Gia Lai: Nâng cao thể trạng tầm vóc người dân tộc thiểu số theo Chương trình MTQG 1719

Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đang tích cực triển khai Dự án 7 chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng - chống SDD trẻ em- 1 trong 10 dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719).

Tỷ lệ trẻ em người dân tộc thiểu số tại Gia Lai vẫn còn khá cao

Theo thống kê mới nhất, hiện nay Gia Lai vẫn còn 22% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nhẹ cân, 29,9% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi. Tỷ lệ này đã giảm so với giai đoạn 2016 – 2017 nhưng so với tỷ lệ của toàn quốc thì đây vẫn là tỷ lệ cao.

Gia Lai thực hiện giải pháp nâng cao tầm vóc người dân tộc thiểu số.

Theo thống kê, ước tính mỗi năm Gia Lai có khoảng 6.097 trẻ SDD cấp tính nặng nhưng chỉ có 171 trẻ được thu dung điều trị ngoại trú trong 3 năm dự án. Trẻ SDD nặng cấp tính rơi vào các gia đình đồng bào DTTS, hộ nghèo không có tiền để mua sản phẩm điều trị. Hiệu quả của việc điều trị SDD giai đoạn 2017 - 2021 hạn chế về số trẻ thoát suy vì sản phẩm điều trị bị gián đoạn, nên trẻ tái SDD trở lại chiếm tỷ lệ 2 %...

Đơn cử như tại huyện Mang Yang. Tỷ lệ trẻ SDD thể nhẹ cân chiếm 18,4% và thể thấp còi chiếm 24,6%. "Nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS kinh tế còn khó khăn nên bữa ăn hàng ngày chưa đảm bảo dinh dưỡng. Đặc biệt, vào mùa giáp hạt, cha mẹ đi làm thường xuyên nên con cái không được chăm sóc chu đáo. Cùng với đó, trong thời kỳ mang thai, nhiều bà mẹ cũng chưa có kiến thức về chăm sóc thai kỳ dẫn đến khi trẻ sinh ra bị thiếu cân, chậm phát triển, hấp thu dinh dưỡng kém…"- bà Đỗ Thị Thu - cán bộ phụ trách chương trình dinh dưỡng (Trung tâm Y tế huyện Mang Yang) lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng SDD tại địa phương.

Còn theo bác sĩ Rmah Din, Phó Trưởng Khoa Nội tổng hợp - Y học cổ truyền, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai, đa số trẻ SDD nhập viện điều trị là trẻ vùng đồng bào DTTS; trung bình cứ 5 cháu thì có 1 cháu SDD.

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi SDD tại Gia Lai còn cao, đó là do cách chăm sóc trẻ 1.000 ngày đầu đời chưa được chú trọng, thiếu kiến thức trong chăm sóc trẻ, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Ngoài ra, nhiều gia đình do kinh tế khó khăn nên chưa chú tâm chăm sóc, thiếu kiến thức trong chế biến thực đơn nên bữa ăn chưa đảm bảo chất và lượng, dẫn đến trẻ nhẹ cân thiếu ký, lâu dần SDD.

Mặt khác, do phong tục tập quán của đồng bào DTTS “trời sinh, trời dưỡng” hay cho ăn dặm sớm, không đúng cách dẫn đến tỷ lệ trẻ bị SDD thể thấp còi trên địa bàn còn cao.

Cùng với đó, nguồn nhân lực thực hiện chương trình dinh dưỡng còn thiếu, mạng lưới cán bộ làm công tác dinh dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu. Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương về dinh dưỡng còn hạn chế. Sự phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thiếu chính sách hỗ trợ cần thiết cho hoạt động của chương trình dinh dưỡng. Nhận thức và thực hành về dinh dưỡng hợp lý của cộng đồng còn thấp.

Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để cải thiện thể trạng trẻ em dân tộc thiểu số

Để cải thiện thực này, thời gian qua, đặc biệt từ đầu năm 2023, Gia Lai tập trung nhiều giải pháp, triển khai thực hiện nhiều dự án trong mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó có Dự án 7 chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

Dự án 7 thuộc Chương trình MTQG 1719, chú trọng đến công tác cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em thông qua hỗ trợ can thiệp trực tiếp đối tượng phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ em dưới 5 tuổi tiếp cận với các can thiệp trực tiếp phòng - chống SDD, thiếu vi chất dinh dưỡng (cung cấp gói tư vấn dinh dưỡng, đa vi chất, sản phẩm dinh dưỡng, quản lý SDD cấp tính tại cộng đồng...). Hỗ trợ can thiệp trực tiếp trẻ học đường (từ 5 đến dưới 16 tuổi) cải thiện bữa ăn học đường, theo dõi tình trạng dinh dưỡng định kỳ và tư vấn dinh dưỡng, hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ SDD, giáo dục cho trẻ về chăm sóc dinh dưỡng hợp lý và tăng cường vận động thể lực, phòng - chống SDD... Đồng thời, hỗ trợ nâng cao nhận thức và hành vi của các đối tượng thông qua việc tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tư vấn chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ em 0 - 16 tuổi.

Nguồn vốn gần 12 tỷ đồng từ Dự án 7 sẽ được dùng để triển khai thực hiện công tác xây dựng và phát triển y tế cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi và nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đây sẽ là động lực mới cho địa phương miền núi phát triển mạng lưới y tế, cũng như đội ngũ cô đỡ thôn bản phát huy hết vai trò của mình để chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng DTTS.

Đặc biệt, ngành y tế tỉnh Gia Lai tập trung tuyên truyền, phổ biến và vận động người dân thuộc vùng dân tộc thiểu số đẩy mạnh công tác chăm sóc dinh dưỡng thông qua can thiệp trực tiếp từ khi bà mẹ mang thai, nuôi con trong 1.000 ngày đầu đời. Trong đó, bà mẹ mang thai được chăm sóc từ dinh dưỡng, tiêm phòng và hướng dẫn cách nuôi con bằng sữa mẹ, bổ sung vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sức phát triển của trẻ.

Minh Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-lai-nang-cao-the-trang-tam-voc-nguoi-dan-toc-thieu-so-theo-chuong-trinh-mtqg-1719-post275177.html