Gia tăng tỷ lệ học sinh thừa cân béo phì

Tại Hà Nội, tỷ lệ học sinh gia tăng nhanh theo các năm thừa cân béo phì, nội thành cao hơn ngoại thành (một số học sinh trường tiểu học khu vực nội thành có tỷ lệ thừa cân béo phì lên tới 55,7%).

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai mô hình can thiệp phòng chống thừa cân béo phì cho học sinh tại một số trường tiểu học của Hà Nội, giai đoạn 2023-2025.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhấn mạnh, hoạt động y tế học đường, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh luôn được thực hiện nghiêm túc.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương phát biểu tại hội nghị.

Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Y tế với Sở GD&ĐT Hà Nội trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; tiêm chủng; phòng, chống tai nạn thương tích; đảm bảo an toàn thực phẩm; phòng, chống suy dinh dưỡng, phòng chống các bệnh không lây thừa cân béo phì, ... đã dần đi vào nền nếp và từng bước góp phần phát triển toàn diện cho các em học sinh về trí tuệ, thể chất.

Phát huy những kết quả đã đạt được, liên Sở Y tế - GD&ĐT ban hành kế hoạch số 4342/KHLN-YT-GDĐT về việc triển khai mô hình can thiệp phòng chống thừa cân béo phì ở học sinh tại một số trường tiểu học của Hà Nội, giai đoạn 2023-2025.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Thị Kiều Anh cho biết, theo kết quả đánh giá tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em lứa tuổi học đường giai đoạn 2017 – 2021 tại 90 trường, các khối lớp 5, 9, 12 trong giai đoạn 5 năm từ 2017-2021 (mỗi năm khoảng 7.300 học sinh), học sinh tiểu học có tỷ lệ thừa cân béo phì cao nhất với 37,8% (THCS là 16,8%, THPT là 11,3%).

Ảnh minh họa.

Tỷ lệ học sinh gia tăng nhanh theo các năm thừa cân béo phì, nội thành cao hơn ngoại thành (một số trường tiểu học khu vực nội thành có tỷ lệ thừa cân béo phì lên tới 55,7%). Ảnh hưởng tiêu cực của thừa cân béo phì gây ra như ảnh hưởng tâm lý của trẻ, đái tháo đường, bệnh tim mạch, trầm cảm, ung thư,…

Theo các chuyên gia y tế, nhóm tuổi tiểu học là giai đoạn quan trọng của quá trình tăng trưởng. Do đó nếu can thiệp giai đoạn này sẽ đạt hiệu quả cao.

Mô hình phấn đấu thực hiện 5 mục tiêu gồm đảm bảo môi trường, điều kiện thực hiện mô hình can thiệp; nâng cao kiến thức, thực hành về phòng, chống thừa cân béo phì cho học sinh, phụ huynh, nhân viên y tế, giáo viên, nhân viên chế biến bữa ăn bán trú trong các trường học được can thiệp.

Cung cấp bữa ăn theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của ngành y tế cho trẻ có tình trạng dinh dưỡng bình thường, trẻ thừa cân béo phì tại trường học và gia đình. Tăng cường hoạt động thể lực nhằm phòng chống thừa cân béo phì ở học sinh tiểu học; kiểm soát tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh tại các trường tiểu học trong thời gian can thiệp.

Giai đoạn này được thực hiện tại trường Tiểu học La Thành (quận Đống Đa); Tiểu học Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm); Tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông)...

Hà Linh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-tang-ty-le-hoc-sinh-thua-can-beo-phi.html