Gia tộc quyền lực Marcos và sự tái xuất trên chính trường Philippines

Ông Ferdinand Marcos Jr, con trai độc nhất của cựu tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 9/5. Kết quả này mở ra một kỷ nguyên mới cho gia tộc Marcos sau gần 4 thập kỷ kể từ khi cha của ông bị lật đổ.

Ông Ferdinand Marcos Jr trở thành tống thống tiếp theo của Philippines, đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của gia tộc Marcos. Ảnh: Getty Images

Ông Ferdinand Marcos Jr trở thành tống thống tiếp theo của Philippines, đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của gia tộc Marcos. Ảnh: Getty Images

Với hơn 90% số phiếu được kiểm trong ngày 10/5, ứng viên Ferdinand Marcos Jr đã giành được hơn 31 triệu phiếu bầu, cao hơn gấp đôi so với đối thủ gần nhất của ông là Phó tổng thống Philippines Leni Robredo. Như vậy ông sẽ trở thành tân tổng thống của Philippines trong nhiệm kỳ 6 năm tới.

Lịch sử chính trường đầy tai tiếng

Ông Ferdinand Marcos Jr, thường được gọi là “Bongbong”, sinh ngày 13/9/1957. Cha ông là cựu tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, người nắm quyền trong 20 năm tại quốc đảo này (1965-1986). Mẹ ông là cựu hoa hậu Philippines Imelda Marcos, sau trở thành một đệ nhất phu nhân và chính trị gia nhiều ảnh hưởng ở Philippines.

Ông Bongbong Marcos khi còn là cậu bé (đứng giữa) trong bức ảnh chụp cùng bố mẹ là cựu tổng thống Philippines Ferdinand Marcos và cựu đệ nhất phu nhân Imelda Marcos. Ảnh: NYP

Cậu bé Marcos Jr đang thơm má bố. Ông có chị gái Imee Marcos và em gái Irene Marcos. Ảnh: Shutterstock

Bà Imelda Marcos cùng con trai Marcos Jr tại khách sạn Claridge's, London, Anh, 1970. Ảnh: NYP

Cựu Tổng thống Ferdinand Marcos chụp cùng con trai độc nhất, Ferdinand Marcos Jr, ngày 18/2/1972. Manila, Philippines. Ảnh: AP

Ảnh chụp ông Ferdinand Marcos Jr năm 1975 tại Anh. Đây cũng là quốc gia ông đã theo học nhiều năm từ thời học sinh lên đại học. Ảnh: Daily Mail

Tuy nhiên, trong thời gian đương nhiệm của cựu tổng thống Ferdinand Marcos trước đây, gia đình ông được biết đến với lối sống vương giả. Cựu đệ nhất phu nhân Imelda, cựu hoa hậu Philippines, nổi tiếng với việc sở hữu bộ sưu tập 3.000 đôi giày xa xỉ. Bảo tàng giày Marikina, thủ đô Manila, vẫn đang cất giữ và trưng bày hơn 700 đôi giày sang trọng của bà Imelda.

Bộ sưu tập các đôi giày xa xỉ của cựu Đệ nhất phu nhân Philippines Imelda Marcos. Ảnh: Daily Mail

Một số đôi giày của bà Imelda Marcos. Ảnh: AP

Trong khi đó, cựu tổng thống Ferdinand Marcos trong thời gian cầm quyền phải đối mặt với các cáo buộc lạm quyền. Năm 1972, ông ban hành thiết quân luật trên toàn lãnh thổ Philippines, dẫn tới làn sóng biểu tình trong dân chúng và châm ngòi cho cuộc “Cách mạng Vàng” lật đổ chính quyền Marcos năm 1986. Tại thời điểm chính quyền của cha bị lật đổ, ông Bonbong mới 29 tuổi đã cùng gia đình lưu vong sang Hawaii (Mỹ) sinh sống.

Ngoài ra, gia đình Marcos còn đối mặt với các cáo buộc biển thủ số tiền lên đến 10 tỷ USD trong thời gian ông Ferdinand Marcos tại vị. Một cơ quan từng được thành lập để thu hồi tài sản thời ông Marcos, phần lớn thông qua tòa án nhưng đến nay chỉ thu hồi khoảng 3,41 tỷ USD trong 33 năm. Các chính phủ Philippines trước đây từng yêu cầu gia đình Marcos nộp khoản thuế bất động sản với trị giá ít nhất 3,9 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Marcos Jr luôn bác bỏ thông tin về khoản thuế này.

