Giá thịt lợn tăng vọt, Trung Quốc chạy đua nhân giống siêu lợn

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và khủng hoảng giá thịt lợn tại Trung Quốc đã châm ngòi một cuộc chạy đua nhằm tạo ra giống 'siêu lợn' chống dịch bệnh.

Theo Bloomberg, bên trong một trang trại khổng lồ có cấu trúc giống như pháo đài ở ngoại ô Bắc Kinh, hàng chục con lợn hồng và đen chen chúc nghỉ ngơi giữa tiết trời lạnh lẽo mùa đông. Đây là những con lợn được nhân giống thử nghiệm với loại gen giúp chúng chống chọi được với thời tiết giá buốt của miền bắc Trung Quốc.

Loại gen nhà nghiên cứu Jianguo Zhao đưa vào DNA của lợn tại trang trại này là một trong hàng chục cuộc thí nghiệm kỹ thuật di truyền đang được thực hiện tại Trung Quốc. Mục tiêu là chế tạo "siêu lợn" to lớn hơn, lớn nhanh hơn và cho thịt ngon hơn.

Với việc dịch tả lợn châu Phi hoành hành dữ dội tại Trung Quốc, khiến số lượng lợn nước này sụt giảm hơn 50%, nhu cầu nhân giống "siêu lợn" càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Quan trọng hơn, các nhà nghiên cứu nước này muốn bảo vệ an ninh lương thực và đảm bảo lợn có thể sống sót khi dịch bệnh bùng nổ.

 Một chú lợn được chỉnh sửa gen trong phòng thí nghiệm ở Quảng Châu. Ảnh: AP.

Một chú lợn được chỉnh sửa gen trong phòng thí nghiệm ở Quảng Châu. Ảnh: AP.

Đảm bảo lợn khỏe mạnh

“Câu hỏi đau đầu nhất là làm thế nào để lợn có thể khỏe mạnh hơn”, chuyên gia Jianguo Zhao - 45 tuổi, người lãnh đạo nhóm 20 nhà khoa học và kỹ thuật viên tại Viện Động vật học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh - khẳng định.

Theo Bloomberg, tham vọng của Trung Quốc vượt ra ngoài hoạt động chăn nuôi gia súc. Tại hàng chục phòng thí nghiệm khắp nước này, các nhà khoa học đang chạy đua với những chuyên gia Mỹ và châu Âu để phát triển các giống lương thực và thực phẩm vượt trội.

Trong khi đó, một số nhà khoa học khác đang liên tục tìm cách vượt qua ranh giới của khoa học y tế bất chấp những lời chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Họ can thiệp vào cấu trúc gen người nhằm tìm giải pháp xử lý các căn bệnh nguy hiểm như nhiễm trùng máu hay HIV.

Đây thực sự làmột cuộc chạy đua vũ trang trong lĩnh vực sinh học giữa các cường quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, dân số Trung Quốc ngày một già đi, nguồn tài nguyên để nuôi sống 1,4 tỷ dân bắt đầu cạn kiệt.

Giá thịt lợn tăng chóng mặt trong những tháng qua buộc Quốc vụ viện Trung Quốc kêu gọi tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ để thúc đẩy sản xuất thịt.

Hàng triệu con lợn bị chết và tiêu hủy ở Trung Quốc vì dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Bloomberg.

Theo báo cáo của Bloomberg, chi cho nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc năm 2017 lên đến 445 tỷ USD, chỉ thua Mỹ và nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Trung Quốc từng bước thâu tóm nhiều công ty sinh học và dược phẩm nước ngoài. Quy mô các thương vụ sáp nhập từ đầu năm 2014 đến nay đạt 25,4 tỷ USD.

Hiện, các nhóm nghiên cứu ở Mỹ và Châu Âu có lợi thế lớn so với Trung Quốc, ví dụ như sở hữu công nghệ chống các căn bệnh nguy hiểm ở lợn. Để khắc phục tình trạng này, Trung Quốc đã cử các nhà khoa học hàng đầu như chuyên gia Zhao ra nước ngoài để học hỏi từ những người giỏi nhất và đem kiến thức phương Tây về áp dụng tại nước này ở quy mô công nghiệp.

