Giá ôtô ở trong nước bị chê quá đắt đỏ, bộ Công thương lý giải ra sao?

Thừa nhận giá ôtô ở Việt Nam khá đắt, Thứ trưởng bộ Công thương nêu nguyên nhân là do thuế phí hiện chiếm một phần tương đối lớn trong tỷ lệ tạo thành giá thành, rồi chi phí sản xuất lắp ráp ôtô trong nước đang khá cao.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2019, vấn đề hạ giá thành ôtô trong nước đã được báo chí đề cập tới đại diện bộ Công thương và Tài chính.

Cụ thể, câu hỏi đặt ra là, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước than khó về chính sách thuế, phí với ôtô nguyên chiếc, linh kiện sản xuất trong nước, gây khó khăn cho cạnh tranh và tăng tỷ lệ nội địa hóa. Có doanh nghiệp nói đã lỗ hàng trăm triệu đồng mỗi xe bán ra. Thuế phí khiến giá xe đội lên rất cao so với thu nhập người dân.

Câu hỏi dành cho lãnh đạo bộ Công thương là khi nào có chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô trong nước theo hướng thực chất, tránh vết xe đổ của các doanh nghiệp trước đây. Khi nào người tiêu dùng Việt Nam được mua ôtô giá rẻ?

Giá ôtô ở trong nước bị chê quá đắt đỏ. Ảnh minh họa

Giá ôtô ở trong nước bị chê quá đắt đỏ. Ảnh minh họa

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, đối với bất cứ quốc gia nào, nhất là những nước có đến 100 triệu dân như Việt Nam, ngành công nghiệp ôtô hết sức quan trọng.

Thừa nhận giá ôtô ở Việt Nam cao, ông Hải nêu lý do như thuế phí hiện chiếm một phần tương đối lớn trong tỷ lệ tạo thành giá thành, rồi chi phí sản xuất lắp ráp ôtô trong nước đang khá cao.

Theo ông Hải, dung lượng thị trường ôtô Việt Nam còn nhỏ, chưa đủ điều kiện như các quốc gia phát triển. Trong khi đó, xe phải chịu cạnh tranh khốc liệt của các nước trong khu vực và thế giới như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc...

Thứ hai, Việt Nam là nước đi sau, các chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô cũng phải tuân thủ các cam kết quốc tế, "không phải muốn làm gì thì làm".

Thứ ba, Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp tầm cỡ khu vực và thế giới trong lĩnh vực công nghiệp ôtô.

Thứ tư, tập quán kinh doanh ở các nước cho thấy doanh nghiệp FDI thường sử dụng doanh nghiệp sản xuất linh kiện tại chính quốc gia bản xứ của mình, do đó, thiếu sự gia nhập, kết nối giữa khối FDI và nội địa.

Việt Nam đang thiếu các vật liệu cơ bản để sản xuất, chế tạo ôtô như nhựa, cao su... nên phải nhập khẩu, giá thành cao.

Thứ trưởng bộ Công thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: VGP

Cách đây không lâu, bộ Công thương từng có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo đề ra các giải pháp cụ thể về chính sách thuế. Đặc biệt, bộ Công thương cho rằng cần duy trì thực hiện Nghị định 116, với lý do để quản lý nhập khẩu ô tô hợp lý trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và để phát triển ngành ô tô trong nước.

Cụ thể, đối với thuế giá trị gia tăng, bộ Công thương đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng trong vòng 3 tháng (không thực hiện hoàn thuế theo phương thức khấu trừ như hiện nay) đối với máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định...

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, bộ Công thương muốn bộ Tài chính không áp dụng đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước đối với sản xuất, lắp ráp ô tô (để giảm giá thành xe), kiến nghị điều chỉnh nâng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số dòng xe.

Với thuế nhập khẩu, bộ Công thương mong muốn được điều chỉnh theo nguyên tắc thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và nguyên phụ liệu phải nhỏ hơn thuế suất nhập khẩu sản phẩm hoàn chỉnh hoặc ở mức sàn theo các cam kết quốc tế ở từng hiệp định thương mại tự do.

Ngoài ra, bộ Công thương cũng đề xuất đối với dự án sản xuất, lắp ráp xe dưới 9 chỗ có quy mô 50 nghìn xe/năm, có sản phẩm xuất khẩu trong 5 năm, làm chủ công nghệ sản xuất động cơ - hộp số... được miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tín dụng đầu tư lãi suất thấp…

Vũ Đậu (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/kinh-doanh/gia-oto-o-trong-nuoc-bi-che-qua-dat-do-bo-cong-thuong-ly-giai-ra-sao-a303157.html