Giá thịt lợn tăng cao do thiếu nguồn cung

Liên quan đến các vấn đề nóng, trong đó có việc giá thịt lợn vẫn chưa 'hạ nhiệt' đã được Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và lãnh đạo các đơn vị Bộ Công Thương trả lời ngay tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra chiều 15/5.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi họp báo.

Khi được hỏi vì sao giá thịt lợn đến nay vẫn chưa giảm, nguyên nhân do thiếu nguồn cung hay khâu trung gian tăng giá, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, nguyên nhân giá thịt lợn tăng là do cung cầu. Dẫn báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, riêng năm 2019 so với năm 2018 đã thiếu 20-21% tổng thể đàn lợn cũng như sản lượng thịt cung cấp cho thị trường. 3 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 lại tiếp tục thiếu 20% nữa, nhưng đó cũng chỉ con số được cung cấp. “Theo phản ánh của một số địa phương, cả lợn giống và lợn thịt thiếu 50%, thậm chí trên 50%”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

"Ngoài ra, hiện nay, vẫn còn 18 địa phương chưa công bố hết dịch, vì vậy người nông dân chưa yên tâm để tái đàn, nguồn cung đang rất thiếu, kể cả một số hộ đang muốn tập trung tái đàn thì lại gặp vấn đề. Đó là không có vốn để đầu tư tái đàn, nếu có, thì con giống rất đắt. Nếu không cẩn thận có thể rủi ro, không yên tâm tái đàn, dẫn tới thiếu hụt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nói việc phải nhập khẩu con giống, thịt heo, nhưng để bền vững hơn cần phải tái đàn, cần phải có thời gian thì quý IV/2020 mới có thể có số lượng tương đương trước khi có dịch” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Tuy nhiên, trong trường hợp nguồn cung trong nước tăng lên, thì phải giảm nhập khẩu để bảo vệ người chăn nuôi trong nước. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kể cả nhập khẩu. Đồng thời chỉ đạo các thương vụ Việt Nam tại các nước giới thiệu đầu mối nhập khẩu đảm bảo chất lượng, giá cả phong phú số lượng, doanh nghiệp nhập khẩu cũng không cần phải qua Bộ Công Thương để làm thủ tục. Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 địa phương, tăng cường kiểm tra kiểm soát, đầu cơ trục lợi, vận chuyển lợn trái phép. “Hy vọng cuối năm nay tình hình ổn định trở lại như trước khi xảy ra dịch”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Về vấn đề này, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước chia sẻ, để bình ổn thị trường đã có nhiều văn bản tham mưu cho nhà nước, với giải pháp quyết liệt đảm bảo nguồn cung hàng hóa, yêu cầu các đơn vị theo dõi sát báo cáo giá cả hằng ngày. Đồng thời đề nghị tuyên truyền về việc các doanh nghiệp giảm giá thịt heo, thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong việc sử dụng.

Đẩy mạnh giao thương trực tuyến hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Trả lời phóng viên về việc liên quan đến tiêu thụ vải sắp tới trong bối cảnh dịch bệnh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết vấn đề này đã được Bộ Công Thương quán triệt và nhìn nhận cụ thể, giao cho Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) làm việc trực tiếp với các địa phương, đặc biệt hỗ trợ việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản. “Cục XTTM đã làm việc trực tiếp với Sở Công Thương Bắc Giang và thống nhất giữa Bộ Công Thương và tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều năm 2020, dự kiến vào đầu tháng 6 được tổ chức trực tuyến, đầu cầu trực tuyến tại Bắc Giang kết nối 62 tỉnh thành, và kết nối trực tiếp với 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc). Đây là 2 tỉnh tiêu thụ chính sản phẩm vải của Việt Nam tại Trung Quốc”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

Điều này thể hiện Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp, chủ động hỗ trợ tiêu thụ quả vải. Không chỉ quả vải, tháng 7 dự kiến bàn với Sơn La tiêu thụ quả nhãn, hình thức tương tự như tổ chức với tỉnh Bắc Giang. “Trong bối cảnh như vậy, không phải có quả vải ra rồi mà không tiêu thụ được mà mới tiến hành gói hỗ trợ. Thực chất, Cục XTTM phải bàn trước với tỉnh, cơ quan liên quan để có hỗ trợ thiết thực và đúng thời điểm”- Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng thông tin thêm, vừa qua, Cục XTTM có đổi mới về XTTM, tổ chức nhiều giao thương trực tuyến với nhiều thị trường như Trung Quốc, châu Âu, châu Mỹ - La tinh, châu Á. Đây không phải chỉ cho thời kỳ Covid-19 mà là xu hướng bắt buộc, một là công nghiệp ứng dụng trong XTTM và thứ 2 là thương mại điện tử. Mặc dù điều này không thể thay thể bằng phương pháp truyền thống, tuy đây cũng là phương pháp để tận dụng và làm tốt hơn.

