Giá lợn hơi trên thị trường đã hạ nhiệt

Chủ trương đẩy mạnh tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các giải pháp mạnh mẽ đến nay đã thu được kết quả khả quan. Sản phẩm thịt lợn của quá trình tái đàn đã bắt đầu tung ra thị trường, kéo giá lợn hơi dần đi vào trạng thái bình ổn.

Giá thịt lợn sẽ bình ổn hơn nếu trong những tháng cuối năm khi các địa phương đẩy mạnh tái đàn. Ảnh: Khánh Linh

Giá lợn hơi quay đầu về 80.000 đồng/kg

Hiện nay giá lợn hơi trên thị trường bắt đầu hạ nhiệt và quay đầu điều chỉnh về vùng 80.000 đồng/kg, vào những ngày cuối tháng 8 sau khi tăng lên mức giá kỷ lục 100.000 đồng/kg, trong quý I/2020. Nguyên nhân chính tác động giá lợn hạ nhiệt là do việc tăng đàn, tái đàn, đặc biệt là từ khối các doanh nghiệp, trang trại, gia trại chăn nuôi lớn bắt đầu cho ra sản phẩm từ quý III/2020 này.

Thống kê từ Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, giá lợn hơi trong 1 tuần nay xuất tại cửa chuồng đã giảm 15.000 - 18.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất. Theo đó, giá lợn hơi khu vực đồng bằng sông Cửu Long khoảng 80.000 - 83.000 đồng/kg; khu vực Đông Nam Bộ (Đồng Nai) giá lợn hơi khoảng 79.000 - 82.000 đồng/kg; khu vực miền Trung giá lợn hơi đạt 77.000 - 79.000 đồng/kg; miền Bắc giá lợn hơi vẫn cao nhất: 80.000 - 83.000 đồng/kg. Giá lợn hơi xuất chuồng của Công ty cổ phần CP bán ở miền Bắc là 80.000 đồng/kg, miền Nam là 80.500 đồng/kg.

Tính đến thời điểm hiện tại có trên 12 tỉnh, thành phố đã tái đàn, tăng đàn lợn vượt 100% so với trước lúc xảy ra dịch tả lợn châu Phi; có 45 tỉnh, thành tái đàn đạt từ trên 50% tới 90%. Riêng với đàn lợn của 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn lớn, tính đến thời điểm hiện tại đạt trên trên 4,8 triệu con, tăng so với ngày 1/1/2019 trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi trên 52%. Kế hoạch của 16 doanh nghiệp đến hết quý III đạt 5,17 triệu con và quý IV đạt 5,36 triệu con.

Theo nhận định của Cục Chăn nuôi, nguyên nhân góp phần rất lớn giúp "hạ nhiệt" giá lợn trong thời gian chính từ việc tái đàn, tăng đàn. Đồng thời, Bộ NN&PTNT đã ban hành các chính sách, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tạo điều kiện tối đa về đất đai, nguồn vốn, chính sách hỗ trợ cho việc tái đàn, tăng đàn, ban hành các quy trình hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng với dịch tả lợn châu Phi.

Cùng với việc tăng đàn, tái đàn theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, nguyên nhân khách quan giúp giảm giá lợn trên thị trường là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ ngành ăn uống, du lịch sụt giảm mạnh. Hơn nữa, việc dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát tại một số địa phương cũng ít nhiều tác động tới nguồn cung mặt hàng lợn hơi trên thị trường do tâm lý lo ngại và bán tháo của một số doanh nghiệp, trang trại. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT kịp thời tham mưu Chính phủ nhanh chóng tăng cường nhập khẩu thịt lợn.

Ở 1 góc nhìn khác, Cục Chăn nuôi cũng cho rằng, giá thịt lợn tăng cao cũng là động lực khiến nhiều doanh nghiệp tái đàn.

Cuối quý III và đầu quý IV, nguồn cung từ lợn tái đàn mới vào thị trường

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, hiện nay vẫn còn một số khó khăn trong tái đàn, tăng đàn và giảm giá lợn thịt. Cụ thể, bệnh dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm chưa có vắc xin phòng bệnh; chăn nuôi nông hộ khó áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nên người chăn nuôi nhỏ lẻ sợ dịch bệnh tái phát. Một số địa phương chưa thực sự quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, tăng đàn vì e ngại tái phát dịch sẽ phát sinh hệ lụy cho địa phương...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nếu không thúc đẩy nhanh đàn lợn nhanh bền vững thì chúng ta đối mặt với nguy cơ mất một góc của ngành hàng này. Không ai có thể cứu mãi, chúng ta phải theo quy luật thị trường. Thúc đẩy nhanh nhưng nguồn vốn, giống ở đâu, trong khi dịch bệnh vẫn còn. Do đó, theo Bộ trưởng, bài toán là cần tích cực nhưng cẩn trọng, thúc đẩy nhanh nhưng phải an toàn, bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT vẫn đang cùng các bộ, ngành trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường và quy định của pháp luật, tiếp tục chỉ đạo, kiểm soát thị trường thịt lợn. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống dịch, tăng đàn, tái đàn duy trì sản xuất để đảm bảo cơ bản đủ nguồn cung thịt lợn cho nhu cầu tiêu dùng.

“Dự báo phải đến cuối quý III và đầu quý IV, nguồn cung từ lợn tái đàn mới có thể tham gia cân đối cung cầu cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, đến lúc đó giá lợn cơ bản sẽ ổn định” - ông Tiến nhấn mạnh.

Ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho hay, trong bối cảnh Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các cam kết thương mại đang tạo áp lực cạnh tranh mạnh mẽ lên cả người sản xuất lẫn thị trường bán lẻ thịt lợn, nhưng đây là thời điểm thích hợp để tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh: xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ hình thành hợp tác xã và tăng liên kết với doanh nghiệp; kiểm soát chất lượng theo chuỗi; tăng đầu tư vào vùng chuyên canh nguyên liệu, kết nối với hộ sản xuất; xây dựng chiến lược thị trường rõ ràng, nghiên cứu, tìm kiếm thị trường ngách thích hợp với năng lực để sẵn sàng tiếp cận thị trường châu Âu... Người chăn nuôi cũng cần chuyên nghiệp hơn, liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã, chủ động nắm bắt thông tin nhu cầu thị trường.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam, trong đó có 19 quốc gia được xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam. Hiện tại có hơn 800 doanh nghiệp của 19 quốc gia được phép xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam.

Trong 7 tháng đầu năm 2020, có 130 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hơn 93.248 tấn thịt lợn các loại chủ yếu từ các nước Canada, Đức, Ba Lan, Braxin, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Liên bang Nga, tăng 223% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt trên 93% kế hoạch Chính phủ giao.

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-08-29/gia-lon-hoi-tren-thi-truong-da-ha-nhiet-91693.aspx