Gia Lai: Hành trình đưa các Anh về với 'đất mẹ' của K52

Gần 20 năm nay, Đội K52 (Bộ CHQS tỉnh Gia Lai) ngày đêm 'bám rừng' trên nước bạn Campuchia để đưa hàng nghìn hài cốt, liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam về với đất mẹ. Hành trình ấy luôn đối mặt với hiểm nguy, khó khăn nhưng các anh vẫn âm thầm bước tiếp…

Bỏ tết, xuyên rừng sâu để đi tìm đồng đội trên nước bạn

Ngày 5/1/2001, Đội K52, Phòng Chính trị (Bộ CHQS tỉnh Gia Lai) được thành lập với chức năng, nhiệm vụ là tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở 3 tỉnh: Ratanakiri, Stung Treng, Preah Vihear thuộc Vương quốc Campuchia. Đồng thời, đội K52 còn có nhiệm vụ phối với các cơ quan trên địa bàn tỉnh Gia Lai để tìm kiếm, cất bốc các hài cốt liệt sỹ trong tỉnh.

Thiêng liêng nhập thi hài các anh hùng liệt sỹ tại Gia Lai về với đất mẹ

Thiêng liêng nhập thi hài các anh hùng liệt sỹ tại Gia Lai về với đất mẹ

20 năm thành lập là 20 năm mà các cán bộ, chiến sỹ đội K52 thường xuyên “bám rừng, vượt núi” lần theo những dấu chân hành quân xưa để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng là tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ đang nằm trên mảnh đất Campuchia. Để có thông tin về chiến trường, nơi đóng quân xưa, đội đã đề xuất với Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các cựu chiến binh đã từng chiến đấu trên đất bạn nhằm “góp nhặt” những thông tin về vị trí các chiến sỹ đã ngã xuống. Trên cơ sở đó, đội tiếp tục thu thập hồ sơ, tư liệu về các trận đánh, sơ đồ chôn cất, mai táng liệt sỹ để lên một bản đồ tìm kiếm hàng năm trời trên 3 tỉnh của nước Campuchia. Không những thế, đội luôn làm tốt công tác vận động quần chúng, thắt chặt tình hữu nghị với với chính quyền và nhân dân nước bạn để có sự giúp đỡ quý giá nhằm tìm kiếm thông tin các đồng đội một cách nhanh nhất.

Đại úy Nguyễn Bá Lợi - Phân đội trưởng Đội K52 tâm sự, bắt đầu mùa khô hàng năm, từ tháng 10 đến tháng 9 hàng năm, đội K52 bắt đầu lên đường sang nước bạn Campuchia để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam. Để công việc tình kiếm được thuận lợi, chúng tôi luôn nhận được nhiều sự giúp đỡ của các cựu chiến binh, người dân và chính quyền địa phương của 2 nước Việt Nam - Campuchia

Dưới cái nắng “đỏ lửa” của mùa khô trên đất Campuchia, đội K52 lại “cõng” ba lô và cầm trên tay chiếc gậy Trường Sơn để đi vào vùng lõi của các cánh rừng. Để hành trình được thuận lợi, các cán bộ, chiến sỹ đội K52 chỉ được mang trên vai một số nhu yếu phẩm và chiếc võng…Hành trình ấy cứ băng băng qua những cơn mưa rừng, chông gai, đạn pháo, chất độc hóa học còn sót lại…Đêm đêm, khi ánh lửa K52 thắp lên lại hấp dẫn các loại bò sát độc như: rắn, rết, thú dữ. Trên hành trình ấy cũng đã có chiến sỹ hy sinh vì bị rắn độc cắn. Xúc động nhất là cảnh chiến sỹ K52 phải trải qua các cơn sốt rét rừng. Thấy người đồng đội nằm co ro, run cầm cập vì cơn sốt rét hành hạ, anh em trong đội đã giành chăn, áo của mình…đắp thêm những đồng đội bị bệnh. Những bàn tay chai sạn thay nhau hơ nóng trong đống lửa để áp vào trán, má nhằm giữ ấm, cùng giúp nhau vượt qua cái giá rét giữa chốn “rừng thiêng, nước độc”…

Qua cơn sốt rét, họ lại cùng nắm chặt tay nhau “băng đèo, vượt suối” để đến được những vị trí mà các chiến sỹ năm xưa đang nằm lại. Hành trình ấy kéo dài hàng tuần trời mới xong một khu vực.

