Giá nước sông Đuống làm 'nóng' nghị trường

Trong khi vụ việc nguồn nước nhiễm dầu thải của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà chưa kịp lắng xuống thì thông tin UBND TP. Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch tối đa của nhà máy sông Đuống (thuộc Công ty nước sạch sông Đuống) đươc cho là quá cao đã gây bức xúc, bất bình trong dư luận. Vấn đề cũng làm 'nóng' nghị trường Quốc hội trong những ngày qua.

"An ninh nước sạch" và hồi đáp của Bộ trưởng Bộ Công Thương

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại biểu Phạm Văn Hòa – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp – cho rằng, công khai, minh bạch và công bằng là chìa khóa của vấn đề.

Đại biểu đánh giá như thế nào trước mức giá nước sạch, dù là tạm tính, được dư luận cho là bất hợp lý mà UBND TP. Hà Nội chấp thuận đối với Nhà máy sông Đuống (thuộc Công ty nước sạch sông Đuống)?

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Trước hết, tôi muốn nói về sự cố ô nhiễm dầu thải của Công ty CP nước sạch nước sông Đà. Đây là sự cố đáng tiếc song tác động rất lớn, ảnh nghiêm trọng đến sinh hoạt, đời sống, đặc biệt là sức khỏe của hàng triệu người dân. Vì vậy, TP. Hà Nội cần có giải pháp để không tái diễn tình trạng này trong thời gian tới.

Đại biểu Phạm Quang Hòa: Kinh doanh là phải có lợi nhuận, song phải phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo lợi ích của nhà nước và người dân, không thể chấp nhận doanh nghiệp có lợi ích lớn, trong khi nhà nước và người dân thiệt thòi

Đại biểu Phạm Quang Hòa: Kinh doanh là phải có lợi nhuận, song phải phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo lợi ích của nhà nước và người dân, không thể chấp nhận doanh nghiệp có lợi ích lớn, trong khi nhà nước và người dân thiệt thòi

Về việc TP. Hà Nội công bố chấp thuận giá bán nước sạch tối đa của nhà máy sông Đuống (thuộc Công ty nước sạch sông Đuống – một doanh nghiệp tư nhân) là 10.246 đồng/m3, gấn gấp hai lần giá nước của nhà máy nước sạch sông Đà và có lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm, tôi cho đây là mức giá khá cao.

Tất nhiên, theo đúng quy luật thị trường, kinh doanh là phải có lợi nhuận, song lợi nhuận trong trường hợp này phải ở mức phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo lợi ích của nhà nước và người dân chứ không thể chấp nhận doanh nghiệp có lợi ích lớn; trong khi nhà nước và người dân thiệt thòi.

Tôi cũng nghe nói UBND TP. Hà Nội sẽ sử dụng ngân sách để bù đắp một phần giá mua nước cho người dân sử dụng nguồn nước của Công ty nước sạch sông Đuống. Tuy nhiên, đây là một vấn đề hệ trọng nên hẳn nhiên TP. Hà Nội đã có sự “cân, đong, đo, đếm” thận trọng rồi.

Thưa đại biểu, hiện nay trên địa bàn TP. Hà Nội đã có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất – kinh doanh và cung cấp nước sạch. Và, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đang nỗ lực xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Theo đại biểu, việc UBND TP. Hà Nội phê duyệt mức giá nói trên có hợp lý không?

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Chúng ta đã có Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác để đảm bảo tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, cạnh tranh lành mạnh. Do đó, để đảm bảo tính minh bạch, tôi cho rằng TP. Hà Nội nên tổ chức đấu thầu, hoặc đấu giá nước trên cơ sở các tiêu chuẩn về nước sạch cụ thể, theo đúng quy định của ngành Y tế. Nếu đơn vị nào đáp ứng tiêu chuẩn và có giá bán phù hợp thì lựa chọn. Như thế, chúng ta sẽ hài hòa lợi ích các bên và không phải dùng ngân sách để bù giá nước cho người dân.

Còn trong trường hợp một hoặc một số đơn vị cung cấp nước sạch không đảm bảo sản lượng nước sạch để cung cấp cho người dân thì theo Luật Doanh nghiệp và hệ thống pháp luật về kinh doanh hiện, các đơn vị, doanh nghiệp này hoàn toàn có thể thực hiện việc liên doanh, liên kết với nhau; thậm chí là cộng tác trong từng khâu miễn sao đảm bảo tuân thủ pháp luật, đảm bảo lợi ích của cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Một câu chuyện cụ thể, của một doanh nghiệp cụ thể, tại một địa phương cụ thể, song đã làm “nóng” diễn đàn Quốc hội. Ông đánh giá như thế nào về cách xử lý, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền của TP. Hà Nội trước vấn đề này?

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Trên thực tế, TP. Hà Nội cũng đã thực hiện công tác cung cấp thông tin cho báo chí và người dân, tuy nhiên chưa “đến nơi, đến chốn”, khiến người dân và dư luận nói chung chưa có sự thông hiểu, đồng thuận. Trong khi cả thực tiễn và các quy định pháp luật đều đòi hỏi cơ quan công quyền phải có trách nhiệm cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ để người dân hiểu, tránh gây sự hiểu nhầm, gây bức xúc, thậm chí gây hoang mang trong dư luận.

Với cách làm như hiện nay của TP. Hà Nội, dù cá nhân tôi không có đủ thông tin để đưa ra nhận xét, song rõ ràng dư luận có quyền đặt nghi vấn có hay không chuyện “sân trước, sân sau”, “lợi ích nhóm”!

Việc thiếu thông tin chính thống, kịp thời cũng chính là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều luồng thông tin thất thiệt trên mạng xã hội, thậm chí là thông tin xuyên tạc, đả kích liên quan đến vấn đề này, khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Xin cảm ơn đại biểu!

Thu Hằng – Hoàng Châu (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gia-nuoc-song-duong-lam-nong-nghi-truong-128378.html