Giá thực phẩm Tết 2020 có thể tăng ít nhất 10%-15% so với năm ngoái

Đó là dự đoán của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Tết 2020. Theo một số doanh nghiệp giết mổ, kinh doanh thịt heo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, thị trường đang rất căng thẳng bởi giá heo hơi nguyên liệu liên tục tăng và chưa có điểm dừng.

Thị trường đang rất căng thẳng bởi giá heo hơi nguyên liệu liên tục tăng và chưa có điểm dừng.

Thông tin trên báo Người lao động, chiều 11/11, Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã tăng giá bán heo hơi ra thị trường thêm 1.000 đồng/kg, lên mức 65.000 đồng/kg nhưng vẫn tiếp tục xuất hàng nhỏ giọt, thậm chí không có. Từ giá tham chiếu này, các trang trại nhỏ đã đẩy giá bán heo tại chỗ lên mức 68.000 -70.000 đồng/kg.

Dù đẩy giá lên cao nhưng lượng heo các trang trại cung ứng ra thị trường trong nước lại giảm mạnh. Lượng heo giết mổ, đưa ra thị trường của một số doanh nghiệp cũng giảm khoảng 20% so với thời điểm chưa xảy ra sốt giá heo hơi.

Nguồn cung có nguy cơ thiếu hụt nên giá thịt heo từ nay đến Tết sẽ còn tăng.

"Giá thu mua heo nguyên liệu gần như tăng mỗi ngày nhưng công ty không thể điều chỉnh giá bán lẻ tăng tương ứng nên càng giết mổ nhiều càng lỗ lớn. Với mức giá mua - bán như hiện tại, lợi nhuận của chúng tôi đã về dưới 0% từ mấy ngày nay" - đại diện một doanh nghiệp giết mổ thịt heo quy mô lớn tại TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, dự báo nguồn cung có nguy cơ thiếu hụt nên giá thịt heo từ nay đến Tết sẽ còn tăng.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá heo hiện cao ngất ngưởng, chưa từng thấy trong lịch sử ngành chăn nuôi - cách nay khoảng 3 năm, giá heo lên cao nhất là 63.000 đồng/kg. Dù vậy, giá heo trong nước hiện chỉ bằng 1/2 giá bên Trung Quốc nên thương lái thu gom heo vận chuyển ra Bắc bán để hưởng chênh lệch.

Trong khi đó, giới thương lái cho biết khi giá heo trong nước tăng, nguồn heo từ Campuchia, kể cả Thái Lan, đã được vận chuyển bằng đường bộ vào Việt Nam theo dạng tiểu ngạch dọc biên giới tại khu vực Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, mỗi ngày khoảng 700-1.100 con. Hiện giá heo tại Thái Lan chỉ khoảng 40.000 đồng/kg, còn ở Campuchia khoảng 50.000 đồng/kg.

Trước sức ép tăng giá liên tục trên thị trường, sáng 12/11, tổ điều hành giá Chương trình Bình ổn thị trường TP. Hồ Chí Minh đã làm việc với các doanh nghiệp tham gia bình ổn mặt hàng thịt heo trên địa bàn. Hai bên thống nhất điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng thịt heo trong chương trình bình ổn của các doanh nghiệp gồm: hệ thống siêu thị Big C, Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), Công ty Chế biến và Thực phẩm Sài Gòn, Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam lên 7,3%-26,5%, tương ứng với mức tăng 8.000-35.000 đồng/kg, tùy loại (áp dụng từ ngày 13-11). Dù mức điều chỉnh khá cao nhưng theo các doanh nghiệp, đợt điều chỉnh này chỉ giúp họ giảm lỗ chứ chưa thể có lãi.

Như vậy, đây là lần điều chỉnh giá thịt heo bình ổn trong vòng chưa đầy 1 tháng. Trước đó, ngày 26/10, giá bán thịt heo bình ổn thị trường tại TP. Hồ Chí Minh đã được điều chỉnh tăng 5,9%-14,3%, tương ứng với mức tăng 6.000-13.000 đồng/kg, tùy loại.

Giá heo tăng quá cao nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm thay thế như thịt bò, gà, vịt, thủy sản... có xu hướng tăng lên lại kéo giá các mặt hàng này tăng theo. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, cho biết mấy tháng trước, giá gà công nghiệp dao động 14.000-18.000 đồng, nay đã tăng lên 24.000 đồng. Các loại gà màu, gà tam hoàng, vịt cũng tăng nhẹ và đang dần ổn định trong khoảng 30.000-40.000 đồng/kg. Dù giá tăng nhưng theo ông Ngọc, nguồn cung gà hiện nay rất dồi dào, không lo thiếu trong dịp cuối năm.

Giá bò hơi hiện cũng đã lên 75.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với tháng trước, khi thương lái chuyển sang tìm mua bò vì nguồn cung heo khan hiếm. Ông Nguyễn Khắc Quang, chủ trại chăn nuôi bò thịt tại tỉnh Bình Thuận, dự đoán giá bò sắp tới sẽ còn tăng và có thể đạt 90.000 đồng/kg vào thời điểm Tết.

Để đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Canh Tý.

TTXVN đưa tin, để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân 2020 phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, đồng thời đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa Lễ hội Xuân 2020 từ 15/12/2019 đến hết 25/3/2020.

Đây cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có đầu...

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuẩt, kinh doanh, nhập khẩu của mình. Bên cạnh đó, thời gian này thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thưởng nắng nóng gay gắt. Đây là những yểu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.

Xt (tổng hợp)

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/gia-thuc-pham-tet-2020-co-the-tang-it-nhat-10-15-so-voi-nam-ngoai-20191113125911971.htm