Hiện tại, trang trại lợn biến đổi gen của chuyên gia Zhao có quy mô đạt 4.000 con lợn. Cơ sở này được bảo vệ nghiêm ngặt với 3 trạm kiểm soát an ninh.

Nước Mỹ lo ngại

"Trung Quốc hiện là cường quốc nghiên cứu. Họ đổ rất nhiều tiền và nguồn lực vào khoa học đến nỗi khó nước nào cạnh tranh được. Chúng tôi phải đầu tư một cách thông minh", nhà khoa học Simon Lillico, 47 tuổi, thuộc Viện Roslin (Đại học Edinburgh), nơi chú cừu Dolly được nhân bản thành công năm 1996 - cho biết.

Thị trường dược phẩm sinh học và công nghệ sinh học nông nghiệp chỉ bằng một phần nhỏ so với ngành công nghiệp có quy mô 228 tỷ USD của Mỹ. Tuy nhiên, việc Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực này đang gây nhiều lo ngại tại Washington.

Hồi tháng 7, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung cam kết sẽ điều tra nguy cơ Mỹ ngày càng phụ thuộc vào công nghệ và dược sinh học của Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu sinh học phân tử Mark Kazmierczak thuộc hãng tư vấn Gryphon Science cho biết Mỹ có khả năng bị phụ thuộc vào Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng như dược và công nghệ chăm sóc sức khỏe. Việc Trung Quốc dễ dàng tiếp cận thông tin cá nhân của công dân Mỹ như dữ liệu DNA cũng dẫn tới những quan ngại về quyền riêng tư.

Trung Quốc chi nhiều tiền cho nghiên cứu và phát triển chỉ sau Mỹ. Ảnh: OECD.

Bloomberg nhận định chuyên gia Zhao là biểu tượng cho quyết tâm chạy đua trong lĩnh vực nghiên cứu gen của Trung Quốc. Ông lấy bằng tiến sĩ di truyền động vật và chăn nuôi từ một trường đại học nông nghiệp ở Cáp Nhĩ Tân năm 2003. Ông đã làm việc vài năm tại Viện Di truyền Y tế ở Thượng Hải.

Ông Zhao sau đó học tại Đại học New Orleans và Đại học Missouri. Tại Đại học Missouri, ông Zhao được nhà nghiên cứu nổi tiếng Randall Prather đào tạo. Ông Zhao trở lại Trung Quốc năm 2010.

Năm 2016, chuyên gia Zhao cho thấy có thể sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen Crispr để loại bỏ 3 gene lợn trong một bước, qua đó đẩy nhanh sự phát triển của động vật. Đây có thể là mô hình nghiên cứu các bệnh ở người sau này.

Gây nhiều tranh cãi

Sau đó, Zhao và các đồng nghiệp sử dụng Crispr để đưa gene UCP1 vào cơ thể lợn, giúp chúng chống chọi với thời tiết giá lạnh nhờ hình thành mỡ nâu sinh nhiệt. Những con lợn được chỉnh sửa gen cũng ít mỡ trắng hơn 5%, khiến thịt của chúng nạc hơn.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Trung Quốc còn sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene để tạo ra giống lúa mì kháng nấm mốc, chó cảnh sát to khỏe hơn và cừu cho nhiều lông hơn. Thậm chí một nhà khoa học Trung Quốc sử dụng kỹ thuật này để biến đổi gen của hai em bé sinh đôi với mục tiêu khiến cơ thể các bé chống HIV. Nghiên cứu này gây lên làn sóng tranh cãi và phản đối dữ dội trên toàn cầu.

Theo tạp chí khoa học Science, Trung Quốc áp dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen với quy mô rất rộng, vượt xa các nước khác. Mỗi năm các nhà khoa học nước này xuất bản nghiên cứu nông nghiệp liên quan đến Cripr với số lượng gấp đôi Mỹ.

