Giả mạo cảnh sát PCCC bắt ép dân phải mua sách chữa cháy, cứu hộ

Tin rằng đây là sách do các cơ quan chức năng cung cấp, nhiều người đã đồng ý mua các tài liệu này với giá thành cao hơn gấp 5 – 7 lần so với quy định.

Một bộ tài liệu cao gấp nhiều lần so với quy định

Ngày 14/11, Thượng tá Nguyễn Đình Hạnh, Phó Trưởng phòng Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC&CHCN) Công an tỉnh Nghệ An, xác nhận tình trạng xuất hiện giả mạo cảnh sát PCCC để lừa đảo trong thời gian qua trên nhiều địa bàn.

Theo Thượng tá Hạnh, các đối tượng không trực tiếp gặp mặt mà chỉ thực hiện giao dịch qua điện thoại và dịch vụ bưu điện.

Đặc biệt, các đối tượng này thường lựa chọn các cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, cơ quan, trường học… để lừa đảo, nhất là các cơ sở đang làm hồ sơ thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC.

Thời điểm này, tâm lý của các chủ cơ sở muốn hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục giấy tờ đúng quy định hoặc các cơ quan, doanh nghiệp để đối phó với các đợt kiểm tra PCCC nên nhiều cơ sở đã “sập bẫy”.

Một trong những nạn nhân của vụ lừa đảo trên là anh N.H.V., giám đốc một công ty xăng dầu TX.Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Theo anh V., vào giữa tháng 10/2018, một số điện thoại lạ gọi cho anh xưng là cán bộ phòng Cảnh sát PCCC&CNCH.

Cán bộ này nói rằng có một số văn bản mới liên quan đến Luật PCCC, vì vậy yêu cầu công ty này phải mua để tìm hiểu. Do số tiền không lớn, chỉ 1,7 triệu đồng nên anh V. đồng ý. Mọi giao dịch đều qua bưu điện và vài ngày sau anh V. nhận được sách.

Tài liệu mà các đối tượng ép mua. ảnh nguoiduatin.vn

Thấy anh V. dễ lừa, chỉ ít ngày sau một người đàn ông khác tiếp tục gọi và xưng là lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An. Người này cho biết, trước đó cán bộ địa bàn đã gọi điện giới thiệu các tài liệu, văn bản, quy định mới… tuy nhiên vẫn còn thiếu nên thúc giục anh V. mua thêm.

Lúc này, anh V. tiếp tục chuyển gần 2 triệu đồng qua bưu điện. Tuy nhiên, lần này chờ mãi mà không thấy tài liệu về nên anh V. mới biết mình bị lừa.

Trước sự việc này, Công an huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An phải ban hành văn bản để cảnh báo, đề nghị các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn và trường THPT, THCS, tiểu học trên địa bàn phải tăng cường cảnh giác và đề phòng các đối tượng trên.

Thượng tá Đặng Hồng Hải, Phó trưởng Công an huyện Thanh Chương cho biết: “Sau khi có thông tin phản ánh từ nhân dân, Công an huyện đã tiến hành xác minh và kết luận các đơn vị phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn trong ngành công an không có văn bản hay quy định về việc liên hệ bán sách có nội dung liên quan đến công tác PCCC”.

Để đánh vào lòng tin của nạn nhân, ban đầu các đối tượng điện thoại cho chủ cơ sở hướng dẫn, nhắc nhở các hồ sơ liên quan đến PCCC, sau đó thông báo sắp tới có kế hoạch thanh, kiểm tra điều kiện an toàn về PCCC hoặc mở lớp tập huấn nghiệp vụ về PCCC.

Khi thấy các chủ cơ sở bắt đầu lo sợ, lúc này các đối tượng mới đề nghị mua các tài liệu, văn bản pháp luật mới bổ sung vào hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC, mua tài liệu phục vụ tập huấn...

Trung bình mỗi hồ sơ, tài liệu như vậy có giá từ 1 - 3 triệu đồng. Do số tiền không nhiều nên các chủ cơ sở không hề nghi ngờ mà đều sẵn sàng chi tiền để giao dịch. Thấy “cá cắn câu”, các đối tượng tiếp tục gọi điện yêu cầu mua lần nữa, nhưng lần này không gửi tài liệu.

Diễn tập phương án PCCC và CNCH tại khu nhà gỗ phố Vọng Hà

Khu nhà gỗ phố Vọng Hà, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm có từ những năm 1960, hiện đã xuống cấp và tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Do đó, để tuyên truyền và phòng ngừa cháy nổ cũng là hình thức cảnh báo đối với người dân, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàn Kiếm đã phối hợp với nhiều lực lượng thực tập phương án PCCC và CNCH tại đây.

