Gia tăng bệnh nhân mắc cúm, sởi, nhiều ca tử vong do biến chứng

Khoảng 1 tháng trở lại đây, Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều bệnh nhân vào nhập viện vì các bệnh cúm mùa, sởi, quai bị, thủy đậu khám và điều trị. Đặc biệt, có những bệnh nhân tử vong vì cúm biến chứng.

Một ca biến chứng nặng do cúm đang được điều trị tại Trung tâm bệnh nhiệt đới

Điều đáng nói, những người phải nhập viện đều trong tình trạng nặng có biến chứng suy hô hấp hoặc mắc các bệnh nền, cơ địa đặc biệt như bệnh tim phổi mạn, suy thận, xơ gan, đái tháo đường, có thai,..

Trong số những bệnh nhân nguy kịch do cúm mùa có ông N.M.C. (61 tuổi, ở Lào Cai). Bệnh nhân này điều trị ở phòng cấp cứu với chẩn đoán viêm phổi nặng do cúm trên nền bệnh có sẵn xơ gan, tiểu đường. Mặc dù điều trị tích cực nhưng ông này không thể qua khỏi, gia đình xin về.

Được biết trong vòng 3 tháng qua, Trung tâm đã tiếp nhận điều trị 170 bệnh nhân cúm, đặc biệt gia tăng trong những ngày gần đây. Trong số 35 bệnh nhân người lớn đang điều trị các bệnh lây qua đường hô hấp (cúm, sởi, thủy đậu, quai bị,..) tại Trung tâm, có tới hơn 20 bệnh nhân cúm, đặc biệt có 4 bệnh nhân cúm rất nặng phải thở máy.

Trong khi đó, số ca mắc sởi cũng tăng nhanh ở cả người lớn và trẻ em. Số bệnh nhân sởi ở Hà Nội gia tăng.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã tiếp nhận gần 100 ca sởi người lớn nhập viện đều trong tình trạng nặng hoặc có cơ địa đặc biệt.

Điều đáng lưu ý, do bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân một số khoa phải nằm ghép nên đã xuất hiện bệnh nhân lây nhiễm cúm trong quá trình điều trị.

Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm, các ca mắc bệnh cúm năm nay chủ yếu là cúm mùa như cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Cúm mùa mắc nhiều, dễ lây từ người sang người, tỷ lệ tử vong ít, nhưng nếu người đang có bệnh khác mà mắc thì tỷ lệ tử vong cao hơn.

Riêng cúm gia cầm A/H5N1 tuy không lây từ người sang người nhưng khi mắc thì tỷ lệ tử vong cao, từ vài năm nay Trung tâm chưa phát hiện được ca cúm gia cầm nào. Khó khăn hiện nay là bệnh nhân đông, cơ sở vật chất hạn chế nên xảy ra tình trạng lây chéo, khiến việc điều trị càng khó khăn.

Cũng theo TS. Cường, do khí hậu chuyển mùa nên các bệnh dịch lây qua đường hô hấp gia tăng. Bên cạnh đó, việc chẩn đoán các bệnh sởi, thủy đậu, rubella, sốt phát ban rất hay nhầm lẫn với di ứng thuốc. Vì vậy nhiều bệnh nhân điều trị dị ứng nhiều nơi không đỡ rồi mới đến chuyên khoa khám thì mới phát hiện bị sởi thì đã muộn, thậm chí tử vong do biến chứng.

Các loại bệnh trên đều có vắc xin phòng bệnh, nhưng điều đáng nói, trong khi dịch bệnh vào mùa thì rất nhiều cơ sở tiêm chủng thiếu vắc xin cúm. Trên thị trường, cả vắc xin cúm lẫn thuốc điều trị Tamiflu cũng khan hiếm. Vì thế, giá cả loại thuốc này đang rất khác nhau, có nơi chỉ vài chục nghìn/viên, có nơi bán tới 500.000đ/viên.

Trước tình trạng đó, TS. Cường khuyến cáo, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; Tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh; Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

Đặc biệt khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/gia-tang-benh-nhan-mac-cum-soi-nhieu-ca-tu-vong-do-bien-chung-162311.html