Giá ô tô nhảy múa cùng đồng đôla Mỹ

Ô tô nhập khẩu lẫn ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đều tăng giá mạnh.

Ảnh minh họa.

Đồng đôla Mỹ liên tục leo thang trong thời gian qua sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản đồng USD, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc bùng nổ... Thời điểm hiện nay, đồng USD vẫn diễn biến khá phức tạp theo hướng tăng lên. Những biến động của thị trường ngoại tệ khiến cho thị trường ô tô Việt Nam cũng nhảy múa theo khi nhiều hãng xe tăng giá bán.

Méo mặt vì ô tô rủ nhau tăng giá

Dù được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% từ các nước trong khu vực ASEAN nhưng giá bán của mẫu xe đang hút hàng là Toyota Fortuner nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia lại tăng khá mạnh.

Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ hệ thống đại lý Hiền Toyota trên đường Phạm Hùng, huyện Bình Chánh, TP.HCM, cho biết: Giá các phiên bản xe Toyota Fortuner nhập khẩu đều tăng giá bán 30-40 triệu đồng/xe. Nguyên nhân chính là do đồng USD tăng giá mạnh.

“Các đơn vị nhập khẩu mua xe bằng đồng USD nên khi đồng tiền này tăng giá, giá xe mua vào cũng tăng theo. Đầu vào tăng buộc các nhà nhập khẩu phải tăng giá bán ra. Chưa kể các chi phí nhập khẩu xe về Việt Nam cũng tăng vì đồng USD tăng giá. Chính vì vậy, dù thuế nhập khẩu giảm nhưng giá xe bán đến tay khách hàng đều tăng”, bà Hiền lý giải.

Ông Phạm Minh Vũ, chủ đại lý kinh doanh ô tô nhập khẩu tại TP.HCM, cũng cho rằng tỉ giá tăng ảnh hưởng bất lợi đối với hoạt động nhập khẩu ô tô, vì phải bỏ ra nhiều tiền Việt Nam hơn để quy đổi sang đồng USD phục vụ cho việc mua hàng xe nước ngoài.

Ngoài ra do một số mẫu xe khan hiếm, bởi vậy không chỉ mẫu Fortuner, giá bán của nhiều dòng xe bán tải như Hilux nhập khẩu nguyên chiếc từ thị trường Thái Lan cũng tăng đáng kể. Hiện giá bán mẫu xe Hilux tại một số đại lý kinh doanh ô tô tăng 18-20 triệu đồng mỗi chiếc tùy phiên bản. Riêng phiên bản mới dự kiến được bán vào tháng 8-2018 là Hilux 2.4 AT 4x2 tăng giá 22 triệu đồng so với mẫu xe trước đây…

Đại lý bắt chẹt khách hàng

Tỉ giá đồng USD tăng đẩy mặt bằng giá ô tô tăng khiến người tiêu dùng phải chi nhiều hơn để mua. Đã vậy, một số đại lý còn “tung chiêu” bắt chẹt khách hàng.

Anh Đặng Hùng nhà ở quận 12, TP.HCM buồn bực cho biết anh mới đặt chiếc xe Toyota Fortuner, được nhân viên đại lý báo “tỉ giá đột ngột tăng” nên anh phải bỏ thêm 40 triệu đồng cho chiếc xe anh chọn.

Đáng nói là trước đó anh Hùng đã chấp nhận chi thêm 20 triệu đồng cho đại lý để họ cam kết giao xe do mẫu xe này khan hàng. Nay tỉ giá USD tăng, anh lại phải “móc bóp” thêm một khoản không nhỏ. Không chỉ có thế, anh còn phải trả thêm 80 triệu đồng cho gói phụ kiện đi kèm mới nhận được chiếc xe mình đặt.

Bà Nguyễn Thị Hiền, phụ trách hệ thống ô tô đã qua sử dụng Toyota, tiết lộ có tình trạng một số đại lý lợi dụng tình trạng khan hiếm hàng, tỉ giá USD tăng để ép và móc thêm tiền của khách hàng bằng nhiều chiêu khác nhau. Phổ biến nhất đối với xe nhập khẩu là khi khách hàng đặt mua xe, ngoài việc phải trả tiền xe còn phải trả thêm tiền phụ kiện như màn hình, đầu DVD...

