Giá thu gom rác tăng gần 3 lần

Các chuyên gia đánh giá việc giảm bớt bao cấp từ ngân sách TP.HCM trong việc thu gom, xử lý rác thải là đúng, nhưng cần có phân loại hợp lý để phù hợp từng đối tượng người dân.

Cần chấn chỉnh việc thu gom rác tại các hộ dân - Ảnh: Ngọc Dương

Không nên cào bằng đối tượng

Cần có kế hoạch cụ thể, xây dựng chế tài, hệ thống hạ tầng camera giám sát một cách bài bản, dần dần hình thành thói quen, đưa việc thu gom rác thải của TP đi vào nề nếp.

PGS-TS Phùng Chí Sỹ

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt. Cách tính được Sở TN-MT dựa trên cơ sở mức phát thải bình quân đầu người (quy chuẩn VN năm 2010 của Bộ Xây dựng ban hành) là 0,8 kg/người/ngày để tính lượng rác thải bình quân mỗi hộ (5 người) là 120 kg/tháng.

Theo đó, dự kiến trong giai đoạn 2018 - 2019, tiền thu gom và vận chuyển rác tối đa mỗi hộ dân phải trả là 48.480 đồng/tháng, tăng gần gấp ba so với mức 15.000 - 20.000 đồng/hộ/tháng hiện nay. Đại diện Sở TN-MT cho biết mức giá thu gom rác cũ đã được áp dụng nhiều năm, không còn phù hợp với thực tiễn. Việc xây dựng đơn giá mới nhằm tính đúng, tính đủ chi phí từ thu gom đến vận chuyển và xử lý, tăng nguồn thu, cũng là để giảm nguồn vốn bao cấp từ ngân sách.

TS Nguyễn Trung Việt, chuyên gia độc lập về chất thải rắn, thông tin mỗi năm, chỉ riêng tiền thu gom, vận chuyển rác đã “ngốn” của ngân sách khoảng 1.000 tỉ đồng, chi phí cho xử lý cũng tương đương. Nếu bổ bình quân trên đầu người, khoản phí mới mà mỗi hộ dân phải trả không đáng bao nhiêu so với chi phí thực. Tuy nhiên thu đúng, thu đủ thì không thể cào bằng tất cả các đối tượng. Đối với người dân lao động bình thường, tuy thu vẫn chưa đủ bù chi, nhưng mức phí như vậy là chấp nhận được. Còn đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh như nhà hàng, khách sạn lượng rác thải rất lớn, số tiền bỏ ra cho việc thu gom xử lý rác không đáng bao nhiêu, nếu áp giá thu ngang với hộ dân lao động thì chưa hợp lý.

“Cần điều tra cụ thể số lượng các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất trên địa bàn TP, áp dụng mức thu phí cao hơn, vừa để công bằng, vừa góp phần hạn chế số lượng rác thải của TP. Các nhà hàng, khách sạn… sẽ phải cân nhắc siết lại lượng rác, tăng cường phân loại, tái sử dụng rác thải”, ông Việt nói.

Đồng tình, GS-TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường - Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng việc tăng giá là đúng, nhưng cần tăng hợp lý. Phải có lộ trình và cân đối với thu nhập của người dân. Nên phân loại theo từng vùng, từng đối tượng thu nhập từ thấp đến cao để áp dụng mức tăng cho phù hợp. “Mức giá tối đa trên đối với những hộ thu nhập trung bình trở lên không là gì nhưng với hộ nghèo thì khó chịu nổi. Trong khi mọi giá cả sinh hoạt, xăng xe, vật giá đều tăng, đây sẽ là gánh nặng khá lớn”, ông Bá lưu ý.

Cần quy định khung giờ thu gom rác

Cần điều tra cụ thể số lượng các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố, áp dụng mức thu phí cao hơn, vừa để công bằng, vừa góp phần hạn chế số lượng rác thải của thành phố. Các nhà hàng, khách sạn… sẽ phải cân nhắc siết lại lượng rác, tăng cường phân loại, tái sử dụng rác thải

TS Nguyễn Trung Việt Chuyên gia độc lập về chất thải rắn

Thực tế hiện nay, việc thu gom rác tại TP.HCM có rất nhiều bất cập nên người dân có thói quen để rác tràn lan ra đường. Thậm chí, miệng các hố thu nước nghiễm nhiên trở thành các bãi tập kết rác. Mưa xuống, rác thải, túi ni lông cứ thế theo dòng trôi thẳng vào các cống thoát nước, là một trong những nguyên nhân chính khiến đường sá ngập lụt nặng nề. Chưa kể những người thu gom ve chai có thói quen lục trong các túi rác, rồi vật nuôi bới tung thêm, ảnh hưởng rất nhiều đến mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường.

GS-TSKH Lê Huy Bá nhấn mạnh tăng giá dịch vụ phải song song với việc tăng chất lượng quản lý, tổ chức trong việc thu gom, vận chuyển rác thải. Hiện nay có đến hơn 60% rác được thu gom do dân lập. Những dây gom rác này chủ yếu thu gom, vận chuyển tùy tiện bằng nhiều loại phương tiện, có khi treo lủng lẳng hoặc kéo lê túi rác sau xe, vừa gây mùi hôi, vừa ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Cần quản lý đồng bộ các dây gom rác dân lập và nhà nước.

“Thời đại 4.0, khâu quản lý, tổ chức khoa học, bài bản cũng cần có sự tham gia của công nghệ. Phải kết hợp hiện đại hóa, tự động hóa trong tất cả các khâu từ thu gom, vận chuyển đến xử lý rác thải. Làm sao để người dân thấy họ đóng tiền cao hơn nhưng bù lại nhận được chất lượng cuộc sống tốt hơn”, ông Bá nói.

PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, hiến kế để tổ chức khâu thu gom rác, cần có sự phối hợp tốt giữa cơ quan quản lý, đơn vị thu gom và người dân. Có quy định rõ ràng, phân chia theo từng vùng. Khu vực này sẽ thực hiện thu gom rác vào ngày này, trong khung giờ từ bao nhiêu đến bao nhiêu. Người dân bỏ rác sớm hơn hay muộn hơn, ngoài khung giờ quy định sẽ phải đóng phạt. Ngược lại, đơn vị thu gom không đến đúng giờ cũng sẽ phải có chế tài xử phạt.

Hà Mai

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/gia-thu-gom-rac-tang-gan-3-lan-1017373.html