Giá thịt lợn tăng cao, chặn tâm lý 'nhảy giá'

Giá thịt lợn tăng cao trong thời gian qua khiến nhiều mặt hàng khác lợi dụng tăng giá theo. Bộ Công Thương đang phối hợp với các địa phương, Bộ ngành, doanh nghiệp chuẩn bị sẵn nguồn cung hàng hóa dồi dào để tránh tâm lý 'nhảy giá' hàng hóa theo giá thịt lợn.

Nhiều mặt hàng tăng giá theo thịt lợn

Thông tin đưa ra tại Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 11 tổ chức ngày 29/11, tại Hà Nội cho thấy, tháng 11, nhìn chung, thị trường hàng hóa trong nước đang ở trong giai đoạn khá sôi động do đang vào dịp cuối năm và chuẩn bị cho các kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Nguồn cung hàng hóa các mặt hàng thiết yếu dồi dào, dự kiến sẽ đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân trong các dịp Lễ, Tết. Riêng mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung giảm sút do tiêu hủy và do khó khăn trong việc tái đàn, kiểm dịch thú y, giá mặt hàng thịt lợn đã tăng cao. Giá các mặt hàng khác không có biến động lớn, cung cầu đảm bảo.

Giá thịt gà bắt đầu tăng theo giá thịt lợn

Giá thịt gà bắt đầu tăng theo giá thịt lợn

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 năm 2019 đạt 425.516 tỷ đồng, tăng 0,77% so với tháng trước. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 11 tháng đạt 4.481.567 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 9,35%.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,7%, đã bám sát với kịch bản tăng trưởng cũng như kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Công Thương là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng từ 11 - 12%.

Nhìn chung, hầu hết các mặt hàng đều khá dồi dào về nguồn cung, trừ mặt hàng thịt lợn. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung mặt hàng này vẫn liên tục giảm. Bà Tạ Thị Thu Việt – Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, tính đến 15/11, tổng số lợn tiêu hủy trên cả nước là trên 5,8 triệu con, tổng trọng lượng là 335.000 tấn. Sản lượng lợn hơi đưa ra thị trường giảm 9%, khiến nguồn cung giảm và giá thịt lợn tháng 11 tăng 18,51% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,78%. Bên cạnh đó, trong tháng 11, tâm lý “té nước theo mưa” khiến giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn và giá các mặt hàng thay thế cũng tăng như giá thịt quay, giò chả, thịt hộp, thịt bò, thịt gà, tôm…

Chỉ tính trong tháng 11, giá thịt quay, giò chả tăng 5,99%; giá thịt hộp, thịt chế biến khác tăng 0,59%. Đáng chú ý, dù nguồn cung vẫn dồi dào song tâm lý tát nước theo mưa khiến giá thịt bò tăng 1,29%; giá thịt gà tăng 1,57%; giá cá, tôm tươi ướp lạnh tăng từ 0,89%-1,36%; giá thủy sản chế biến tăng 0,49%…

Kiểm soát tốt giá các mặt hàng thiết yếu

Tháng 12, giá thịt lợn dự báo sẽ tăng từ 10 - 15%, tuy nhiên, quan trọng hơn, giá nhiều mặt hàng thực phẩm khác cũng dự báo sẽ tăng theo giá thịt lợn vì tâm lý “tát nước theo mưa”, cùng với nhu cầu cuối năm tăng cao.

Ông Đặng Công Khôi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, hiện Bộ Tài chính vẫn theo dõi diễn biến chung giá các mặt hàng và nhận thấy chưa có dấu hiệu tăng đột biến. Tuy nhiên, tâm lý tát nước theo mưa là có, nên sắp tới, Bộ Tài chính sẽ làm việc với các Sở Tài chính địa phương để tăng cường theo dõi kê khai giá các mặt hàng, tránh tình trạng tăng giá quá cao các mặt hàng. Đồng thời có chỉ thị để thông báo các giải pháp bình ổn giá.

Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh, ngoài việc ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 21/10/2019 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã có nhiều cuộc họp với các địa phương về chuẩn bị nguồn hàng cuối năm thời gian qua, Bộ Công Thương đã yêu cầu các địa phương quan trọng nhất là phải có dự trữ nguồn hàng để đảm bảo ổn định cung cầu. Đồng thời có kế hoạch, kịch bản ổn định giá cả hàng hóa bằng cách dành một phần ngân sách hoặc kết nối với các ngân hàng để cho doanh nghiệp vay vốn lãi suất ưu đãi để dự trữ hàng Tết. Những mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, từ giờ đến cuối năm sẽ cố gắng giữ ổn định trong bối cảnh giá thịt lợn và nông sản thiết yếu có thể tăng, từ đó ổn định CPI.

Riêng với mặt hàng thịt lợn, Tổ Điều hành thị trường trong nước đề nghị các địa phương, bộ, ban ngành liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá dịp cuối năm; giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc buôn bán thịt lợn sang nước láng giềng nhằm vừa giữu được nguồn cung cho thị trường trong nước, vừa tránh lây lan dịch bệnh.

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo ngành Thú y tạo điều kiện cho các sản phẩm thịt lợn, lợn thịt an toàn lưu thông qua các địa phương để đảm bảo nguồn cung cho các vùng, miền nhằm hạn chế tình trạng tăng giá cục bộ gây bất ổn thị trường. Các địa phương cần định hướng cho các doanh nghiệp chế biến đưa ra các các sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu người dân, thay thế một phần thịt lợn nóng trên thị trường. Tăng cường truyền thông chính xác về giá cả thị trường, nguồn cung để tránh tình trạng thiếu thông tin, gây bất ổn thị trường.

Phương Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gia-thit-lon-tang-cao-chan-tam-ly-nhay-gia-129080.html