“Nếu không làm nhanh thì quả vải bỏ đi, trong khi thị trường Trung Quốc đang rất cần. Hàng trăm thương nhân của họ sẵn sàng đợi chờ các lô vải, chấp nhận thời gian cách ly để sau đó có thể mang quả vải về. Rõ ràng, khả năng xuất khẩu vải là hoàn toàn khả thi. Bộ Công Thương đang phối hợp không chỉ với thị trường Trung Quốc mà còn nhiều thị trường khác” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhìn nhận.

Cũng theo ông Hoàng Minh Chiến- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), trong bối cảnh dịch COVID-19, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục XTTM đã thực hiện nhiều hoạt động XTTM, hỗ trợ cho doanh nghiệp, địa phương. Do dịch bệnh, công tác XTTM giao thương theo hình thức truyền thống trực tiếp ra nước ngoài không thể thực hiện được. Vì vậy, Cục XTTM mạnh dạn đề xuất và được Bộ Công Thương chỉ đạo quyết liệt, thực hiện giao thương trực tuyến qua mạng internet.

Trong đó, đáng chú ý là hội nghị thứ 2 về giao thương trực tuyến hàng hóa, với chuyên đề nông sản giữa Việt Nam- Quảng Tây (Trung Quốc). Hội nghị này được trực tiếp ở 2 đầu cầu Quảng Tây và tại Cục XTTM (Hà Nội), trên 150 doanh nghiệp 2 nước tham gia hội nghị, 35 doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam từ 63 tỉnh, thành trên cả nước đã tiến hành 170 lượt giao dịch hơn 70 doanh nghiệp nhập khẩu Quảng Tây (Trung Quốc) trong 6 phiên giao thương chuyên đề của hàng Việt Nam. “Trên cơ sở đó, hội nghị thứ 3, Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam- Ấn Độ ngày 28/4, trong bối cảnh Covid hội nghị thu hút 150 doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ. Thông qua trực tuyến này, chúng ta đã truyền tải thông điệp tới doanh nghiệp bạn, giới thiệu hàng hóa của Việt Nam cũng như cơ hội hợp tác đầu tư cho doanh nghiệp 2 bên”- ông Hoàng Minh Chiến nêu cụ thể.

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề giảm lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020, ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó cục trưởng Cục Công nghiệp cũng cho biết, thời gian vừa qua, vấn đề giảm 50% thuế phí trước bạ cũng như thuế tiêu thụ nội địa được doanh nghiệp, người dân rất quan tâm. Từ thực tế đó, Bộ Công Thương đã đưa ra giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng. Trong thời gian ngắn hạn, từ nay đến hết năm 2020, Bộ Công Thương đề xuất giảm 50% phí trước bạ, lùi thời hạn đóng thuế tiêu thụ đặc biệt. "Không chỉ ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam bị ảnh hưởng, mà ngành công nghiệp ôtô của một số nước trong khu vực ASEAN, châu Á cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, các quốc gia khác còn có chính sách hỗ trợ mạnh tay hơn Việt Nam. Bên cạnh đó, thời gian áp dụng giảm thuế phí không dài, chỉ 6 tháng, nên khả năng vi phạm các cam kết quốc tế như cảnh báo của Bộ Tài chính là khó xảy ra. Đề xuất của Bộ Công Thương cũng đã được nhiều đơn vị liên quan khác đồng thuận"- ông Nguyễn Ngọc Thành nói.

Nhấn mạnh thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, quan điểm của Bộ Công Thương đã khẳng định rất rõ trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Ngành công nghiệp ôtô là một trong những ngành công nghiệp lớn của Việt Nam, mang lại lợi ích cho nền kinh tế và lợi ích cho người dân.

Trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tất cả các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô phải tạm dừng hoạt động, gặp khó khăn rất nhiều. Trong khi đó, ôtô trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với ôtô nhập khẩu giá rẻ khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ. Nếu không có giải pháp kịp thời, quyết liệt thì ngành công nghiệp ôtô trong nước sẽ còn khó khăn hơn./.

Tin, ảnh: Kim Dung

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/kinh-te/gia-thit-lon-tang-cao-do-thieu-nguon-cung-554911.html