Gia nhập NATO, Phần Lan sẽ mang lại năng lực quân sự gì cho tổ chức này?

Với viêc Phần Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khối này sẽ được cung cấp nhiều phương tiện để nâng cao năng lực quân sự.

Các chuyên gia quân sự cho biết Phần Lan đã đầu tư và phát triển năng lực quân sự trong nhiều năm qua, do đó việc nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ mang lại cho liên minh quân sự này một sức mạnh đáng kể, theo hãng tin Reuters.

Năng lực quân sự của Phần Lan mạnh ra sao?

Theo Reuters, Phần Lan là một trong số ít quốc gia tại châu Âu tới nay vẫn duy trì chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Theo đó, các lực lượng quân đội của Phần Lan như Lục quân, Hải quân, và Không quân được huấn luyện một cách bài bản.

Lực lượng vũ trang Phần Lan diễu hành tại tỉnh Hamina (phía đông thủ đô Helsinki). Ảnh: AP

Lực lượng vũ trang Phần Lan diễu hành tại tỉnh Hamina (phía đông thủ đô Helsinki). Ảnh: AP

Các nguồn tin của Reuters cho biết Phần Lan đào tạo khoảng 21.000 lính nghĩa vụ mới mỗi năm. Ngoài ra, Phần Lan còn có lực lượng lính dự bị cho thời chiến mà giới chức Helsinki sẽ luân phiên tổ chức các đợt triệu tập hàng năm để đào tạo lại.

Về phần vũ trang quân đội, Trung tâm nghiên cứu quân sự Wilson (có trụ sở tại bang Washington, Mỹ) cho biết Phần Lan là nước sở hữu một trong những lực lượng pháo binh mạnh nhất châu Âu, với khoang 1.500 loại vũ khí, trong đó có 700 loại đại bác, 700 loại súng cối, và khoảng 100 loại bệ phóng tên lửa hạng nặng và hạng nhẹ.

Ngoài ra, Phần Lan cũng đang trong quá trình chuẩn bị “ra mắt” một hệ thống radar phản pháo mang công nghệ ELTA - công nghệ sản xuất radar của Israel cung cấp khả năng định vị cao và khả năng theo dõi tên lửa, đạn pháo, hỏa lực từ súng cối đang lao tới một cách chính sát.

Ngoài sở hữu hệ thống phòng không NASAMS mang công nghệ Mỹ-Na Uy, các nguồn thạo tin cho hay Phần Lan sắp tới sẽ thương lượng với các công ty quốc phòng của Israel như Israel Aerospace Industries hay Rafael Advanced Systems để mua thêm các hệ thống phòng không với công nghệ mới tiên tiến hơn.

Bộ binh Phần Lan cũng được trang bị vũ khí một cách đầy đủ với các loại súng tấn công như súng trường, súng phóng lựu, súng chống tăng, đến các thiết bị hỗ trợ nhìn đêm, mặt nạ phòng độc tiên tiến, và các loại thiết bị và vũ khí đặc biệt dùng riêng cho việc chiến đấu trong điều kiện lạnh giá khắc nghiệt.

Lực lượng không quân của Phần Lan có một phi đội gồm 61 máy bay chiến đấu loại McDonnell Douglas F/A-18 Hornet mang công nghệ của Mỹ. Reuters cho biết Phần Lan đã đặt một lô hàng gồm 64 tiêm kích loại Lockheed Martin F-35A Lightning II của Mỹ với khả năng chiến đấu đa nhiệm, dự kiến sẽ bắt đầu giao hàng trong năm 2026.

Ngoài phi đội máy bay phản lực, Lực lượng Không quân Phần Lan còn có hàng chục máy bay huấn luyện gắn radar giám sát, trong đó có những chiếc có tầm hoạt động lên tới 300 dặm (khoảng 500 km).

Về phần Hải quân, Phần Lan sở hữu 4 tàu chỉ huy, 5 tàu rải mìn, 8 tàu tên lửa, 13 tàu quét mìn, và một đội tàu đổ bộ với nhiệm vụ chuyên chở lực lượng quân sự từ biển vào bờ. Phần Lan hiện cũng đang chế tạo cá tàu hộ tống đa năng để phục vụ mục đích chiến đấu trên mặt nước, dự kiến dự án này sẽ hoàn thành trong năm 2029.

Ý nghĩa việc gia nhập NATO với Phần Lan và liên minh của mình

Từ bên trái qua lần lượt là Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong buổi lễ gia nhập NATO của Phần Lan tại trụ sở của NATO ở Brussels (Bỉ) ngày 4-4. Ảnh: REUTERS

Theo đài CNN, tư cách thành viên NATO của Phần Lan đảm bảo cho quốc gia Bắc Âu này tiếp cận các nguồn lực của toàn bộ liên minh trong trường hợp bị đe dọa về an ninh.

Ngoài ra, tư cách thành viên NATO còn cho phép các lực lượng Phần Lan tích hợp tốt hơn công tác đào tạo quân sự với các nước đồng minh, trong đó có việc tham gia các cuộc tập trận quân sự giữa các thành viên trong khối, và với các đối tác khác ngoài khối.

Trong khi đó, với việc để Phần Lan trở thành một phần của tổ chức, NATO có khả năng tiếp cận các nguồn lực quân sự từ chính quyền Helsinki, trong đó có ba lĩnh vực chính là lực lượng dự bị, lực lượng pháo binh và khả năng tiếp cận công nghệ quân sự tiên tiến.

Ngoài ra, với cương vị là một trong những quốc gia có an ninh mạng mạnh mẽ bậc nhất châu Âu, và sở hữu hệ thống mạng 5G tiên tiến thì NATO có thể được cung cấp hệ thống cơ sở hạ tầng 5G tiên tiến này để phát triển nhiều loại công nghệ khác trong tương lai.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định rằng với việc trở thành thành viên chính thức của NATO, Phần Lan sẽ mang tới cho khối các lực lượng quân sự với năng lực và chuyên môn cao. Ông còn lưu ý thêm với sự tiến bộ của mình thì Phần Lan có thể giúp cho khối năng cao năng lực quốc phòng của mình.

Triển vọng gia nhập NATO: Thụy Điển vẫn phải đợi

Theo CNN, sự ủng hộ của các nước phương Tây về việc cho phép Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO ngày càng tăng kể từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2-2022.

Phần lớn các quốc gia NATO hoan nghênh việc để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập tổ chức, tuy nhiên hai nước thành viên là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary lại không quá cởi mở về việc này.

Tuy nhiên, mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đã dịu đi lập trường của mình, thông qua nghị quyết cho phép Phần Lan gia nhập NATO, song vẫn tiếp tục chặn đơn xin gia nhập của Thụy Điển vì lập trường không mấy thân thiện của Stockholm dành cho Budapest, cũng như những lo ngại của chính quyền Ankara khi cho rằng Thụy Điển có hành động chứa chấp các chiến binh người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là lực lượng khủng bố.

Hôm 4-4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các bên tiếp tục làm việc nhằm hoàn thiện quá trình gia nhập tổ chức của Thụy Điển. Ông còn lưu ý rằng sau Phần Lan, Thụy Điển sẽ sớm trở thành thành viên của NATO.

CHÍ THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/gia-nhap-nato-phan-lan-se-mang-lai-nang-luc-quan-su-gi-cho-to-chuc-nay-post727336.html