Gia tài quý của lão nông

Lâu nay, bà con nông dân ở miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long cố gắng lo cho con vào đại học là mãn nguyện lắm rồi. Thế nhưng, có một nông dân gia đình chỉ đủ ăn mà đã nuôi 5 người con ăn học thành tài. 4 người trong số đó là thạc sĩ các chuyên ngành nông nghiệp, bác sĩ, dược sĩ và một người tốt nghiệp cử nhân điều dưỡng.

Nông dân sở hữu khối “tài sản” vô giá đó là ông Trần Văn Thanh (Tư Thanh), 73 tuổi, ở ấp Trường Khánh 1, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ông cho biết: Thời gian các con còn học ở phổ thông và đại học là những năm gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Nhà chỉ có hơn 7 công đất (7.000m2), sản xuất không đủ trang trải cho gia đình, nhưng bằng mọi cách ông đã cố gắng tạo điều kiện thật tốt cho con yên tâm học hành tới nơi tới chốn.

Năm 1982, ông Thanh được phân công làm Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập Đỏ xã và Mặt trận xã. Sau đó ông xin nghỉ công tác để bắt tay vào việc cải tạo vườn tạp, chăm lo sản xuất để phụ giúp gia đình. Là một nông dân có trình độ kiến thức nên ông Thanh đã tiếp thu khoa học kỹ thuật rất nhanh, mạnh dạn cải tiến kỹ thuật, thay những cây trồng kém hiệu quả bằng những cây có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy mà thu nhập mỗi năm đều tăng lên, giúp ông có điều kiện lo cho 5 người con, (4 gái, 1 trai) ăn học thành tài.

Kể từ khi các con ra trường, công việc làm ăn ổn định, ông đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi vừa phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khác hơn nhiều người chỉ chuyên canh cây đặc sản như cam, quýt, bưởi… ông chọn mô hình đa canh, trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như mít thái, ổi lê và dừa xiêm đỏ để làm cây chủ lực. Ông quyết không chạy theo phong trào, “trồng rồi đốn, đốn rồi trồng” mà chỉ dựa vào thị trường tiêu thụ để chuyển đổi cây trồng sao cho phù hợp. Theo ông, chủ động trồng nhiều loại trái, không may loại cây này ế ẩm còn loại kia bù lại, không sợ thất thoát.

Tuy ở tuổi 73 nhưng ông Thanh vẫn còn hăng hái, nhiệt tình và hăm hở học hỏi, tìm tòi các giống mới để đáp ứng nhu cầu thị trường. Thuận lợi lớn nhất của ông là có hai người con là kỹ sư nông nghiệp nên thường xuyên tư vấn kỹ thuật, giúp ông chuyển đổi cây trồng phù hợp với đất đai nhằm tăng năng suất và chất lượng… Hiện nay, tính bình quân mỗi năm ông thu nhập từ các loại trái dừa, ổi và mít cũng được vài trăm triệu đồng. Đó là chưa kể lợi nhuận từ chăn nuôi vì hiện nay ông đang bắt tay vào việc nuôi ba ba, nuôi trăn và nuôi cá với một trình độ khoa học kỹ thuật cao, không sợ thua lỗ.

Với nỗ lực nuôi con ăn học thành tài, ông Trần Văn Thanh đã được mời tham dự Đại hội các gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học tiêu biểu toàn quốc lần thứ II tại Hà Nội. Nhiều bà con nông dân ở cùng xóm đều khâm phục ông Tư Thanh vừa là người nuôi con ăn học thành tài, vừa là người sản xuất kinh doanh giỏi trong thời kỳ đổi mới. Nhiều người đang nghiên cứu học hỏi tấm gương lao động cần cù và mô hình sản xuất bền vững của ông.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/gia-tai-quy-cua-lao-nong-3958803-b.html