Giá NDT giảm sâu: Trung Quốc có dính đòn mã hồi thương?

Giá đồng NDT được dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm sâu. Đây được coi là vũ khí chiến tranh thương mại của Trung Quốc dù nước này phủ nhận.

Trong phiên giao dịch ngày 18/10, đồng nhân dân tệ đã sụt giá mạnh cùng với sự bán tháo diễn ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Tỷ giá nhân dân tệ sụt xuống mức 6,94 nhân dân tệ đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017.

Thị trường đang chờ xem liệu nhân dân tệ có rớt qua ngưỡng 7 nhân dân tệ đổi 1 USD, mức tỷ giá chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây. Khả năng nhân dân tệ giảm quá "giới hạn đỏ" này càng gia tăng khi thống kê công bố ngày 19/10 cho thấy tăng trưởng quý 3 của kinh tế Trung Quốc chỉ đạt 6,5%, thấp nhất kể từ năm 2009.

Mốc 7 nhân dân tệ/USD "là một giới hạn đỏ vì có tính tâm lý cao, và cũng bởi Trung Quốc đã từng có những phát biểu để bảo vệ mốc tỷ giá này", chiến lược gia trưởng thị trường Marc Chandler thuộc Bannockburn Global Forex phát biểu.

Ông Jonas David, chiến lược gia thị trường mới nổi thuộc UBS Global Wealth Management thì cho rằng với tình trạng yếu đi của kinh tế Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, và kết quả sẽ là Nhân dân tệ còn giảm giá thêm.

Ông David dự báo tỷ giá Nhân dân tệ sẽ về mức 7,1 nhân dân tệ đổi 1 USD trong 6 tháng tới và 7,3 Nhân dân tệ đổi 1 USD trong vòng 1 năm.

"Quan điểm của chúng tôi là chẳng có lý do gì để sự giảm giá của nhân dân tệ chỉ dừng ở mức 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Đó là một ngưỡng tâm lý, nhưng chúng tôi tin rằng nhân dân tệ sẽ giảm sâu hơn thế", vị chuyên gia nhận định.

Người mua hàng cầm tờ 100 NDT tại một khu chợ ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Bộ Tài chính Mỹ đã giữ Trung Quốc cùng với 5 nền kinh tế khác (gồm Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thụy Sĩ) trong danh sách các nước bị Washington giám sát về cái gọi là các hoạt động tiền tệ "không công bằng".

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin viện dẫn việc thiếu minh bạch trong hoạt động tỷ giá hối đoái của Trung Quốc và sự mất giá gần đây của nhân dân tệ - hơn 7% so với USD kể từ giữa tháng 6 vừa qua - như là một nguồn cơn gây ra "mối quan ngại đặc biệt" đối với Mỹ.

Ông Mnuchin nói: "Những điều này đặt ra những thách thức lớn đối với mục tiêu có được hoạt động thương mại công bằng hơn và cân bằng hơn... Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát và xem xét hoạt động tiền tệ của Trung Quốc, trong đó có thông qua các cuộc thảo luận đang diễn ra với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc".

Về phía Trung Quốc, quốc gia này luôn phủ nhận việc dùng tỷ giá nhân dân tệ như một vũ khí chiến tranh thương mại. Gần đây nhất, hôm 13/10, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương cho biết chính phủ nước này sẽ tiếp tục để thị trường đóng vai trò quyết định trong việc thiết lập tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ, chứ không lấy tỷ giá hối đoái làm vũ khí trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ liên tục leo thang.

Theo ông Dịch Cương, Chính phủ Trung Quốc sẽ duy trì tỷ giá hối đoái "ổn định" và vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng.

Việc đồng nhân dân tệ giảm sâu làm cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn, giúp nước này giảm thiểu phần nào ảnh hưởng từ thuế nhập khẩu của Mỹ. Dù vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng nó cũng là động thái rất nguy hiểm. Nếu nhà đầu tư ngoại cho rằng giới chức Trung Quốc đang ghìm giá đồng nhân dân tệ và đồng tiền này sẽ còn giảm sâu, lập tức họ sẽ rút tiền khỏi Trung Quốc.

Việc này sẽ càng gây sức ép lên nhân dân tệ. Không chỉ nhà đầu tư ngoại, người gửi tiền và các công ty Trung Quốc cũng sẽ gia nhập làn sóng này. Khi nhân dân tệ yếu đi, họ sẽ cho rằng tài sản của mình an toàn hơn nếu gửi ở nước ngoài, bằng tiền tệ mạnh hơn.

Nếu cố tình hạ giá nội tệ, Trung Quốc sẽ khiến cả họ và các nước châu Á chịu thiệt. Dòng vốn lớn chạy khỏi Trung Quốc sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng niềm tin vào hệ thống tài chính nước này, trong bối cảnh họ đang chịu sức ép vì khối nợ tương đương 250% GDP.

Còn với các nước khác, nhân dân tệ yếu đi sẽ khiến khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc ở nước ngoài. Hàng hóa của họ cũng khó tiếp cận thị trường này.

Nhìn nhận việc giảm giá nhân dân tệ là một đối sách của Trung Quốc nhằm đối phó với cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét, đã là đối sách thì không thể dài hạn được.

"Nhân dân tệ giảm giá để đối phó với chiến tranh thương mại nhưng điều đó phù hợp với quy luật chung. Cần lưu ý rằng tăng, giảm là chuyện bình thường nhất của kinh tế thị trường và do các yếu tố cụ thể trong cân bằng kinh tế quyết định.

Trung Quốc liệu giảm giá đồng nhân dân tệ được đến bao nhiêu? Họ giảm được một vài phần trăm, và cái lợi thấy rõ nhất là lợi về xuất khẩu nhờ chênh lệch tỷ giá hối đoái. Nhưng Trung Quốc sẽ bị thiệt hại ở những vấn đề khác", ông Đoàn nhận xét.

Vị chuyên gia ví von, việc giảm giá, tăng giá giống như trò chơi bập bênh, hạ đầu này thì tăng đầu kia. Đó là sự cân bằng tổng hòa và do các quy luật kinh tế quyết định.

Trung Quốc khôn ngoan hạ giá cái này, tăng cái kia để được chút lợi nhưng nước Mỹ cũng chẳng dại gì.

"Nếu chơi một cuộc chơi sòng phẳng thì không có gì phải lo", PGS.TS Lê Cao Đoàn nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/gia-ndt-giam-sau-trung-quoc-co-dinh-don-ma-hoi-thuong-3367623/