Giả mạo hồ sơ vận chuyển hàng chục cây gỗ quý trái phép

Ông Dương Hoàng Nguyện- Trưởng phòng Thanh tra- Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị đang xác minh làm rõ vụ vận chuyển lâm sản trái phép. Điều đáng nói là vụ việc liên quan đến nhiều người và có dấu hiệu câu kết giả mạo hồ sơ...

Ông Dương Hoàng Nguyện- Trưởng phòng Thanh tra- Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị đang xác minh làm rõ vụ vận chuyển lâm sản trái phép. Điều đáng nói là vụ việc liên quan đến nhiều người và có dấu hiệu câu kết giả mạo hồ sơ...

Hàng chục cây gỗ Hương không rõ nguồn gốc bị di thực ra các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Hàng chục cây gỗ Hương không rõ nguồn gốc bị di thực ra các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Làm giả hồ sơ

Tối ngày 19-7, trên tuyến QL19, chốt kiểm tra lâm sản Song An phát hiện xe đầu kéo BKS 29C- 915.21 kéo theo rơ-moóc BKS 29R- 026.38 do lái xe Lê Mạnh Cường (1982, trú H. Khoái Châu, Hưng Yên) điều khiển có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên kiểm tra và phát hiện rơ-moóc chở 33 cây gỗ Hương và 1 cây vú sữa được đóng bầu. Lái xe xuất trình đơn xin vận chuyển lâm sản, bảng kê lâm sản gồm số cây gỗ Hương trên có xác nhận của UBND xã Ia Lang (H. Đức Cơ, Gia Lai) và Kiểm lâm viên địa bàn tên Siu Bin, do bà Rơ Lan Bloan (trú làng Klũh, xã Ia Lang) bán cho ông Nguyễn Văn Vỹ (1979, trú H. Duy Tiên, Hà Nam) và có nguồn gốc là gỗ trồng trên đất rẫy... Thế nhưng, qua kiểm tra, lực lượng Kiểm lâm phát hiện chữ ký xác nhận của Kiểm lâm viên có dấu hiệu giả mạo. Xác minh nhanh, tại khu vực xã Ia Lang không có Kiểm lâm viên địa bàn mang tên Siu Bin. Ngay sau đó, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Gia Lai vừa chỉ đạo tạm giữ số cây Hương cùng phương tiện vận chuyển vừa cử tổ công tác phối hợp với chính quyền địa phương xã Ia Lang xác minh nguồn gốc số cây trên.

Làm việc với tổ công tác, bà Rơ Lan Bloan xác nhận mình chính là người ký vào tờ đơn nhưng chỉ là do ông Chu Văn Hùng nhờ. Đất rẫy ở khu vực làng Klũh cũ của bà đã được bán cho ông Hùng. Bà Bloan cũng thừa nhận trên đất rẫy của bà không có cây gỗ Hương nào. Về phần mình, ông Siu Bin cũng thừa nhận được ông Hùng nhờ xác nhận chứ ông không phải là Kiểm lâm viên. Trong khi đó, ông Kpuih Bơn- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lang thừa nhận ông đã ký, đóng dấu xác nhận vào đơn xin vận chuyển lâm sản nhưng không kiểm tra tại khu vực có cây Hương được xin khai thác như trong đơn.

Ngụy tạo chứng cứ?

Để xác thực, ngày 20-7, tổ công tác phối hợp với chính quyền xã kiểm tra tại khu vực rẫy của bà Bloan đã bán cho ông Chu Văn Hùng song không phát hiện một cây Hương hay gốc, hố nào chứng minh việc số cây Hương vận chuyển được khai thác tại đây. Tuy nhiên, ngay khi có kết quả kiểm tra bước đầu, ông Hùng khiếu nại rằng tổ công tác xác minh không đúng nơi ông đã khai thác, không đi đến tận nơi và đề nghị tổ công tác tiến hành kiểm tra lại. Trước sự việc trên, ngày 23-7, tổ công tác gồm các đơn vị nghiệp vụ Chi cục Kiểm lâm Gia Lai phối hợp với chính quyền địa phương cùng ông Chu Văn Hùng vào khu vực rẫy mà ông Hùng cho rằng ông đã khai thác số cây trên. Ông Hùng chỉ vào hàng chục hố được đào xới cùng những cành, nhánh gỗ Hương nằm rải rác và khẳng định số cây Hương vận chuyển đang bị tạm giữ được khai thác tại khu vực này. Tuy nhiên, qua kiểm tra, tổ công tác xác nhận những hố trên vừa mới được đào nhằm ngụy tạo. Chỉ đến lúc này, ông Hùng mới khai nhận tạo hiện trường giả hòng qua mắt cơ quan chức năng. Về việc giả mạo giấy tờ, hồ sơ, ông Hùng cho rằng: số cây Hương trên ông mua ở nơi khác về và muốn bán nhanh nên nhờ người khác xác nhận và đưa đến UBND xã đóng dấu để dễ dàng vận chuyển.

Hố đào cùng các cành, nhánh gỗ Hương được ông Hùng ngụy tạo làm hiện trường khai thác.

Vấn nạn "chảy máu" rừng

Vụ việc đang được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai tiếp tục điều tra, xác minh. Bên cạnh đó, UBND H. Đức Cơ cũng đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của ông Kpuih Bơn trong việc ký, đóng dấu xác nhận vào hồ sơ vận chuyển lâm sản trên.

Đây không phải lần đầu phát hiện việc di thực cây rừng trái phép trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Trước đó, ngày 17-4-2018, Hạt Kiểm lâm H. Chư Pưh (Gia Lai) đã phát hiện, bắt giữ 1 ô-tô chở 8 cây Giáng Hương (gỗ nhóm I, cấm khai thác, mua bán) khi đang vận chuyển qua địa bàn. Từ đó, đặt ra nghi vấn có đường dây hợp thức hóa thủ tục, hồ sơ để vận chuyển trái phép cây Giáng Hương từ Tây Nguyên ra các tỉnh phía Bắc. Chính quyền tỉnh Gia Lai cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương, ngành chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, quản lý bảo vệ rừng kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng di thực cây rừng về làm cảnh trái phép trên địa bàn. Thế nhưng, chỉ cần một chút sơ hở, thậm chí có dấu hiệu làm sai quy định, nạn "chảy máu" cây rừng, cổ thụ về xuôi vẫn âm ỉ diễn ra trên địa bàn Gia Lai nói riêng và cả khu vực Tây Nguyên nói chung.

MINH TÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_193102_gia-mao-ho-so-van-chuyen-hang-chuc-cay-go-quy-trai.aspx