Các nhà khoa học Trung Quốc liên tục thực hiện những thí nghiệm chỉnh sửa gen "đầu tiên trên thế giới". Riêng về lợn, Sicence cho hay các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã thực hiện thành công 40 ca biến đổi gen khác nhau nhờ công nghệ Crispr. Và nhà khoa học Zhao là người đi đầu trong lĩnh vực này.

Lợn biến đổi gen ở Roslin. Ảnh: Bloomberg.

BGI có trụ sở tại Thâm Quyến là tập đoàn nghiên cứu về di truyền thương mại lớn nhất thế giới hiện nay. Tất nhiên, những nghiên cứu ứng dụng Crispr vẫn đối mặt với hàng rào pháp lý. Dù vậy, nhà sinh học phân tử Kazmierczak khẳng định công nghệ này mang lại những lợi thế kinh tế rõ rệt.

Cách xa Bắc Kinh hơn 8.000 km, các nhà khoa học thuộc Viện Roslin Scotland, các nhà khoa học đã có 2 thập kỷ trong lĩnh vực nghiên cứu biến đổi gen. Chuyên gia Lillico và các đồng nghiệp hồi năm 2016 cho biết lợn có khả năng chống lại dịch tả lợn châu Phi. Họ điều chỉnh gene RELA ở những con lợn được nuôi trong trang trại.

Không hề có thuốc hay vaccine chống lại dịch bênh đã giết chết hàng trăm triệu con lợn từ châu Âu sang châu Á. Do đó, việc nghiên cứu tạo ra những con lợn có thể ngăn chặn căn bệnh một cách tự nhiên sẽ là "giải pháp cuối cùng".

Phải tự tạo lợn biến đổi gen

Dịch bệnh tai xanh cũng từng giết chết tới 400.000 con lợn ở Trung Quốc vào năm 2006 và ảnh hưởng đến hàng triệu con khác. Virus này tấn công một protein trên bề mặt tế bào bạch cầu, có tên CD163. Năm 2015, chuyên gia Prather và các đồng nghiệp chỉnh sửa gen tạo ra protein CD163, qua đó nhân giống được lợn chống virus tai xanh. Và khả năng kháng virus có thể di truyền.

Do đó, kỹ thuật chỉnh sửa gen là công cụ có thể làm thay đổi hoàn toàn thị ngành công nghiệp thịt lợn toàn cầu. Thị trường thịt lợn Trung Quốc có quy mô lên đến 118 tỷ USD/năm, chiếm 50% nhu cầu toàn cầu. Hiện chính quyền các nước vẫn cấm buôn bán gia súc được chỉnh sửa gen.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định các hàng rào pháp lý sẽ được dỡ bỏ. Và các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang chạy đua để thu hẹp khoảng cách về công nghệ với phương Tây.

Tại Đại học Cát Lâm, năm 2018 các nhà khoa học Trung Quốc nhân giống thành công lợn biến đổi gen chống các virus sốt lợn thể cũ. Trong khi đó, Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc tại Bắc Kinh bắt đầu thử nghiệm phát triển vaccine chống dịch tả lợn châu Phi.

Lợn nặng 500 kg được nhân giống tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Chuyên gia Zhao cho biết ông và các nhà khoa học khác đang vận động chính phủ Trung Quốc xem xét thay đổi chính sách về động vật biến đổi gen. Ông cho rằng các quy định hiện tại khá cứng nhắc và vẫn cần vài năm nữa để thịt lợn biến đổi gen được bán ra thịt trường.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt thịt lợn nghiêm trọng. Thị trường nước này thiếu tới 10 triệu tấn thịt lợn. Giá thịt lợn và các lại thịt khác leo thang chóng mặt. Người tiêu dùng Trung Quốc không thể chờ vài năm nữa.

Nhà khoa học Christine Tait-Burkard tại Roslin cho rằng vẫn có những con lợn biến đổi gen tự nhiên và có khả năng kháng virus. Nhưng sẽ rất khó để tìm ra chúng. "Hoặc là bạn tìm ra lợn biến đổi gen, hoặc bạn phải tự tạo ra chúng", bà nhấn mạnh.

An Chi

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/gia-thit-lon-tang-vot-trung-quoc-chay-dua-nhan-giong-sieu-lon-post1021048.html