Giả định tình huống cháy có người mắc kẹt trong khu nhà gỗ, do đám cháy lan nhanh bùng phát lớn, khói bao trùm toàn bộ khu vực khiến việc thoát nạn của người dân gặp nguy kịch. Trong tình huống này, nhiều người dân hoảng loạn không biết xử lý tự thoát nạn cho bản thân, còn việc dập lửa của người dân cũng bế tắc do lửa quá lớn

Trước tình huống trên, người dân đã tri hô và báo cho lực lượng cứu hỏa. Ngay sau khi có mặt tại hiện trường, lực lượng chức năng nhận thấy vụ cháy có diễn biến phức tạp nên vừa cứu nạn, chữa cháy đồng thời báo cho lãnh đạo thành phố xin chi viện thêm lực lượng.

Công tác tìm kiếm cứu nạn được triển khai nhanh chóng tại các nơi xác định có người mắc kẹt, và đưa họ ra ngoài. Do bị ngạt khói, đã có người bị thương phải chuyển cấp cứu.

Diễn tập phương án PCCC và CNCH tại khu nhà gỗ phố Vọng Hà.

Diễn tập phương án PCCC và CNCH tại khu nhà gỗ phố Vọng Hà.

Cùng với công tác tìm kiếm cứu nạn, lực lượng chữa cháy triển khai đội hình dập lửa, chống cháy lan. Các mũi chữa cháy được mở từ nhiều phía, nên đám cháy nhanh chóng được khống chế.

Theo chỉ huy lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàn Kiếm, mục đích diễn tập là cách kiểm tra thiết bị, sự phối hợp giữa các lực lượng để kịp thời ứng cứu khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Cùng với đó là biện pháp tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức PCCC.

Trước đó, vào khoảng tháng 8-2012, khu nhà gỗ tại đây đã bị cháy thiêu rụi nhiều căn nhà gây thiệt hại lớn về tài sản. Mặc dù đã được cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, tập huấn PCCC, nhưng nơi đây vẫn là điểm “nóng” luôn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn do hệ thống điện, hạ tầng bị xuống cấp nghiêm trọng.

Bắc Giang: Nhiều khu chợ đang hoạt động vẫn chưa đảm bảo PCCC

Mới đây, tỉnh Bắc Giang đã tiến hành thanh tra đối với 14 dự án chợ và 2 trung tâm thương mại trên địa bàn TP. Bắc Giang, trong đó có 8 chợ do các doanh nghiệp, HTX đầu tư, kinh doanh khai thác, 3 chợ chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác, 3 chợ do UBND phường, xã quản lý.

Qua kiểm tra, Thanh tra tỉnh Bắc Giang đã chỉ ra hàng loạt các chợ như: Chợ Kế tại phường Dĩnh Kế do UBND phường Dĩnh Kế quản lý; Chợ Mỹ Độ do UBND phường Mỹ Độ quản lý; Chợ Đa Mai nằm tại phường Đa Mai do HTX TM&DV chợ Đa Mai quản lý; Chợ Song Khê do UBND xã Song Khê quản lý; Chợ Tiền Môn tại phường Lê Lợi chưa đảm bảo công tác PCCC...

Nguy cơ cháy chợ là rất cao nếu như tình trạng chưa đảm bảo công tác PCCC vẫn còn hiện hữu. Cháy chợ Quang xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội) là một bài học.

Để xảy ra sự việc trên, trách nhiệm quản lý chợ Kế và Chợ Mỹ Độ thuộc về Chủ tịch UBND phường Dĩnh Kế và Chủ tịch UBND phường Mỹ Độ. Thanh tra tỉnh Bắc Giang yêu cầu tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với cán bộ liên quan tại 2 phường trên.

Đồng thời, yêu cầu UBND TP. Bắc Giang chỉ đạo phòng Kinh tế TP rà soát lại toàn bộ các dự án chợ, TTTM trên địa bàn, có văn bản báo cáo UBND tỉnh đưa ra khỏi quy hoạch những dự án chợ, TTTM, siêu thị không có khả năng thực hiện, tránh tình trạng quy hoạch treo.

Bên cạnh việc không đảm bảo PCCC, Thanh tra tỉnh còn chỉ rõ những tồn tại tại hàng loạt các dự án chợ khác trên địa bàn TP. Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang cần vào cuộc quyết liệt hơn, tránh để xảy ra sự cố hỏa hoạn tại các chợ.

PV (tổng hợp)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/gia-mao-canh-sat-pccc-bat-ep-dan-phai-mua-sach-chua-chay-cuu-ho-post23844.html