Thắp lại ánh sáng danh vọng

Theo AFP, sau khi cựu tổng thống Ferdinand Marcos qua đời vào năm 1989, gia tộc Marcos đã quay về Philippines sinh sống từ năm 1991 và từng bước lấy lại ánh sáng danh vọng và vị thế chính trị. Các con cháu của gia tộc này đều trở thành những chính trị gia giàu có ở tỉnh Ilocos Norte, vốn được xem là “thành trì” của nhà Marcos.

Ông Marcos Jr cùng mẹ (bên trái) và em gái Irene (bên phải) năm 2005. Ảnh: Shutterstock

Từ việc được bầu làm đại diện khu vực số 2 của tỉnh Ilocos Norte, ông Marcos Jr tiếp đà nắm giữ vai trò thống đốc tỉnh năm 1998 và các chức vụ khác trước khi trở thành thượng nghị sĩ vào năm 2010. Năm 2015, ông Marcos Jr chạy đua chức phó tổng thống nhưng thất bại trước đối thủ Leni Robredo, khi chênh lệch sít sao 0,64% phiếu bầu. Việc chiến thắng trong cuộc đua tổng thống lần này với chính đối thủ cũ đã giúp ông trả món nợ thua cuộc năm trước.

Ông Marcos Jr cùng người vợ Louise (bên trái) và chị gái Imee (bên phải), 2018. Ảnh: Reuters

Năm 2021, ông Marcos Jr tuyên bố tiếp tục tranh cử tổng thống Philippines, thông qua cam kết hàn gắn đất nước, tập trung vào kinh tế và các chương trình cơ sở hạ tầng của người tiền nhiệm. Ông cũng theo đuổi di sản của người cha quá cố bằng khẩu hiệu "trỗi dậy một lần nữa".

Một trong những nguyên nhân giúp ông có nhiều lợi thế để chiến thắng trong cuộc đua lần này là việc liên danh tranh cử với bà Sara Duterte Carpio, con gái của Tổng thống Philippines sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte.

Ông Ferdinand Marcos Jr phát biểu trong chiến dịch tranh cử hồi tháng 3/2022 tại thành phố Lipa, tỉnh Batangas, Philippines. Ảnh: Reuters

Ông Ferdinand Marcos Jr nhận được hơn 31 triệu phiếu ủng hộ của cử tri Philippines. Ảnh: AFP

Với chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 9/5, các nhà phân tích nhận định ánh sáng quyền lực của gia tộc Marcos sẽ không chỉ dừng lại ở ông Marcos Jr. Hiện tại, nhiều thành viên của dòng họ này vẫn đang nắm giữ các vị trí hàng đầu của Philippines. Trong đó, ông Marcos Jr, ông Michael Marcos Keon (anh họ), bà Imee (chị gái) và ông Matthew Manotoc (cháu trai) lần lượt nắm giữ vị trí thống đốc tỉnh Ilocos Norte qua các nhiệm kỳ từ năm 1998 đến nay.

Con trai cả của ông Marcos Jr là Ferdinand Alexander III "Sandro", sinh năm 1994, đang tranh cử để trở thành 1 trong 2 thành viên quốc hội của tỉnh Ilocos Norte. Chị gái ông là bà Imee Marcos, thượng nghị sĩ Philippines, dự kiến sẽ tham gia điều hành chính phủ cùng ông Marcos Jr.

Tiến sĩ Ronald Mendoza, Hiệu trưởng Trường Chính phủ Ateneo nhận xét, sự nắm quyền lực của gia tộc Marcos ở tỉnh Ilocos Norte chính là ví dụ “điển hình” của các tỉnh trên khắp Philippines. Ông cũng tiết lộ, hiện có tới 80% thống đốc tỉnh thuộc các “triều đại lớn”, tức các gia tộc có từ 2 thành viên trở lên nắm quyền cùng lúc, so với mức chỉ 57% vào năm 2004. Trong khi đó, các gia tộc chính trị cũng nắm giữ tới 67% số ghế trong Hạ viện, so với tỷ lệ 48% năm 2004 và 53% chức vụ thị trưởng thuộc về thành viên các gia tộc, tăng từ mức 40%.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/gia-toc-quyen-luc-marcos-va-su-tai-xuat-tren-chinh-truong-philippines-post6201.html