Giá thịt lợn cao vì mất cân bằng trong phân chia lợi nhuận

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, việc phân chia lợi nhuận tại các khâu sản xuất và trung gian đang mất cân bằng, và đây chính là lý do khiến giá thịt lợn không giảm được.

Vì sao giá thị lợn không giảm như kỳ vọng?

Vì sao giá thị lợn không giảm như kỳ vọng?

Theo TS Kiên, việc các cấp quản lý nhà nước yêu cầu đưa giá thịt lợn về mức 70.000 - 80.000 đ/kg hơi là có cơ sở.

Ông Kiên đánh giá: "Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh nguồn cung để bình ổn thị trường như nhập khẩu thịt lợn. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tình thế, về lâu dài vẫn phải là phát triển nội tại trong nước".

Đánh giá về việc giá thịt lợn hơi trong nước vẫn ở mức cao, ông Kiên cho rằng ở đây khâu điều tiết lợi nhuận ở các khâu cấu thành giá thịt lợn chưa phù hợp. Hiện nay có quá nhiều khâu trung gian và những khâu này lại chiếm tỷ trọng lớn trong cấu thành giá bán lẻ. Việc không cắt giảm những khâu này phần nào đẩy giá lợn đến tay người tiêu dùng tăng cao. Điều này đã được phản ánh quá nhiều nhưng không có mấy thay đổi.

Một điểm quan trọng khác được ông Kiên nhấn mạnh là thói quen tiêu dùng thịt lợn của người dân. "Cần tuyên truyền và thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Cần bổ sung hài hòa các chất khác nhau và những loại chất này có thể tìm thấy ngoài thịt lợn. Ngoài ra, việc sử dụng quá nhiều thịt lợn có thể không hại nhưng chưa chắc đã là tốt nhất đối với cơ thể. Đây có lẽ cũng là thời điểm tốt để thay đổi thói quen".

Theo TS Kiên đây là 2 điểm quan trọng nhất mà cơ quan có thẩm quyền cần khắc phục trong thời gian tới.

Tiến Sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng

Ngoài ra, ông Kiên cũng kêu gọi trách nhiệm xã hội cao hơn nữa từ những doanh nghiệp cung cấp thịt lợn.

TS Kiên chia sẻ: "Việc tối ưu lợi nhuận với doanh nghiệp là hoàn toàn dễ hiểu, điều này cũng không thể trách móc hay lên án quá được. Tuy nhiên, doanh nghiệp hay người chăn nuôi cũng cần nhớ rằng khi khó khăn, khi giá thịt lợn sụt giảm hay dịch bệnh thì cả xã hội đã có những chiến dịch giải cứu. Do đó, khi đạt được lợi nhuận thì cả doanh nghiệp và người chăn nuôi cần có trách nhiệm đáp trả lại xã hội. Nếu làm được những việc này tôi tin rằng doanh nghiệp sẽ có lợi nhiều và lâu dài hơn".

Ông Kiên cho rằng COVID-19 cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi tư duy làm nông nghiệp, phải đưa phương thức sản xuất công nghiệp vào trong nông nghiệp.

"Tôi muốn nhấn mạnh ý này, đây không chỉ là đưa máy móc vào trồng lúa hay nuôi lợn. Cần có giải pháp tổng thể cho nền nông nghiệp, và phải thực hiện từ những bước đi đầu tiên như cần có giống tốt, cần liên kết các đơn vị sản xuất để có những cánh đồng, những trại chăn nuôi lớn. Cần có quy hoạch khép kín từ chăn nuôi, giết mổ đến sơ chế thực phẩm để đạt được hiệu quả và chất lượng tốt nhất....", TS Nguyễn Đức Kiên cho biết.

Giá thịt lợn hơi hôm nay 12/7 miền Bắc: Dự báo ổn định trên diện rộng, giá chủ yếu dao động ở mức 89.000 - 90.000 đồng/kg. Giá cao nhất ở mức 92.000 đồng/kg tại Nam Định. Giá thấp nhất ở mức 88.000 đồng/kg tại Thái Bình, Ninh Bình.

Giá lợn hơi hôm nay 12/7 miền Trung và Tây nguyên: Dự báo tăng một vài nơi, chủ yếu dao động ở mức 85.000 - 87.000 đồng/kg. Giá tăng 2.000 đồng lên mức 87.000 đồng/kg tại Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Khánh Hòa. Giá tăng 1.000 đồng lên mức 84.000 đồng/kg tại Huế, Quảng Nam.

Giá lợn hơi hôm nay 12/7 miền Nam: Dự báo tiếp tục tăng nhẹ trên diện rộng, dao động ở mức 87.000 - 88.000 đồng/kg. Giá tăng 2.000 đồng lên mức 87.000 đồng/kg tại Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau. Giá tăng 1.000 đồng lên mức 86.000 đồng/kg tại Tiền Giang, Bạc Liêu, Vũng Tàu.

Bình An

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/gia-thit-lon-cao-vi-mat-can-bang-trong-phan-chia-loi-nhuan-112284.html