Nhẹ nhàng cẩn trọng trong từng bước tìm kiếm

“Chúng tôi phải đi hàng tuần trời để đến được với những vị trí mà ngày xưa kia là chiến đấu, căn cứ hay khu đóng quân của các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam…Khi tìm được khu vực này, đội đã dựa vào kinh nghiệm, địa hình, địa vật còn lại tại hiện trường để tiến hành đào thăm dò. Khi đã xác định được vị trí chính xác có hài cốt, toàn đội sẽ dốc toàn lực đào sâu xuống lòng đất từ 5- 12m theo hình dích dắc hay chặn đầu…để tìm kiếm. Đồng thời, dựa vào thông tin những người bản địa để mở rộng khu vực tìm kiếm nhằm không để sót một hạt cát của các chiến sỹ đã ngã xuống vì Tổ Quốc…”, Đại úy Lợi cho biết.

“Quên tết” để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng

Gần 20 năm qua, đội K52 đã âm thầm chịu nhiều gian khổ, hy sinh trên đất nước bạn để tìm kiếm, cất bốc, hồi hương 1.428 hài cốt liệt sĩ tại 3 tỉnh thuộc Campuchia (Cụ thể: tỉnh Ratanakiri: 532, StungTreng: 402, Preah Vihear: 503). Dấu chân của những người lính K52 đã in hằn trên 400 phum, sóc; 140 xã, 22 huyện thuộc 3 tỉnh nước bạn Campuchia. Từng vạt rừng, góc núi, khe suối đều được bàn tay đội K52 đào sâu, dời non với hy vọng tìm kiếm được những chiến sỹ đã hy sinh.

Khi bước chân đội K52 đến đâu thì luôn chú trọng đến công tác dân vận. Ngoài nhiệm vụ chính, đội đã tổ chức hàng nghìn lượt khám bệnh miễn phí; giúp nhân dân nước bạn sửa chữa nhà, làm công trình nước sạch, thu hoạch mùa màng. Cũng chính những điều này đã giúp khoảng cách giữa nhân dân nước bạn và bộ đội ta ngắn lại. Nhân dân Campuchia đã nhiều lần cung cấp thông tin, dẫn đường, xác định đúng vị trí các hài cốt.

Đội K52 đã vận động được 1 người từng là Trung đoàn trưởng Pool Pốt ở tỉnh Preah Vihear tự nguyện chỉ dẫn, quy tập được 45 hài cốt liệt sĩ. Cùng với đó là một số người từng đi lính trong chế độ cũ cũng tự nguyện cung cấp thông tin để tìm kiếm hàng chục hài cốt liệt sĩ ở trong nước.

Thượng tá Nguyễn Xuân Toản - Đội trưởng Đội K52 bộc bạch, trên nước bạn đều gặp muôn vàn khó khăn. Khi mới đặt chân sang nước bạn, cán bộ, chiến sỹ đội K52 luôn gặp khó khăn bởi ngôn ngữ, phong tục tập quán của địa phương nước bạn. Đặc biệt một số địa bàn, một bộ phận nhân dân Campuchia bị các phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động, xuyên tạc về tình đoàn kết, hữu nghị giữa Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân hai nước; xuyên tạc nhiệm vụ quy tập của Đội... gây khó khăn trong việc nắm bắt thông tin, ảnh hưởng nhiều đến kết quả quy tập. Vượt qua những khó khăn, thử thách, các cán bộ, chiến sĩ Đội K52 luôn giữ vững và phát huy hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ”, “Người chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam” với tình đoàn kết trong sáng, thủy chung, chí nghĩa, chí tình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên đất bạn.

Nâng niu thi hài đồng đội về với quê hương

20 năm trên mặt trận tìm kiếm ở nước bạn thì số lần về quê hương đón tết của cán bộ, chiến sỹ K52 chỉ tính trên đầu ngón tay, có người chưa một lần nào. Nhiệm vụ họ kéo dài từ tháng 10 đến hết tháng 8 – 9 năm sau. Tuy nhiên, anh em trong đội luôn động viên nhau “những sự gian khổ mà đội đang trải qua không bằng những giọt máu đào mà các chiến sỹ ngày xưa đã đổ xuống vì độc lập, tự do cho Tổ Quốc”. Với những nỗ lực, thành tích đã đạt được, Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng đang trình đề nghị Nhà nước phong tặng Đội K52 danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân thời kỳ đổi mới.

Ngọc Anh

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/gia-lai-hanh-trinh-dua-cac-anh-ve-voi-dat-me-cua-k52-d130449.html