Giá quặng sắt tăng tốc, đạt mức cao nhất trong 17 tháng

Các kỳ vọng kinh tế phục hồi sau khi Trung Quốc tái mở cửa biên giới đã đẩy giá quặng sắt, nguyên liệu sản xuất thé, tăng chóng mặt, lên mức cao nhất trong 17 tháng. Sức nóng của thị trường khiến các nhà quản lý Trung Quốc phải tìm cách ngăn chặn tình trạng tích trữ đầu cơ để đẩy giá.

Quặng sắt nhập khẩu ở cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Quặng sắt nhập khẩu ở cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Chốt phiên giao dịch hôm 13-1, giá quặng sắt trong các hợp đồng tương lai giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc tăng 3,4% lên mức 881 nhân dân tệ (130,96 đô la Mỹ)/tấn. Trong phiên giao dịch, giá quặng sắt của các hợp đồng này có lúc chạm mức 883 nhân dân tệ mỗi tấn, cao nhất kể từ tháng 8-2021.

Trên Sàn giao dịch Singapore (SGX), giá quặng sắt giao tháng 2 cũng tăng đến 3,5% lên mức 126,4 đô la mỗi tấn, cao nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.

Giá các thành phần sản xuất thép khác cũng tăng, với giá than cốc luyện kim trên sàn Đại Liên tăng 1,9%. Giá thép cây trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải tăng 1,1%. Trong khi đó, thép cuộn cán nóng tăng 0,9%, và giá thép không gỉ tăng 0,7%.

Sau khi tạo đáy hồi tháng 10-2022, giá quặng sắt đã đảo ngược theo hình chữ U, trở thành một trong những hàng hóa tăng giá mạnh nhất nhờ Trung Quốc từ bỏ chính sách “zero Covid” và tung ra một loạt biện pháp hỗ trợ ngành bất động sản vốn đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng nợ nần.

Bên cạnh đó, các lo ngại về nguồn cung cũng tiếp sức cho đà tăng giá của quặng sắt. Các nhà phân tích cho biết, nguồn cung đang bị hạn chế do tình trạng gián đoạn sản xuất quặng sắt ở Brazil vì thời tiết bất lợi và các cơn bão dự kiến xảy ra ở Úc, nhà xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới. Đó là chưa kể các nhà sản xuất quặng sắt hàng đầu thế giới sẽ tiến hành các đợt bão dưỡng hoạt động trong quí 1-2023.

Dù Trung Quốc đối mặt với những thách thức trong quí đầu tiên năm nay do số lượng nhiễm Covid-19 tăng bùng nổ nhưng triển vọng tăng trưởng sẽ cải thiện từ quí 2. Theo các nhà kinh tế của Ngân hàng UOB (Singapore), triển vọng tăng trưởng đến từ sự phục hồi của tiêu dùng trong nước, sự ổn định hơn nữa của thị trường bất động sản cũng như các biện pháp tài chính và tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng,

Hôm 13-1, Tân hoa xã đưa tin chính phủ Trung Quốc sẽ ban hành thêm các chính sách hỗ trợ thị trường nhà cho thuê, gồm kế hoạch cung cấp 100 tỉ nhân dân tệ để hỗ trợ các khoản vay mua nhà cho thuê.

Trong tháng 12, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc giảm 8,1% so với tháng trước đó, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc công bố hôm 13-1. Nhập khẩu giảm chủ yếu do tình trạng gián đoạn bốc dỡ hàng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành ở Trung Quốc.

Theo Atilla Widnell, Giám đốc Công ty tư vấn Navigate Commodities, cơn sóng thần Covid-19 càn quét qua Trung Quốc có thể chỉ làm gián đoạn tạm thời các thủ tục thông quan cho các lô hàng quặng sắt ở các cảng Trung Quốc. Dữ liệu cho thấy, các lô hàng quặng sắt vẫn đến các cảng của Trung Quốc đều đặn trong tháng 11 và 12 khi thị trường đặt cược Bắc Kinh sẽ sớm rời bỏ chính sách “zero Covid”, giúp nhu cầu quặng sắt phục hồi.

Tổng cộng, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,11 tỉ tấn quặng sắt trong cả năm 2022, giảm 1,5% so với năm 2021.

Giới chức trách Trung Quốc lo ngại tình trạng giá quặng sắt tăng quá nóng trong những tháng gần đây sẽ gây bất ổn cho thị trường. Hôm 15-1, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) tuyên bố sẽ trừng trị các hoạt động bất hợp pháp bao gồm tung thông tin giả, tích trữ và đẩy giá quặng sắt.

NDRC cho biết, đã triệu tập một số lãnh đạo của các công ty cung cấp thông tin thị trường để chất vấn vì những người này xuất bản tin tức cũ hoặc sai sự thật khiến các nhà giao dịch bối rối, gây tác động xấu đến thị trường. Các công ty này được yêu cầu xác minh cẩn thận dữ liệu và cam kết không cung cấp thông tin sai trái và mập mờ để đẩy giá quặng sắt.

Giới chức trách Trung Quốc cũng đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng đối với việc định giá quặng sắt trong dài hạn bằng cách hợp nhất các giao dịch mua thay mặt cho các nhà sản xuất thép hàng đầu của đất nước.

Hồi tháng 12, hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết trong năm nay, Tập đoàn tài nguyên khoáng sản Trung Quốc (CMRG) có thể trở thành khách hàng mua quặng sắt lớn nhất thế giới khi công ty này được Bắc Kinh chỉ định làm bên đại diện để mua quặng sắt cho 20 nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc.

CMRG, một công ty nhà nước, được thành lập vào tháng 7 năm ngoái để mua các nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp thép khổng lồ của Trung Quốc. Trung Quốc, chiếm khoảng 3/4 lượng quặng sắt nhập khẩu của thế giới, từ lâu phàn nàn rằng các công ty khai thác quặng sắt lớn nắm giữ quá nhiều quyền lực vì nguồn cung quá tập trung.

Ba nhà sản xuất quặng sắt hàng đầu thế giới Vale, BHP và Rio Tinto hiện kiểm soát hơn một nửa lượng quặng sắt xuất khẩu toàn cầu.

CMRG đã bắt đầu đàm phán các hợp đồng mua quặng sắt với ba nhà sản xuất này và dự kiếm sẽ tìm kiếm giá chiết khấu so với các mức giá phổ biến trên thị trường.

Theo Boomberg, Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gia-quang-sat-tang-toc-dat-muc-cao-nhat-trong-17-thang/