“Giá các phụ kiện theo xe tầm 20-30 triệu đồng nhưng có khi khách hàng phải trả thêm cho các đại lý làm ăn bất chính 80-100 triệu đồng/bộ phụ kiện. Tính ra giá mỗi chiếc xe nhập bị “chặt chém” tăng thêm 100-130 triệu đồng/xe” - bà Hiền dẫn chứng.

Doanh nghiệp cũng đau đầu

Dù được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% từ các nước trong khu vực ASEAN nhưng giá bán nhiều mẫu xe lại tăng. Ảnh: Quang Huy

Không chỉ những mẫu xe nhập khẩu bị ảnh hưởng từ việc đồng USD tăng nóng, nhiều dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước cũng “chung số phận”. Đơn cử hãng xe Nissan Việt Nam thông báo điều chỉnh giá bán đối với hai dòng xe lắp ráp trong nước , bao gồm X-Trail và Sunny. Hai mẫu xe này sẽ tăng giá bán 10-23 triệu đồng.

Tuy vậy, một số hãng xe vẫn đang cân nhắc, chưa dám tăng sốc vì sợ mất thị phần. Đại diện Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco Group) thừa nhận tỉ giá USD tăng so với VND đang tác động cả tới xe sản xuất, lắp ráp trong nước lẫn xe nhập khẩu nguyên chiếc của công ty.

“Sản xuất, lắp ráp ô tô đều phải nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và sử dụng đồng USD để thanh toán. Vì vậy, tỉ giá tăng đang làm tăng chi phí sản xuất và gây sức ép lên giá xe. Song công ty vẫn đang cân nhắc, chưa có kế hoạch tăng giá xe ở thời điểm này nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng” - đại diện Thaco nói.

Một số hãng xe khác cũng cho biết ô tô nhập khẩu là mặt hàng chịu thuế cao, vì thế không chỉ tăng chi phí ở giá nhập khẩu mà doanh nghiệp còn thêm tốn kém ở phần thuế. Nhưng nếu tăng giá bán xe quá mạnh chắc chắn sức mua sẽ giảm sút, điều này khiến các nhà kinh doanh đau đầu.

“Theo tính toán, với giá USD hiện nay ở mức trên 23.000 đồng/USD thì giá ô tô sẽ phải điều chỉnh tăng mức 1,5%. Phía đối tác nước ngoài đang yêu cầu điều chỉnh giá xe do tỉ giá USD tăng. Tuy vậy, công ty vẫn quyết định chưa tăng giá, vì tăng giá lúc này sẽ ảnh hưởng tới tiêu thụ xe và chỉ số tiêu dùng” - trao đổi với báo chí, ông Lê Ngọc Đức, Giám đốc Công ty Ô tô Hyundai Thành Công, cho biết.

Ô tô sẽ còn tăng giá nữa?

Cuối tuần qua, giá USD lại bật tăng trở lại sau vài ngày trước đó giảm nhiệt. Ngày 28-7, trên thị trường tự do, giá bán USD có nơi nhảy lên mức gần 23.500 đồng/USD. Như vậy so với thời điểm cách đây một tuần, USD trên thị trường tự do đã tăng 150 đồng. Tương tự, tỉ giá tại một số ngân hàng cũng tăng trong ngày cuối tuần, hiện được niêm yết ở mức 23.200-23.290 đồng/USD.

Tỉ giá tăng chắc chắn sẽ còn ảnh hưởng đến giá nhiều mặt hàng, bao gồm cả giá ô tô trong thời gian tới và tất cả đều dồn vào người mua.

Một số chuyên gia cho rằng các nhà nhập khẩu có thể giảm rủi ro từ biến động tỉ giá bằng cách ký hợp đồng tương lai với ngân hàng để mua ngoại tệ trong 30-90 hoặc 360 ngày tới với giá do hai bên thỏa thuận. Tuy nhiên, rủi ro của hợp đồng này không phải là tăng giá USD mà là chênh lệch giữa lãi suất cho vay USD và VND hiện quá lớn. Điều này đẩy giá USD trong hợp đồng tương lai lên rất cao.

Đây cũng là một trong những lý do khiến loại hợp đồng này không được nhiều công ty sử dụng khi nhập khẩu hàng, bao gồm cả các nhà nhập khẩu ô tô.

Theo Pháp luật TP.HCM

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/phuong-tien/gia-o-to-nhay-mua-cung-dong-dola-my-3462075.html