Gia Lai nỗ lực giảm nghèo bền vững

Gia Lai đã có nhiều chuyển biến rõ nét trong công tác giảm nghèo. Song, để giảm nghèo bền vững vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi nỗ lực vượt bậc của chính quyền các cấp và người dân.

Từ quyết tâm giảm nghèo của chính quyền cấp tỉnh

Theo báo cáo của tỉnh, năm vừa qua, Gia Lai có 38.550 hộ nghèo (172.746 khẩu). Trong đó, số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 34.387 hộ (158.620 khẩu); tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 21,26%.

Năm 2022, BHXH tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ trên 20.000 thẻ BHYT, sổ BHXH cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Ngọc Thu

Năm 2022, kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo là 2,03% đạt 101,53% so với kế hoạch đề ra; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4,32 % đạt 143,95% so với kế hoạch. Số hộ cận nghèo toàn tỉnh là 37.253 hộ (163.613 khẩu), trong đó, số hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 28.565 hộ (130.723 khẩu), tỷ lệ hộ cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 17,66%.

Đáng ghi nhận là từ cuối năm 2018 đến nay, Gia Lai không còn hộ nghèo là người có công với cách mạng, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn cũng giảm theo từng năm… Đó là kết quả của sự thống nhất từ ý chí đến hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và nỗ lực vươn lên của từng cá nhân, hộ gia đình.

Về tín dụng cho hộ nghèo, tính đến hết tháng 11.2022, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho vay 8.929 lượt hộ nghèo, 7.277 lượt hộ cận nghèo, 2.490 hộ mới thoát nghèo, 12.400 lượt hộ vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 9.381 hộ vay vốn giải quyết việc làm, 5.341 lượt hộ vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn với doanh số cho vay hơn 1.697,9 tỷ đồng, tổng dư nợ vay trên 5.494,4 tỷ đồng.

Đối với hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế, đã có 65.244 người nghèo được cấp thẻ, số người cận nghèo là 62.175, số người dân tộc thiểu số sinh sống vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn là 288.672; đồng thời hỗ trợ mua bảo hiểm y tế hộ nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình là 83.927. Tổng số kinh phí hỗ trợ khoảng 334.681 triệu đồng.

Trên cơ sở các dự báo về thuận lợi và khó khăn của năm 2023, Gia Lai đã chủ trương điều tra, thống kê hộ nghèo theo kế hoạch, rà soát chỉ tiêu giảm nghèo cho các địa phương và kịp thời báo cáo UBND tỉnh để điều chỉnh nếu chưa phù hợp. Mục tiêu năm 2023 là giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% (phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 8,1%), tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Kông Chro giảm 5%.

Đến động lực vươn lên thoát nghèo ở địa phương

Thuộc vùng ven TP. Pleiku, xã Tân Sơn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Với quyết tâm cao, chính quyền xã và người dân đồng lòng phấn đấu giảm nghèo bền vững và đã có những thành công nhất định.

Đại diện UBND xã Tân Sơn cho biết, xuất phát từ xã nông nghiệp, công tác giảm nghèo được ban lãnh đạo xã rất chú trọng. Xã có 2 làng dân tộc thiểu số, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và còn không ít khó khăn. Trước tình hình đó, UBND đã rà soát, đề ra các giải pháp phù hợp giúp hộ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế gia đình bằng cách hỗ trợ con giống, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất.

Đồng thời, xã đã phối hợp với các đoàn thể tổ chức cho người dân tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và đời sống, tuyên truyền, vận động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế. Ủy ban MTTQ Việt Nam xã phối hợp triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Nhờ vậy, toàn xã chỉ còn 22 hộ nghèo (chiếm 1,49%) và 108 hộ cận nghèo (chiếm 7,32%).

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, các hạng mục công trình xây dựng triển khai tại xã đều được hoàn thành đúng kế hoạch. Để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, 3 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 1.468m, kinh phí gần 1,5 tỷ đồng đã sớm hoàn thành.

Đại diện Hội Nông dân xã cho hay, các chi hội trong xã đã phối hợp vận động người dân hưởng ứng làm đường giao thông nông thôn với chiều dài 8,3km; vận động 205 hộ gia đình ở hai bên đường Phạm Hùng thuộc thôn Tiên Sơn 2 và thôn 9 tự tháo dỡ các công trình, vật kiến trúc bảo đảm theo chỉ giới quy định, vận động người dân xây mới và sửa chữa nhà ở, công trình phụ theo tiêu chuẩn nông thôn mới.

Thời gian qua, các chi hội đoàn thể trong xã Tân Sơn thường xuyên vận động dân làng tham gia các phong trào thi đua. Từ đó, bà con đã góp kinh phí và ủng hộ hơn 750 ngày công để nạo vét mương thoát nước, sửa chữa hơn 2,5km đường giao thông nội làng. Nhờ đó, làng Têng 2 đã được UBND thành phố công nhận làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Lãnh đạo UBND xã chia sẻ, sắp tới, xã Tân Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số, quyết tâm năm 2023 có thêm làng Têng 1 về đích nông thôn mới.

Mỹ Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/gia-lai-no-luc-giam-ngheo-ben-vung-i323636/