Già néo đứt dây

Không tham vấn các đồng minh, Mỹ đã tung ra các đòn trừng phạt mới nhằm đáp trả vụ Iran bắn hạ máy bay không người lái của Lầu năm góc trên Vịnh Oman. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pompeo cũng tức tốc tới Trung Ðông để gặp các đồng minh nhằm thảo luận biện pháp đối phó Iran, trong khi quan hệ giữa Washington và Tehran liên tục bị đẩy lên những nấc thang căng thẳng mới.

Bình luận quốc tế

Tổng thống Mỹ D.Trump đã ký sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, đồng thời khẳng định các biện pháp trừng phạt có thể chấm dứt "ngay ngày mai, hoặc kéo dài nhiều năm", phụ thuộc vào hồi đáp của Iran. Ðộng thái này làm gia tăng căng thẳng nghiêm trọng với Iran, khi các biện pháp trừng phạt nhắm trực tiếp vào Lãnh tụ tinh thần Iran, Ðại giáo chủ A.Khamenei, cùng Bộ trưởng Ngoại giao J.Zarif và nhiều quan chức cấp cao thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran. Một quan chức Mỹ cho biết, Washington còn phong tỏa thêm hàng tỷ USD tài sản của Iran. Mặc dù người đứng đầu Nhà trắng vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với các nhà lãnh đạo Iran, song Tehran thẳng thừng từ chối. Với Iran, động thái tăng cường lệnh trừng phạt của Mỹ dường như đã đóng sập cánh cửa ngoại giao giữa hai nước.

Giữa lúc quan hệ giữa Mỹ và Iran "căng như dây đàn", Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pompeo đã tới A-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), hai đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Ðông, để thảo luận về cách thức bảo đảm một liên kết chiến lược tại khu vực. Cả A-rập Xê-út và UAE đều ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn của Mỹ đối với Iran. Ðó cũng là lý do mà giữa lúc "nước sôi lửa bỏng", ông Pompeo đã bất chấp quan ngại của Quốc hội Mỹ để sử dụng quyền hạn khẩn cấp cho phép bán lô vũ khí trị giá 8,1 tỷ USD cho hai quốc gia đồng minh ở Trung Ðông này. Sau cuộc gặp của Bộ trưởng Pompeo với các nhà lãnh đạo của A-rập Xê-út và UAE, Mỹ đã cùng với Anh và hai nước đồng minh Trung Ðông ra tuyên bố chung, kêu gọi "các giải pháp ngoại giao" nhằm xoa dịu căng thẳng với Iran. Ông Pompeo đề nghị A-rập Xê-út và UAE tăng cường giám sát hàng hải và cảnh giác với Iran.

Theo đánh giá của cựu Tư lệnh tối cao NATO J.Stavridis, căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã tăng lên mức cao nhất trong 30 năm qua. Cựu quan chức quân sự NATO đồng thời cảnh báo xung đột quân sự giữa hai nước vẫn có thể xảy ra trừ khi hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Một cuộc xung đột sẽ dẫn tới những hệ quả khôn lường, trong đó không loại trừ khả năng đóng cửa Eo biển Hormuz chiến lược, hay tái diễn các vụ tiến công tàu chở dầu tại khu vực này. Cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ M.Mullen cũng cảnh báo, căng thẳng với Iran "có thể vượt khỏi tầm kiểm soát".

Ðể tránh cho khu vực Trung Ðông một cuộc đối đầu quân sự tiềm tàng, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi đối thoại và tiến hành các biện pháp giúp chấm dứt căng thẳng tại vùng Vịnh. Sau hơn hai tiếng rưỡi thảo luận kín theo đề nghị của phía Mỹ, Hội đồng Bảo an đã thống nhất được một tuyên bố, trong đó không đề cập cụ thể vấn đề Iran, nhưng khẳng định các bên cần "thoái lui khỏi một cuộc đối đầu nguy hiểm". Tuyên bố do Kuwait dự thảo, lên án các vụ tiến công nhằm vào tàu chở dầu, coi đó là mối đe dọa đối với nguồn cung năng lượng thế giới, cũng như hòa bình và an ninh quốc tế. Hội đồng Bảo an kêu gọi tất cả các bên liên quan và các nước trong khu vực hết sức kiềm chế, thực thi các biện pháp và hành động giảm leo thang căng thẳng, hối thúc xử lý khác biệt bằng biện pháp hòa bình và thông qua đối thoại.

Mỹ tiếp tục đưa ra các điều kiện đàm phán với Iran mà phía Tehran không thể chấp thuận. Ðại diện đặc biệt của Mỹ về Iran B.Hook cho biết, Tổng thống D.Trump sẵn sàng đàm phán với Tehran về một thỏa thuận, theo đó gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt hiện nay, song Iran cần công khai chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Ðáp lại, Ðại sứ Iran tại Liên hợp quốc M.Ravanchi khẳng định, đây không phải là thời điểm chín muồi để Iran đối thoại với Mỹ, bởi Tehran không thể đối thoại với một nước đang đe dọa mình.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran rất dễ rơi vào tình trạng "già néo đứt dây", một khi cả hai phía không chịu nhượng bộ và thể hiện thiện chí nhằm mở cánh cửa đối thoại. Những bước đáp trả lẫn nhau chỉ càng khiến tình hình thêm nguy hiểm, đẩy khu vực vùng Vịnh tới bờ vực một cuộc chiến mới.

MỸ ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/40655202-gia-neo-dut-day.html