Gia thế giàu có, tuổi thơ hiếu động của Lý Tiểu Long

Truyện tranh và tiểu thuyết kiếm hiệp đã xây dựng nên cuộc sống nội tâm phong phú bên trong Bruce. Mỗi khi chìm vào con chữ, cậu lại mường tượng mình là vị anh hùng trong tác phẩm.

Những năm 1940, sau khi Hong Kong được giải phóng, người người lũ lượt quay trở về, thêm vào đó là hàng trăm nghìn dân tị nạn. Những kẻ nhanh chân tới trước lèn chặt vào mọi chỗ còn trống, một phòng có thể chứa tới mười “chỗ ngủ” trở lên, còn những người chậm chân chỉ còn nước tá túc ở các khu lán trại lụp xụp trên sườn đồi. Trong vòng 5 năm, dân số Hong Kong tăng vọt từ 600.000 lên tới 3 triệu người khiến giá thuê nhà nhảy vọt tới trời. Chẳng mấy chốc, Li Hoi Chuen (bố của Bruce Lee - Lý Tiểu Long) từ một danh hài trở thành ông chủ nhà trọ khấm khá.

Tuổi thơ sung túc, hiếu động

Việc sở hữu bốn căn hộ cho thuê không giúp ông giàu có theo kiểu tài phiệt, ông không nằm trong số 1% người siêu giàu như ông bác của Bruce là Robert Hotung, nhưng chí ít ông có thể đảm bảo tương lai vững chắc cho đại gia đình của ông. “Nhà tôi không quá giàu nhưng chả ai phải lo về cái ăn cái mặc”, Bruce sau này hay kể vậy với bạn bè.

Lý Tiểu Long bên cha mẹ năm 1940.

Lý Tiểu Long bên cha mẹ năm 1940.

Quả thực, họ thuộc tầng lớp khá giả, tiền bạc dồi dào so với tiêu chuẩn của Hong Kong thời hậu chiến, vốn nằm trong nhóm nước thuộc thế giới thứ ba thời bấy giờ. Phoebe hồi tưởng “tới năm 1950, nhà tôi đã sắm được tivi, tủ lạnh, xe hơi và cả tài xế. Chúng tôi chưa ý thức nhiều về địa vị xã hội này nọ, nhưng nếu nhà bạn có tivi, bạn ắt hẳn thuộc tầng lớp thượng lưu”.

Không những thuê tài xế, họ còn có hai người hầu, một con mèo, một bể cá vàng lớn và năm con chó giữ nhà. Bằng sự kết hợp giữa tài năng, óc nhạy bén sắc sảo và sự may mắn, Li Hoi Chuen đã đi được một chặng đường dài từ tuổi thơ nghèo đói cho đến cơ nghiệp ngày hôm nay. Sau chuỗi ngày cơ cực, lũ trẻ phủ phê trong cuộc sống giàu có mới mẻ. Phoebe và Bruce là hai chị em vui tính, hướng ngoại, trong khi Peter và Agnes lại trầm tĩnh và chăm học.

“Hai đứa không nói nhiều và luôn nghiêm túc trong mọi chuyện”, Phoebe kể lại. “Tôi và Bruce thì khác hẳn. Tụi tôi đánh nhau suốt ngày song cũng làm hòa rất nhanh. Cả hai đều lười học nhưng Bruce là chúa lười. Hễ tụi tôi quá sức lười biếng, cha lại khiển trách và bắt chúng tôi nhịn đói”.

Sự đau ốm bệnh tật từng ám ảnh Bruce suốt thời kỳ Nhật chiếm đóng đã dần rời bỏ cậu bé sau khi hòa bình lập lại. Cậu trở nên hiếu động thái quá đến mức cả nhà đặt cho cậu biệt danh “Never Sits Still - Không-Bao-Giờ-Ngồi-Yên”.

Sách Lý Tiểu Long một cuộc đời phi thường.

Cậu luôn nhảy nhót, la hét, chơi đùa không biết mệt. Peter hồi tưởng, nếu hôm nào Bruce im lặng một lúc lâu là mẹ lại ngỡ cậu bị ốm. “Anh ấy dường như có dấu hiệu của sự rối loạn vì năng lượng dư thừa tích trữ quá nhiều trong người, như con ngựa hoang bị xiềng xích”, Robert thuật lại.

Khi không đấm đá tứ tung đồ đạc trong nhà thì Bruce cũng phải lý sự đủ lẽ với cha mẹ mỗi lần họ bảo cậu làm việc gì, nhờ đó cậu có thêm một biệt danh khác: “Why Baby - Bé Hỏi”. (Thái độ hoài nghi đối với bề trên của Bruce đi theo suốt cuộc đời anh. Đạo diễn bộ phim The Big Boss (Đường Sơn đại huynh, 1971) từng cáu tiết gọi anh là “The Why Dragon - Con rồng lý sự”).

Vùi mình trong truyện tranh

Cha mẹ phát hiện một cách để làm dịu bớt tính hiếu động của Bruce là đưa cho cậu một quyển truyện tranh. Cậu có thể ngồi yên đọc ngấu nghiến suốt vài giờ đồng hồ. Trước khi truyền hình xuất hiện ở Hong Kong vào năm 1957, truyện tranh và tạp chí, như TeChildren’s Paradise (Thiên đường trẻ con) là hình thức giải trí cơ bản.

Bruce khởi sự với truyện tranh về kung-fu, rồi sau đó say mê với tiểu thuyết kiếm hiệp. Cậu bé vùi đầu trong các nhà sách mỗi khi rảnh rỗi. Bruce đọc sách nhiều đến nỗi mẹ cậu quả quyết đó là nguyên nhân khiến cậu bị cận thị.

Huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long.

“Thằng bé nằm trên giường đọc mấy cuốn sách chữ nhỏ li ti hàng giờ mặc dù tôi không cho phép”, Grace nhớ lại. “Tôi nghĩ việc đó khiến thị lực của Bruce trở nên rất kém”, bà nói. Cậu bắt đầu phải mang kính cận vào năm sáu tuổi.

Truyện tranh và tiểu thuyết kiếm hiệp đã xây dựng nên cuộc sống nội tâm phong phú bên trong Bruce. Mỗi khi chìm vào con chữ, cậu lại mường tượng mình là vị anh hùng trong tác phẩm đang đọc. Có lần Grace bực dọc khiển trách con trai vì thói ích kỷ, “con thật là vô dụng, con chẳng bao giờ chịu nhường nhịn người trong nhà”.

Để bào chữa, cậu bé Bruce ngây thơ phịa ra một câu chuyện: “Nếu gia đình mình đi vào rừng sâu và chạm trán một con hổ, con sẽ ở lại chiến đấu với nó đến cùng để cho mọi người trốn thoát”.

Trích sách "Lý Tiểu Long một cuộc đời phi thường"

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/gia-the-giau-co-tuoi-tho-hieu-dong-cua-ly-tieu-long-post1023858.html