Giả thuyết mới về bên đứng sau vụ phá hoại đường ống Nord Stream

Các nhà điều tra Đức tin rằng cuộc tấn công vào các đường ống được thực hiện bởi một nhóm sáu người.

Các quan chức tình báo châu Âu và Mỹ đã có được thông tin tình báo sơ bộ cho thấy một nhóm phá hoại thân Ukraine có thể đứng đằng sau vụ đánh bom đường ống dẫn khí đốt Nord Stream vào năm ngoái, theo New York Times và tờ báo Die Zeit của Đức.

Các nhà điều tra Đức tin rằng cuộc tấn công vào các đường ống được thực hiện bởi một nhóm sáu người, sử dụng một chiếc du thuyền được thuê bởi một công ty đăng ký ở Ba Lan và thuộc sở hữu của hai công dân Ukraine, theo Die Zeit.

Một bức ảnh do máy bay của lực lượng bảo vệ bờ biển Thụy Điển chụp cảnh khí gas nổi lên từ chỗ rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1. Ảnh: AFP

Sáu người đã tham gia vận chuyển chất nổ đến địa điểm này, bao gồm thuyền trưởng du thuyền, hai thợ lặn, hai trợ lý lặn và một bác sĩ. Die Zeit cho biết tất cả sáu người đều đã sử dụng hộ chiếu giả một cách chuyên nghiệp, với danh tính thực sự chưa rõ ràng.

Du thuyền khởi hành từ thành phố cảng Rostock của Đức vào ngày 6/9. Theo Die Zeit, thiết bị cho hoạt động bí mật trước đó đã được vận chuyển đến cảng bằng một chiếc xe tải chở hàng. Sau khi quay trở lại, các nhà điều tra đã tìm thấy dấu vết của chất nổ trên một trong những chiếc bàn bên trong chiếc tàu được thuê.

Thông tin đã được chia sẻ giữa các cơ quan tình báo châu Âu trong nỗ lực điều tra rõ hơn về những kẻ thực hiện vụ đánh bom dưới biển vào tháng 9/2022. Thông tin chi tiết vẫn còn sơ sài và hiện chưa rõ phía tình báo Washington tin tưởng vào giả thuyết này như thế nào.

Nga cho biết họ muốn thành lập một cuộc điều tra quốc tế độc lập để phản hồi về báo cáo.

Một trợ lý cấp cao của tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, nói với Guardian rằng chính phủ ở Kiev "không hề liên quan đến vụ tấn công" - mà theo ông không có tác động quân sự nào đối với lực lượng Nga.

Vụ tấn công vào đường ống Nordstream diễn ra tại vùng biển quốc tế ở biển Baltic, gần đảo Bornholm của Đan Mạch, với một lượng lớn khí gas bốc lên từ đáy biển.

Giả thuyết phổ biến vào thời điểm xảy ra vụ tấn công cho rằng vụ đánh bom là do Moscow thực hiện làm và đổ lỗi cho phương Tây, tuy nhiên có nghi ngờ về việc liệu Moscow có muốn phá hủy cơ sở hạ tầng được xây dựng tốn kém của chính mình, ngay cả khi dòng khí đốt đã bị phá hủy đã được chặn lại vào thời điểm tấn công.

Nga đã nhiều lần phủ nhận việc thực hiện vụ đánh bom. Một tháng trước, nhà báo điều tra Mỹ Seymour Hersh đã viết một bài báo khẳng định Washington đứng sau vụ việc – một cáo buộc bị Mỹ bác bỏ.

Suy đoán về sự tham gia của Mỹ đã từng xuất hiện trong thời gian dài, do ngay trước khi ông Putin triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, ông Joe Biden đã tuyên bố “sẽ không còn Nord Stream 2” nếu chiến tranh nổ ra.

Chính phủ Đức cho biết cuộc điều tra vẫn chưa đưa ra kết luận. Một phát ngôn viên của chính phủ Đức cho biết Thụy Điển, Đan Mạch và Đức đã thông báo cho hội đồng an ninh vài ngày trước rằng các cuộc điều tra và vẫn chưa có kết quả.

Liên Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-thuyet-moi-ve-ben-dung-sau-vu-pha-hoai-duong-ong-nord-stream.html