Văn Tuần - Giám đốc Công ty Thủy điện An Khê và Ka Nak cho biết, từ đầu năm 2019, đơn vị đã chủ động làm việc với các cấp chính quyền địa phương của tỉnh Gia Lai và Bình Định để báo cáo tình trạng khô hạn, thiếu hụt nước đang xảy ra tại hồ chứa thủy điện An Khê - Ka Nak nên họ cũng rất chia sẻ với những khó khăn đối với Công ty trong hoạt động sản xuất kinh doanh, vận hành phát điện.

Nắng hạn kéo dài khiến hầu hết diện tích mì xã Đắk Hlơ không có củ

Theo đánh giá của Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak, hiện nay, các nguồn nước về hồ Ka Nak chỉ đạt 0,8 m/s., lượng nước trong hồ xuống gần mực nước chết. Để đảm bảo cấp nước cho vùng hạ du, đơn vị đã đề xuất phương án vận hành chống hạn theo yêu cầu của tỉnh Bình Định và Gia Lai cùng các bộ, ngành. “Hiện thủy điện đang thực hiện chức năng cứu hạn cho vùng hạ du hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán. Và đã thông báo cho chính quyền địa phương, người dân sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước”, ông Tuần nhấn mạnh.

Mực nước tại hồ Ka Nak xuống xấp xỉ mực nước chết

Chủ tịch UBND huyện Kbang - Võ Văn Phán cho biết, để hạn chế thiệt hại cho người dân do nắng nóng kéo dài, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và triển khai các phương án chống hạn, tuyên truyền người dân có kế hoạch gieo trồng phù hợp với khả năng đáp ứng của các công trình thủy lợi, sử dụng tiết kiệm các nguồn nước.

Phạm Hưởng

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/gia-lai-han-giua-mua-mua-thiet-hai-kinh-te-nang-ne-156828.html