Gia Lai: Tai nạn rình rập trên đường trăm tỷ 'nát như tương'

Tuyến đường liên huyện Đak Đoa - Chư Prông (Gia Lai) mới hết hạn bảo hành khoảng 4 năm nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Nhiều đoạn hư hỏng, mất an toàn

Năm 2017, tuyến đường liên huyện từ trung tâm thị trấn Đak Đoa đi xã Ia Băng (huyện Đak Đoa) nối với đường Hồ Chí Minh có chiều dài hơn 21,8km, được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.

Tuyến đường này cũng là tuyến tránh TP Pleiku nối quốc lộ 19 thuộc địa bàn thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa) đến đường Hồ Chí Minh.

Đường liên huyện Đak Đoa - Chư Prông (Gia Lai) hiện đang xuống cấp nghiêm trọng.

Dự án do liên danh Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên (trụ sở tại Gia Lai) và Công ty CP Tập đoàn Hà Mỹ Hưng (trụ sở tại tỉnh Hà Tĩnh) trúng thầu thi công.

Tháng 2/2018, tuyến đường hoàn thành và đưa vào sử dụng và thời gian bảo hành đến tháng 3/2019. Hết thời gian bảo hành, đường được bàn giao lại cho huyện Đak Đoa quản lý.

Tuy nhiên, ông Trần Hưng Nghiệp, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đak Đoa cho biết, sau khi đưa vào sử dụng, đến nay nhiều đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng.

Theo ghi nhận, tại đoạn mở mới tuyến từ đoạn đấu nối với đường Hồ Chí Minh về ngang qua thôn 7, xã Ia Băng, mặt đường gần như hư hỏng toàn bộ, nhiều chỗ sụt lún dài cả chục mét.

Tại đây, có cắm biển hạn chế tải trọng 15 tấn, tuy nhiên có rất nhiều xe tải trọng nặng lưu thông.

Ông Dương Đình Thanh (thôn 7, xã Ia Băng), có nhà nằm sát tuyến đường phản ánh: "Chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng, tuyến đường đã xuống cấp và hư hỏng nặng. Đường mới làm mà chi chít ổ gà, ổ voi, nhiều hố nước sâu hoắm như bẫy người đi đường, thật khó hiểu".

Tương tự, anh Rah Lan Nghiên (thôn O Ngó, xã Ia Băng) cho biết: "Trước mùa mưa thấy mặt đường có dặm vá nhiều nơi, nhưng chỉ sau vài cơn mưa thì đâu lại vào đấy.

Khi mưa xuống lưu thông đến những điểm hư hỏng không biết đâu là đường, đâu là hố nước. Đã có nhiều vụ người đi xe máy bị sập hố nước, rất may là chưa xảy ra tai nạn chết người".

Kinh phí duy tu, sửa chữa ít ỏi

Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đak Đoa, từ năm 2018 đến nay, huyện đã nhiều lần bỏ kinh phí duy tu sửa chữa tuyến đường trên, riêng năm 2021 chi hơn 145 triệu đồng để duy tu, sửa chữa những chỗ hư hỏng lớn; đầu năm 2023 chi 420 triệu đồng để đổ bê tông gần 200m sụt lún tại vị trí Km 17+750.

Trước tình trạng hư hỏng nghiêm trọng tại tuyến đường liên huyện trên, UBND huyện Đak Đoa đã yêu cầu các xã phải có trách nhiệm trong công tác đảm bảo ATGT, ngăn ngừa tai nạn.

Các xã cũng đã kêu gọi các nguồn hỗ trợ từ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn dùng xi măng, cát, đá trám vá tạm thời những nơi bị hư hỏng nặng để giải quyết tình thế trong mùa mưa.

Ông Trần Hưng Nghiệp, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đak Đoa

Ông Trần Hưng Nghiệp, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đak Đoa cho biết: "Không chỉ mới hỏng những năm gần đây mà đường đã hỏng ngay từ lúc mới hoàn thành khoảng 6 tháng.

Về chuyên môn, chúng tôi khẳng định con đường này thi công không đảm bảo chất lượng, nhất là đoạn mở mới nối vào đường Hồ Chí Minh dài hơn 4km đoạn cuối tuyến.

Đường mới làm mà sửa trước hỏng sau khiến người dân rất bức xúc".

Theo ông Nghiệp, năm nay, huyện Đak Đoa đã quyết định bổ sung kinh phí bảo trì đường bộ khoảng 300 triệu đồng để sửa chữa.

Tuy nhiên, chiều dài đoạn bị xuống cấp gần 17km, với kinh phí chừng đó thì không thấm vào đâu. Tuyến đường này xe tải nặng thường xuyên hoạt động nên xuống cấp rất nhanh.

"Với 17km đầu tuyến thi công trên nền đường cũ nên hư hỏng ít, kinh phí sửa chữa khoảng trên 100 triệu đồng/km.

Còn với trên 4km mở mới, hư hỏng rất nặng nên kinh phí sửa chữa khoảng từ 300 - 350 triệu đồng/km. Ước tính phải có vài tỷ đồng mới có thể khắc phục được tình trạng hư hỏng hiện nay", ông Nghiệp nói.

Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết, trước đây, do nguồn vốn hạn chế nên thiết kế kết cấu mặt đường cấp thấp.

Tổng kinh phí dự án là 94 tỷ đồng, trong đó kinh phí thi công chỉ trên 70 tỷ đồng toàn tuyến, còn lại là kinh phí giải phóng mặt bằng.

Trong khi đó tải trọng khai thác thực tế tuyến đường khá lớn do là tuyến nối quốc lộ 14 - đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 19.

Với đặc thù thời tiết vùng Tây Nguyên, kết cấu mặt đường càng nhanh xuống cấp. Sau khi giao cho địa phương quản lý, địa phương không có kinh phí dẫn đến việc hư hỏng không được sửa chữa kịp thời, khiến hư hỏng lan rộng.

Tuyến đường này dù là đường liên huyện nhưng thực tế đây là tuyến đường tránh ngắn nhất đối với các phương tiện lưu thông hướng quốc lộ 19 đi đường Hồ Chí Minh.

Chúng tôi đã đề xuất đầu tư nâng cấp tuyến đường này trong giai đoạn sau để thành đường tránh qua đô thị Pleiku", vị này cho hay.

Tạ Vĩnh Yên

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/gia-lai-tai-nan-rinh-rap-tren-duong-tram-ty-nat-nhu-tuong-192231016225640022.htm