Gia Lai: Tuần văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, mời gọi

Gia Lai có bề dày lịch sử, truyền thống, văn hóa đặc sắc, phong phú, con người với những đức tính tốt đẹp đã góp phần làm cho mảnh đất cao nguyên ngày càng rạng rỡ, xinh tươi. Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều thắng cảnh hùng vĩ, Gia Lai còn là vùng đất hội tụ nhiều dân tộc sinh sống . Trên địa bàn hiện có 44 dân tộc anh em đoàn kết, chung sống trong những thôn làng trù phú và mỗi dân tộc đều đang sở hữu phát huy những di sản văn hóa độc đáo riêng có của mình. Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023 từ ngày 11/11 – 19/11/2023 sẽ tái hiện lên tất cả.

Quang cảnh buổi họp báo giới thiệu về Tuần Văn hóa và du lịch Gia Lai năm 2023

Nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc sắc và hấp dẫn

Với Gia Lai, nhiệm vụ chăm lo phát triển văn hóa, xây dựng con người mới và nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn là sự ưu tiên hàng đầu của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh.Việc UBND tỉnh tổ chức “Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023” từ ngày 11/11 – 19/11/2023 với nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc sắc nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch của tỉnh Gia Lai, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã minh chứng điều đó.

Lấy nước nét văn hóa của bà con DTTS ở Gia Lai

Theo đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai: Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023 được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch của tỉnh, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên theo tinh thần Chương trình hành động nhằm phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tuân thủ các nội dung đã cam kết giữa Việt Nam với UNESCO cũng như các tổ chức thế giới về văn hóa, giáo dục khác; đồng thời giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, chỉ số cạnh tranh PCI, môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động hợp tác, đầu tư vào tỉnh Gia Lai; tiếp tục quảng bá các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh được hình thành qua quá trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Tiếng cồng chiêng vang xa của bà con người Jơ rai- Ba Nar

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Để đem đến cho bà con địa phương, du khách trong và ngoài nước hiểu biết thêm “ Nét văn hóa và con người Gia Lai”, các cơ quan chức năng đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Tuần Văn hóa với nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa đặc sắc cùng các trải nghiệm thực tiễn hấp dẫn được tổ chức tại thành phố Pleiku và một số địa phương trong tỉnh như: Huyện Chư Păh, huyện Ia Grai... Sự kiện gồm phần lễ và phần hội, trong đó phần lễ sẽ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Rộc Tưng - Gò Đá và công bố bảo vật quốc gia.

Nằm trong chuỗi hoạt động của tuần lễ là phần trình diễn không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Gia Lai và được tổ chức liên tục trong hai ngày 11 - 12/11/2023 tại quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) với sự tham gia của UBND các tỉnh Kon Tum, Đắk Lăk, Lâm Đồng, Đắk Nông và UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Gia Lai.

Mùa dã quỳ mời gọi du khách ở Gia Lai

Bên cạnh đó, hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tỉnh Gia Lai cũng sẽ được tổ chức tại quảng trường Đại đoàn kết, TP Pleiku trong 5 ngày (từ ngày 11 - 15/11/2023) với 200 - 250 gian hàng tiêu chuẩn, như: Sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, OCOP, sản phẩm văn hóa, nông nghiệp đặc trưng, ẩm thực, du lịch… đặc trưng của tỉnh Gia Lai.

Ngoài ra, cũng trong khuôn khổ tuần lễ, các địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng, bao gồm: Tuần lễ Hoa Dã Quỳ - núi lửa Chư Đang Ya năm 2023 (trọng điểm trong 3 ngày: Từ ngày 10 - 12/11/2023) tại làng Ia Gri, khu vực núi lửa xã Chư Đang Ya và một số địa điểm khác trên địa bàn xã Chư Đang Ya và xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh.

Giải chạy bộ “Gia Lai city trail 2023 - Giấc mơ đại ngàn” kết hợp tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch thành phố Pleiku cũng diễn ra từ ngày 17 đến 19/11/2023) tại khu di tích thắng cảnh Biển Hồ, khu vực núi lửa xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh và đường Anh Hùng Núp, TP Pleiku với các nội dung: 42km, 21km, 10km và 5km cho cả nam và nữ.

Đặc biệt, tại Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai sẽ có những màn trình diễn cồng chiêng, phục dựng lễ hội truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số, trưng bày ảnh du lịch Pleiku, hội chợ OCOP, biểu diễn văn nghệ…

Cùng với đó, hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2023 diễn ra (từ ngày 17 đến 18/11/2023) tại Làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai, với các nội dung: Đua thuyền độc mộc; Liên hoan Văn hóa cồng chiêng; Trình diễn trang phục truyền thống, thi dân vũ; Giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Quảng bá hình ảnh con người, mảnh đất Gia Lai

Tỉnh Gia Lai có trên 46% dân số là đồng bào DTTS sinh sống, chủ yếu là người dân tộc Gia Rai và Ba Na.Bản sắc văn hóa các dân tộc ở Gia Lai, được đúc kết qua các thế hệ nối tiếp nhau, được ví như dòng phù sa bồi tụ những gì tinh túy nhất để làm nên sức sống và qua thời gian lắng đọng tạo thành bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo.

