Giá thép trong nước giảm sâu phiên thứ ba liên tiếp; Giá lúa gạo ổn định, hút hàng

Giá thép trong nước giảm sâu phiên thứ ba liên tiếp; Giá lúa gạo ổn định, hút hàng; Điều thô trong nước trước áp lực giảm giá lớn... là những thông tin thị trường hôm nay.

Giá thép trong nước giảm sâu phiên thứ ba liên tiếp

Giá thép hôm nay 22/4 ghi nhận nhiều thương hiệu thông báo giảm giá thép xây dựng với mức giảm từ 130.000 - 1,12 triệu đồng/tấn.

Đây đã là phiên giảm thứ 3 liên tiếp từ 8/4 đến nay, sau khi thép trong nước đã có phiên tăng liên tiếp từ đầu năm.

Theo SteelOnline, Hòa Phát miền Bắc giảm 200.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 xuống còn 15 triệu đồng/tấn, loại D10 CB300 giảm 130.000 đồng/tấn xuống còn 15,45 triệu đồng/tấn. Cả hai loại giảm quanh mức 1%.

Giá thép của nhiều thương hiệu trong nước giảm ba lần liên tiếp sau 5 lần tăng.

Giá thép của nhiều thương hiệu trong nước giảm ba lần liên tiếp sau 5 lần tăng.

Hòa Phát khu vực miền Trung giảm 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 xuống 14,95 triệu đồng/tấn và giảm 130.000 đồng/tấn với loại D10 CB300 xuống 15,35 triệu đồng/tấn. Tại khu vực miền Nam, Hòa Phát giảm 170.000 đồng/tấn loại thép cuộn và 220.000 đồng/tấn với thép cây.

Thép Việt Ý giảm 300.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 xuống còn 15 triệu đồng/tấn và thép cây giảm 150.000 đồng/tấn xuống còn 15,25 triệu đồng/tấn, tương đương mức giảm lần lượt 1-2%.

Với thương hiệu Việt Đức, hai loại trên lần lượt giảm 200.000 đồng/tấn và 250.000 đồng/tấn xuống còn 14,95 triệu đồng/tấn và 15,35 triệu đồng/tấn.

Pomina Miền Trung giảm 1,12 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 xuống còn 15,81 triệu đồng/tấn, tương đương mức giảm 6,6%. Loại thép cây D10 CB300 giảm 1,02 triệu đồng/tấn, tương đương 6%, xuống còn 15,86 triệu đồng/tấn.

Kyoei giảm 300.000 đồng/tấn đối với thép cuộn và 410.000 đồng/tấn đối với thép cây. Sau khi giảm, giá hai sản phẩm trên còn lần lượt là 14,98 triệu đồng/tấn và 15,38 triệu đồng/tấn.

Thép Miền Nam ghi nhận mức giảm 510.000 đồng/tấn đối với thép cuộn và 610.000 đồng/tấn đối với thép cây, tương đương giảm lần lượt 3,2-4%. Sau điều chỉnh, thép cuộn còn 15,22 triệu đồng/tấn và 15,43 triệu đồng/tấn.

Giá hiện tại của Việt Nhật là 15,12 triệu đồng/tấn đối với thép cây và 14,92 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn, mức giảm lần lượt là 510.000 đồng/tấn và 660.000 đồng/tấn, tương đương giảm 3-4%.

Như vậy, giá thép của nhiều thương hiệu trong nước giảm ba lần liên tiếp sau 5 lần tăng. Lần giảm gần đây nhất là 12/4. Thép cuộn của Hòa Phát miền Bắc hiện thấp hơn đầu năm 20.000 đồng/tấn, còn thép cây cao hơn 530.000 đồng/tấn.

Sau 3 lần giảm liên tiếp, Hòa Phát miền Bắc ghi nhận tổng mức giảm là 960.000 đồng/tấn đối với thép cuộn, tương đương 6%. Đối với thép cây, tổng mức giảm là 540.000 đồng/tấn, tương đương 3,3%. Khác với các thương hiệu khác, Pomina giảm giá sản phẩm hai lần. Tổng mức giảm đối với cả thép cuộn và thép cây của Pomina quanh mức 10%.

Giá lúa gạo ổn định, hút hàng

Giá lúa gạo hôm nay 22/4 tại Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định. Thị trường lúa gạo giao dịch sôi động khi nhu cầu của các nước tiếp tục tăng.

Theo đó, giá lúa OM 18 đang được thương lái thu mua ở mức 6.500 – 6.600 đồng/kg; lúa Nếp tươi An Giang 6.000 – 6.200 đồng/kg; Đài Thơm 8 đang được thương lái thu mua ở mức 6.800 – 7.000 đồng/kg; lúa IR 504 đang được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 6.200 – 6.400 đồng/kg; Nàng hoa 9 ở mức 6.400 – 6.600 đồng/kg; OM 5451 duy trì ở mức 6.400 – 6.500 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 6.600 – 6.800 đồng/kg; Nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg và lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg; nếp tươi Long An đứng ở mức 6.500 – 6.700 đồng/kg.

