Gia tăng lợi ích từ chế biến sâu nông sản

Trước xu thế phát triển thì chế biến sâu được coi là 'chìa khóa vàng', động lực để thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị nông sản.

Chế biến sâu là việc sử dụng các công nghệ, máy móc, thiết bị, dây chuyền hiện đại để chế biến các loại nông sản dạng thô thành các mặt hàng khác nhau, giúp nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và làm gia tăng giá trị sản phẩm. Hiện nay đã có một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư máy móc, dây chuyền, công nghệ để chế biến sâu nông sản.

Huyện Bảo Yên hiện có khoảng 24.000 ha quế. Năm 2022, sản lượng quế khai thác đạt hơn 10.000 tấn vỏ tươi, 80.000 tấn cành lá, hơn 75.000 m3 gỗ và hơn 350 tấn tinh dầu. Là 1 trong 6 đơn vị chế biến tinh dầu quế trên địa bàn huyện, Công ty TNHH MTV Triều Dương đã tiên phong đầu tư công nghệ, dây chuyền, thiết bị chế biến tinh dầu tinh.

Xưởng chế biến tinh dầu quế của Công ty TNHH MTV Triều Dương.

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Triều Dương, hệ thống chế biến tinh dầu tinh có tổng mức đầu tư khoảng 55 tỷ đồng. Với công nghệ này, sản phẩm tinh dầu quế được chế biến đạt độ tinh khiết tới 99%, giá trị tăng 3 lần so với loại tinh dầu thô có độ tinh khiết 85%. Trước đây, 1 lít tinh dầu chỉ bán được trung bình 500 nghìn đồng thì sau khi chế biến tinh có thể bán được giá 1,5 triệu đồng.

Ông Vũ Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Triều Dương cho biết: Bên cạnh công nghệ lọc bỏ tạp chất để tăng độ tinh khiết cho tinh dầu, dây chuyền công nghệ mới của chúng tôi còn có thể chiết tách riêng biệt các thành phần có trong tinh dầu quế, tạo thành các đơn chất để đáp ứng nhiều mục đích sử dụng khác nhau như chế biến thực phẩm, dược liệu… Nhờ đó, giá trị tinh dầu được nâng lên gấp nhiều lần. Điều đó đồng nghĩa với việc giá trị của cây quế ngày càng được nâng cao. Hiện có 40% sản lượng tinh dầu thô đã được công ty tiếp tục chế biến sâu, sau đó mới đưa ra thị trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư máy, thiết bị để nâng cao công suất chế biến sâu tinh dầu quế.

Là đơn vị thu mua, chế biến chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn xã Tả Thàng (huyện Mường Khương), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển trà Tiên Thiên cũng không ngừng đầu tư cho công nghệ chế biến để đưa ra thị trường những phẩm trà có giá trị cao.

Khi bắt đầu thu mua, chế biến chè cổ thụ tại xã Tả Thàng, xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển trà Tiên Thiên chủ yếu sản xuất 3 dòng trà chính (Hồng Thiên, Lục Thiên, Bạch Thiên). Để chế biến sâu các dòng trà, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển trà Tiên Thiên đã đầu tư gần 10 tỷ đồng nâng cấp công nghệ. Đến nay, công ty đã đưa ra thị trường hầu hết các phẩm trà chất lượng cao được những người “sành trà” trên thế giới ưa chuộng (trà phổ nhĩ, ô long, bạch trà…). Đặc biệt, đơn vị này chú trọng chế biến sâu các dòng trà phổ nhĩ, hồng trà bởi đây là những dòng trà phù hợp và phát huy được hết giá trị của cây chè Shan tuyết cổ thụ của vùng đất Tả Thàng. Nhờ chế biến sâu, giá trị trà qua chế biến tăng từ 3 triệu đồng/kg lên 18 triệu đồng/kg.

Ông Phan Quốc Tuấn, Giám đốc sản xuất Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển trà Tiên Thiên cho biết: Tất cả các phẩm trà được đầu tư chế biến sâu của công ty được các chuyên gia của Hiệp hội Chè Việt Nam đánh giá có chất lượng tốp đầu Việt Nam. Chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao chất lượng các phẩm trà, đồng thời quảng bá trà Tả Thàng tới bạn bè quốc tế, nâng tầm sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ.

Theo ông Lý Văn Phìn, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Thàng, việc đầu tư chế biến sâu chè cổ thụ của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển trà Tiên Thiên đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định thị trường nguyên liệu. Từ chỗ giá cả bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái, giá búp chè Shan tuyết cổ thụ tươi ngày càng được nâng cao. Có thời điểm giá chè búp tươi (loại đặc biệt - chè “tôm”) lên tới 500 nghìn đồng/kg. Giá bán ổn định, chúng tôi cũng xác định chè là cây trồng chủ lực để người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở Tả Thàng.

Từ mô hình chế biến sâu tinh dầu quế của Công ty TNHH MTV Triều Dương và sản phẩm chè của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển trà Tiên Thiên có thể thấy việc đầu tư chế biến sâu đã góp phần gia tăng rất lớn giá trị nông sản. Đây là “con đường” bền vững nhất để nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân. Vì vậy, các ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai hiệu quả giải pháp nhằm thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu các loại nông sản.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363429-gia-tang-loi-ich-tu-che-bien-sau-nong-san