Ngày hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô

Là địa phương có 44 dân tộc sinh sống, điều đó cho thấy Gia Lai là “đất lành chim đậu”. Điều đó đồng nghĩa với việc Gia Lai có nền văn hóa đa dạng, phong phú, được bổ sung và phát triển không ngừng bởi nhiều dân tộc anh em. Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn, Nhà nghiên cứu văn hóa và dân tộc học cho rằng: “Tây Nguyên và nhất là Gia Lai-Kon Tum là nơi bảo lưu những yếu tố văn hóa bản địa cổ xưa của bán đảo Đông Dương và cũng là nơi mà các cư dân đã tạo cho bản thân một phong cách văn hóa thống nhất”.

Những năm qua Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã có nhiều cố gắng thực hiện một trong những nhiệm vụ trọng tâm suốt là công tác văn hóa, xây dựng, phát triển con người mới và đã đạt được những kết quả hết sức to lớn, toàn diện. Có chính sách để bảo tồn và phát triển văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng, DTTS; nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động văn hóa, tổ chức có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đầu tư các thể chế văn hóa của tỉnh, các công trình văn hóa được UNESCO và Nhà nước tôn vinh. Khai thác, bảo tồn và tôn tạo các di sản văn hóa tiêu biểu gắn với phát triển du lịch và bảo vệ tài nguyên môi trường. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao. Nhiệm vụ, giải pháp, cách thức tổ chức triển khai thực hiện cụ thể và đã được cấp ủy, chính quyền các cấp vận dụng thực hiện để phát huy hiệu quả.

Làng hoa dã quỳ Chư Đăng Ya - Chư Pãh - Gia Lai

Đến thăm làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, nơi chuẩn bị diễn ra “Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya”. Từ vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp để khai thác giá trị du lịch, gắn với yếu tố cộng đồng, giúp người dân địa phương nói chung, bà con dồng bào DTTS ở làng Gri hòa nhập vào dòng chảy, khôi phục những nét riêng văn hóa đặc trưng của người Gia Rai. Chẳng hạn, địa phương đã mời các nghệ nhân chỉnh chiêng ở xã Ia Ka (huyện Chư Păh) về Chư Đăng Ya để mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh, thiếu niên và học sinh trong làng. Nhờ đó mà đến nay, làng đã có đội chiêng và đội xoang nữ với 30 người. Ngoài ra, UBND xã Chư Đăng Ya cũng đầu tư bộ cồng chiêng cho các nghệ nhân trong đội phục vụ dân làng và du khách.

Dệt thổ cẩm nét đẹp truyền thồng của bà con DTTS ở Gia Lai

Trước thềm Lễ hội hoa dã quỳ Chư Đăng Ya, trao đổi với chúng tôi đồng chí Nay Kiên – Chủ tịch UBND huyện Chư Pãh (Gia Lai) cho biết: Đến nay mọi công tác chuẩn bị coi như đã hoàn tất. Lễ hội hoa dã quỳ Chư Đăng Ya là một lễ hội truyền thống của người dân địa phương, nhằm tôn vinh giá trị di sản mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người và di sản văn hóa do người dân địa phương tự tạo ra. Bên cạnh đó, lễ hội đặc sắc này còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện. Tham gia lễ hội này không chỉ là cơ hội để du khách tìm hiểu đời sống, văn hóa, con người ở đây mà còn là dịp để bạn trải nghiệm cuộc sống với thiên nhiên mây trời hoa lá. Cái mới, hấp dẫn nhất là Lễ hội hoa dã quỳ Chư Đăng Ya đã phục dựng nguyên bản lễ hội mừng lúa mới của người Gia Rai. Tham gia vào lễ hội này, bạn sẽ được thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau như thi và trình diễn đan lát, dệt thổ cẩm, trưng bày ảnh đẹp của Chư Đăng Ya, giao lưu văn nghệ, biểu diễn hòa tấu, hát dân ca… Đặc biệt, Lễ hội hoa dã quỳ Chư Đăng Ya còn là cơ hội để bạn trải nghiệm bay dù lượn từ trên miệng núi lửa Chư Đăng Ya để ngắm hoa dã quỳ. Lễ hội hoa dã quỳ Chư Đăng Ya còn là cơ hội để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác và đầu ra cho các sản phẩm của người nông dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số.

Những người bạn đồng nghiệp say mê tác nghiệp các sự kiện ở phố núi

Với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, chắc chắn sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023 là một cơ hội để giới thiệu hình ảnh Gia Lai đến bạn bè trong nước và quốc tế, mở rộng cơ hội đón nhận đầu tư, liên kết vùng các tỉnh Tây Nguyên phát triển kinh tế - xã hội.

Lê Quang Hồi

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/gia-lai-tuan-van-hoa-dac-sac-hap-dan-moi-goi-a21504.html