Gia tăng tình trạng săn bắt voi trái phép ở Myanmar

Thị trường buôn bán da voi trực tuyến mới nở rộ ở một số nước châu Á đang đe dọa sự sống còn của loài voi ở Myanmar khi những kẻ săn trộm đang tìm mọi cách để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Gần đây, Hội bảo tồn sinh vật Myanmar đã đưa ra cảnh báo khi số lượng voi bị giết được tìm thấy trong các khu rừng ở Myanmar tăng mạnh qua từng năm. Nguyên nhân được chỉ ra là do thị trường buôn bán da voi ngày càng phát triển.

Thị trường lớn nhất tiêu thụ loại sản phẩm này là Trung Quốc. Người dân ở đây nghiền da voi thành bột làm thuốc điều trị bệnh dạ dày, bệnh da liễu, hoặc dùng da voi chế tác thành đồ trang sức như chuỗi hạt đỏ và mặt dây chuyền. Các mặt hàng này được quảng cáo và rao bán công khai trên mạng.

Ảnh minh họa. Ảnh: elephantcare.org.

Trong một nghiên cứu mới về nhu cầu sử dụng da voi của châu Á, Tổ chức từ thiện Elephant Family của Anh cho biết không giống như săn trộm lấy ngà, voi để buôn bán lấy da không cần phân biệt giới tính hay tuổi đời. Chính lý do này khiến cho voi gặp nguy hiểm càng cao hơn.

Theo Belinda Stewart-Cox, Giám đốc bảo tồn Tổ chức từ thiện Elephant Family, thì: "Điều này có nghĩa là sẽ không có con voi nào được an toàn cả. Số lượng voi bị giết ở Myanmar hiện đang gia tăng rất nhanh".

Để tìm hiểu thêm về chuỗi cung ứng trong thị trường này, các nhân viên của tổ chức Elephant Family đã đóng giả người có nhu cầu mua hàng và thâm nhập nhiều diễn đàn trên internet để khai thác thông tin từ những kẻ buôn bán. Khi được hỏi, 11/11 người bán hàng trực tuyến đều trả lời là biết rõ nguồn gốc da voi. Trong đó, 9 người nói rằng nguồn hàng đến từ Myanmar và 2 người cho rằng hàng đến từ Lào. Một nhà buôn lớn tại Trung Quốc đã "sáng chế” ra chuỗi hạt làm từ da voi, được rất nhiều người ưa chuộng. Người chủ hàng cho biết cô ta đã nhận được nguồn hàng từ một thị trấn ở biên giới Myanmar và khẳng định nguồn cung ứng này sẽ "lâu dài và liên tục".

Ở Myanmar chỉ còn lại khoảng 2.000 con voi hoang dã đang sinh sống trong tự nhiên, lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Thái Lan. Tuy nhiên, do sự quản lý yếu kém của chính quyền địa phương khiến Myanmar đang trở thành một tụ điểm buôn bán động vật hoang dã lớn trên thế giới.

Năm 2017, theo thống kê của chính phủ, 59 xác voi hoang dã đã được tìm thấy trong tự nhiên. Các tổ chức phi chính phủ cho biết rất khó để chứng minh một cách chắc chắn rằng việc gia tăng mua bán các sản phẩm từ da voi có liên quan trực tiếp đến săn trộm voi. Tuy vậy, khó có thể có cách giải thích nào khác cho hai sự gia tăng đồng thời này.

NGA ĐOÀN (theo Dailymail)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/gia-tang-tinh-trang-san-bat-voi-trai-phep-o-myanmar-538571