Giá gạo có xu hướng giảm vào cuối tuần; Nhu cầu hỏi mua lúa khô nhiều, hút hàng.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm không có biến động. Theo đó, giá gạo nguyên liệu ở mức 9.400 đồng/kg. Tương tự, giá gạo thành phẩm cũng duy trì ổn định ở mức 10.600 – 10.650 đồng/kg.

Với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm IR 504 dao động quanh mốc 9.200 đồng/kg, cám khô 7.350 đồng/kg.

Tại chợ lẻ, giá gạo duy trì ổn định sau phiên điều chỉnh. Theo đó, gạo thường còn 11.000 – 12.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 14.000 – 15.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 15.000 đồng/kg; nếp ruột 16.000 – 18.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 22.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.500 đồng/kg; Nàng Hoa 18.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 22.000 đồng/kg; Cám 7.500 – 8.000 đồng/kg; Gạo thơm Thái hạt dài duy trì 18.000 – 19.000 đồng/kg và Hương Lài 19.000 đồng/kg.

Theo các doanh nghiệp, hôm nay lượng gạo về ít, các bến vắng gạo. Giá gạo có xu hướng giảm vào cuối tuần. Trên thị trường lúa, giá lúa Hè Thu neo ở mức cao. Lúa Đông Xuân lượng còn ít, giá ổn định. Nhu cầu hỏi mua lúa khô nhiều, hút hàng.

Giá tiêu cao nhất 67.000 đồng/kg, thị trường bớt trầm lắng

Giá tiêu hôm nay 22/4 tại thị trường trong nước chững lại và có xu hướng đi ngang sau 2 phiên tăng liên tiếp. Theo đó, tại Gia Lai, giá tiêu hôm nay được thương lái thu mua ở mức 64.000 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 65.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay duy trì ổn định sau phiên điều chỉnh tăng.

Tương tự, tại Đông Nam bộ, giá tiêu cũng duy trì ổn định. Hiện giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa Vũng Tàu đang được thương lái thu mua ở mức 67.000 đồng/kg. Tại Bình Phước và Đồng Nai duy trì ổn định ở mức 66.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay chững lại và đi ngang trong phiên cuối tuần. Theo đánh giá nhu cầu mua tăng trong khi nông dân giữ hàng đã đẩy thị trường tăng nhẹ.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.540 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 2.950 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn.

Điều thô trong nước trước áp lực giảm giá lớn

Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) vừa cho biết, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp trong nước đã nhập hơn 10.158 tấn nhân điều, tương đương gần 44.000 tấn hạt điều thô, cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ.

Trước tình hình này, Vinacas đã đề nghị các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tìm giải pháp cũng như trình Chính phủ cho phép thực hiện một số quy định nhằm tạo sự công bằng trong chế biến và kinh doanh điều nhân trên thị trường quốc tế.

Theo ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Vinacas, năm 2022, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, đã có 78.583 tấn nhân điều được nhập khẩu vào Việt Nam, tương đương gần 350.000 tấn hạt điều thô; số lượng này lớn hơn tổng sản lượng điều thô do Việt Nam sản xuất trong 1 năm.

Chế biến điều. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Ngoài việc đề nghị Bộ Công thương cùng các bộ, ngành liên quan có giải pháp can thiệp và hỗ trợ, Vinacas cũng đề xuất đàm phán, ký các hiệp định song phương với từng nước về miễn thuế xuất nhập khẩu hàng hóa của nhau. Các nước có thể xuất khẩu điều thô miễn thuế sang Việt Nam, nhưng nếu các quốc gia này không áp dụng miễn thuế xuất khẩu điều thô, Việt Nam sẽ không miễn thuế nhập khẩu với nhân điều nhập khẩu; đồng thời áp thuế suất 25% với hạt điều đã bóc vỏ; áp giá nhập khẩu tối thiểu đối với nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam.

Lý giải vấn đề này, theo VINACAS, các nước trồng điều ở châu Phi đã áp mức thuế xuất khẩu cao với điều thô xuất khẩu và miễn thuế với điều nhân xuất khẩu để phát triển công nghiệp chế biến điều trong nước. Trong khi đó, cả điều thô và điều nhân khi nhập vào Việt Nam để chế biến, xuất khẩu đều được Việt Nam miễn thuế. Những chính sách như vậy dẫn đến sự bất bình đẳng trong thương mại giữa doanh nghiệp chế biến hai nước.

Hai tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập hơn 10 ngàn tấn nhân điều, tương đương gần 44 ngàn tấn hạt điều thô, cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, VINACAS lo ngại các doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu, chủ yếu là các nhà máy FDI sẽ chặn dần nguồn nguyên liệu hạt điều thô của các nhà máy Việt Nam, khiến các nhà máy nhỏ và vừa của nước ta bị phá sản, tiến tới chiếm lĩnh thị trường điều nhân thế giới./.

Việt Phương (Theo Congthuong.vn/VOV.VN)

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/gia-thep-trong-nuoc-giam-sau-phien-thu-ba-lien-tiep-gia-lua-gao-on-dinh-hut-hang-post268438.html