Gia tăng trường hợp bị rắn độc cắn phải nhập viện

Thời gian gần đây, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận nhiều trường hợp bị rắn độc cắn. Trong đó, có những bệnh nhân nhập viện muộn và dùng thuốc nam dẫn tới biến chứng hoại tử nặng nề, thời gian điều trị kéo dài.

Ở Việt Nam có hàng chục loài rắn độc. Mặc dù mùa hè mới là lúc loài vật này sinh sôi nảy nở và ra ngoài kiếm ăn nhiều hơn, nhưng ngay trong thời điểm giao mùa hiện nay đã gia tăng đáng kể trường hợp bị rắn độc cắn. Tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai hiện có 4 bệnh nhân đang điều trị. Bệnh nhân Công Quốc Thắng ở Tây Hồ, Hà Nội cho biết: “Tôi làm nghề trồng đào, quất. Hôm trước, thấy trong vườn có con rắn, tôi bắt cho vào túi lưới, bị rắn cắn vào tay qua lớp túi. Sau đó tôi đến Bệnh viện E, được sơ cứu lại và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai."

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên kiểm tra tình hình bệnh nhân bị rắn cắn

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên kiểm tra tình hình bệnh nhân bị rắn cắn

"Nhà tôi nuôi rắn. Trong quá trình đưa con rắn đực ra khỏi chuồng của rắn cái, tôi không mang đồ bảo hộ nên bị rắn cắn. Tôi đã uống 3 cốc nước lá và đắp lá lên chỗ rắn cắn. Sau 30 tiếng tôi mới đến Bệnh viện Bạch Mai nên bị hoại tử tay.”- bệnh nhân Hà Văn Luyện ở Sông Lô, Vĩnh Phúc nói.

Bàn tay bị hoại tử do rắn cắn và sau khi dùng thuốc nam

Đa phần những trường hợp bị rắn cắn là do chủ động bắt rắn về làm thịt hoặc ngâm rượu. Theo các chuyên gia, khi gặp rắn, chỉ cần xua đuổi, không trực tiếp tiếp xúc, chạm vào rắn. Từng có trường hợp đánh rắn bất động nhưng khi chạm vào miệng rắn vẫn bị cắn. Khi lao động phải chú ý sử dụng các dụng cụ bảo hộ như đeo găng tay, đi ủng, quan sát kỹ và cảnh giác với những chỗ rắn hay ẩn nấp như góc khuất, hang hốc, bụi cỏ, đống gạch, khe sâu. Mùa hè nếu đưa trẻ em về quê, đi dã ngoại cần chú ý kiểm tra kỹ và dặn trẻ tránh xa các loại rắn.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: “Khi bị rắn độc cắn, người dân thường áp dụng các biện pháp sơ cứu, nhất là với những loài rắn độc có thể gây nguy hiểm tính mạng như gây liệt, ảnh hưởng tim mạch như rắn cạp nong, cạp nia, rắn chúa, hổ mang, rắn biển. Thực tế cho thấy hầu hết biện pháp sơ cứu của người dân đều không có tác dụng, thậm chí gây hậu quả xấu. Biện pháp sơ cứu đúng có thể áp dụng là hạn chế vận động, cần di duyển bằng bằng phương tiện vận chuyển, để nọc độc di chuyển chậm hơn. Có thể dùng băng ép toàn bộ vùng tay chân bị cắn bằng băng chun giãn, 1 số trường hợp có thể dùng băng garo tĩnh mạch trong thời gian nhất định, nhưng không được băng quá chặt, đồng thời đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất”./.

Văn Hải/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/gia-tang-truong-hop-bi-ran-doc-can-phai-nhap-vien-post1019546.vov