Giá lợn thịt có bình ổn trong dịp tết Canh Tý?

Trước nỗi lo 'bão' giá về thực phẩm dịp tết, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đã chuẩn bị nguồn cung và tham gia vào chương trình bình ổn giá thị trường.

Người tiêu dùng lo lắng

Theo đánh giá của người tiêu dùng, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần và hiện nay đang ở mức khá cao, tăng xấp xỉ từ 40-50% so với đầu năm 2109.

Nguyên nhân của việc tăng giá là do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu phi lây nhiễm vào Việt Nam từ đầu năm, cộng với việc kiểm soát sự lưu chuyển lợn thịt giữa các địa phương để tránh lây lan đã gây mất cân đối, khan hiếm nguồn cung khiến giá thịt lợn bị đẩy lên tăng cục bộ, dẫn đến tâm lý hoang mang lo lắng cho người dùng khi mặt hàng thực phẩm khác trong nước bị xáo trộn theo về giá, đặc biệt là dịp tết đang cận kề.

Theo đó ảnh hưởng từ giá thịt lợn tăng khiến giá của các loại thịt dùng để chế biến khác cũng tăng theo như: Gà thịt tăng từ 30 - 50.000 đồng/kg; ngan, vịt tăng từ 30 - 50.000đồng/kg; mặt hàng hải sản tăng từ 20 - 40.000 đồng/kg...

Chia sẻ thông tin về nguồn hàng sắp tới, ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết: Hiện nay, mặc dù thị trường đang khan hiếm nhưng nguồn cung về thực phẩm lợn thịt của công ty khá ổn định. C.P đang cung cấp ra thị trường khoảng 16 - 17.000 con/ngày và sẽ tiếp tục tăng thêm trong dịp tết với giá bán là 75.000 đ/kg lợn hơi nhưng ngoài thị trường giá lợn thịt bán ra cao hơn nhiều, có những vùng đã lên tới gần 85.000đ/kg.

"Do vậy Công ty tôi mong muốn cùng Bộ NN&PTNT và các doanh nghiệp khác đồng hành trong vấn đề bình ổn định thị trường, giúp người dân yên tâm được sử dụng nguồn thực phẩm an toàn đúng nguồn gốc" - ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, khi được hỏi về nguồn cung cho dịp cuối năm, ông Nguyễn Văn An - Chủ nhiệm Hợp tác xã Thái An, Hải Dương nhận định: Vì đại dịch đang hoành hoành, nên hợp tác xã cũng không có nguồn cung cho thị trường dịp này, một phần là không còn giống để tái đàn, một phần do lợn nuôi trong dân và các địa phương bị chết gom tiêu hủy nhiều nên chúng tôi không dám mạo hiểm. Với mô hình kinh doanh trang trại, nếu không bị dịch thì mỗi lứa, HTX cũng xuất chuồng khoảng vài trăm tấn /năm.

Các tập đoàn chăn nuôi cam kết tham gia vào chương trình bình ổn giá.

Các tập đoàn chăn nuôi cam kết tham gia vào chương trình bình ổn giá.

Chung tay giữa nhà quản lý và doanh nghiệp

Trước thực trạng trên, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết, vừa qua Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã thống nhất sơ bộ số liệu dự báo nguồn cung thịt lợn từ nay đến tết là thiếu khoảng 200 nghìn tấn.

Vì vậy nhằm bình ổn thị trường thực phẩm cuối năm và những tháng sau tết, Bộ Công Thương đã cùng các bộ phát động chương trình bình ổn giá thực phẩm. Hưởng ứng phong trào gồm các tổng công ty xuất nhập khẩu, siêu thị và Công ty chăn nuôi quy mô lớn tại Việt Nam như Tập đoàn Dabaco, Công ty C.P Việt Nam, Công ty Vissan Bình Dương...

Đánh giá về thị trường, bà Bùi Hiền - Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce chi nhánh Hà Nội cho hay, công ty đã làm việc với các nhà nhập khẩu, phân phối chuẩn bị lượng hàng tăng từ 30 - 100% nguồn hàng so với năm ngoái, trong đó gạo tăng 100%, thịt lợn tăng 30%... Ngoài việc tăng số lượng, công ty đặc biệt chú trọng bảo đảm chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Không nằm ngoài phong trào chung tay vì người tiêu dùng, mới đây Bộ Tài chính có công văn gửi xin ý kiến các bộ, ngành về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ, về việc đề xuất giảm thuế nhập khẩu đối với một số loại thực phẩm. Theo đó, một số mặt hàng nông sản như: thịt gà, thịt lợn, táo, nho .. được Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu. giảm mức thuế nhập khẩu các mặt hàng thịt gà đã chặt mảnh và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh thuộc phân nhóm 2207.14 từ 20% xuống 18%.

Chia sẻ về chương trình bình ổn giá Bộ NN&PTNN thông tin, Bộ chính thức được giao và kiểm soát sản lượng thịt lợn và lợn thịt nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt lợn chính ngạch vào Việt Nam gồm: Argentina, Úc, Bỉ, Áo, Brazil, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hungari, Ấn Độ, Irelen, Litva, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, New Zeland, Ba Lan, Tây Ban Nha, Mỹ, Nga, Mexico.

Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp cùng với các ban ngành có chỉ đạo xuống các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị đánh giá chính thức về tình hình sản xuất, dự kiến nguồn cung, chủ động xây dựng phương án bình ổn thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tăng cường truyền thông nhằm khuyến khích người dân tiêu dùng sử dụng thịt lợn đông lạnh thay thế thịt lợn tươi nhằm giảm sức ép cho nguồn cung trong nước.

Ngoài giải pháp ứng cứu trước mắt, thì Bộ NN&PTNN cần có văn bản xuống mọi cấp ngành tại các địa phương tuyên truyền cho các cơ sở giết mổ, thương lái tránh việc chuyển hàng sang Trung Quốc, tập trung giữ vệ sinh, khóa vùng dịch, gây dựng con nuôi con giống, tái đàn để chuẩn bị nguồn hàng thực phẩm ổn định sau tết.

Phương Thanh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/gia-lon-thit-co-binh-on-trong-dip-tet-canh-ty-163208.html