Gia tộc Rajapaksa khiến Sri Lanka sa lầy

Nhà Rajapaksa gần như nắm mọi quyền hành tại Sri Lanka, cho đến khi đất nước chìm vào bất ổn và khủng hoảng kinh tế tồi tệ, dẫn đến những rạn nứt trong chính nội bộ gia tộc này.

Dilith Jayaweera - ông trùm truyền thông và là bạn thân Tổng thống Gotabaya Rajapaksa - nhớ lại khoảnh khắc ông nhận ra Sri Lanka chuẩn bị lún vào cuộc khủng hoảng tài chính.

Vào tháng 10/2021, ông đã mời em trai của tổng thống, Basil Rajapaksa, đồng thời là Bộ trưởng Tài chính, ăn tối. Ông Dilith đã hỏi một vài câu về tình hình nền kinh tế Sri Lanka.

“Basil không thể trả lời ngay cả những câu hỏi cơ bản”, ông Dilith kể lại. “Câu trả lời của ông ấy rất tệ, nói rằng chúng tôi sẽ tìm thấy tiền từ đây, từ kia, sẽ ổn thôi nếu chúng tôi trả được nợ. Ông ấy không hiểu gì nhiều về nền kinh tế này”.

Chưa đầy 6 tháng sau cuộc trò chuyện này, Sri Lanka trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1948. Gần như tất cả 22 triệu dân đều bị ảnh hưởng, khi ngân khố cạn kiệt khiến nước này không thể nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men.

Theo Liên Hợp Quốc, Sri Lanka đang phải đối mặt với "cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng". Nhiều người phải vật lộn để kiếm từng bữa ăn, điều trị ung thư hay phẫu thuật đều tạm dừng, trường học đóng cửa còn trạm xăng ngừng kinh doanh vì hết nguồn cung.

Mọi ánh mắt giờ đổ dồn về nhà Rajapaksa, gia tộc đã nắm quyền trong suốt hai thập niên. Các cuộc biểu tình lớn nhen nhóm từ hồi tháng 3. Mahinda Rajapaksa - anh trai tổng thống, đồng thời là cựu thủ tướng - cùng Basil Rajapaksa và một số thành viên khác nắm giữ các vị trí cấp cao đều lần lượt từ chức.

Guardian dẫn các nguồn tin nội bộ cho rằng khủng hoảng của Sri Lanka bắt nguồn từ chính gia tộc này. Họ ví gia tộc Rajapaksa giống như doanh nghiệp gia đình chuyên quyền, không ai dám đứng lên chịu trách nhiệm cho đến khi đẩy cơ nghiệp phá sản. Nội bộ gia đình lục đục, và mối quan hệ thân tình giữa hai anh em Gotabaya và Mahinda trở nên xấu đi khi cả hai đều bám trụ quyền lực.

Thực quyền nằm trong tay người em út

Nhiều người chỉ đích danh ông Basil là “chiến lược gia” của gia tộc này. Ông được mô tả là có ảnh hưởng vô song với tổng thống và nội các, nhưng lại không đủ năng lực điều hành nền kinh tế. Ông cũng bị cáo buộc tham nhũng và phớt lờ cảnh báo về khủng hoảng tài chính sắp xảy ra.

“Ông Basil có quyền lực thực sự”, Udaya Gammanpila - người từng là bộ trưởng nội các năm 2020-2022 - cho hay. “Ông Gotabaya không nhận ra mọi thứ tồi tệ thế nào, trong khi sức khỏe của ông Mahinda lại rất tệ. Mọi thứ đều do ông Basil kiểm soát”.

Vấn đề kinh tế của Sri Lanka bắt đầu từ lâu. Từ năm 1977, các đời chính phủ kế tiếp nhau xây dựng đất nước trên nền tảng nợ nần bấp bênh. “Một quả bom hẹn giờ tích lũy trong vài thập niên. Mọi thứ xây dựng bằng tiền đi vay, không phải kiếm được”, ông Gammanpila nói.

Từ năm 2005, khi ông Mahinda được bầu làm tổng thống và gia tộc này bắt đầu thống trị nền chính trị Sri Lanka. Họ bắt đầu vay mượn “điên cuồng”, đầu tiên là để trả cho nội chiến kéo dài ba thập niên kết thúc vào năm 2009, sau đó là nỗ lực xây đường sá, sân bay, sân vận động và lưới điện.

GDP tăng từ 20 tỷ USD lên 80 tỷ USD, nhưng nước này cũng vay hơn 14 tỷ USD. Gia tộc Rajapaksa bắt đầu sa lầy trong các cáo buộc tham nhũng quy mô lớn, từ hối lộ đến rửa tiền.

 Gia tộc Rajapaksa gần như nắm mọi vị trí lãnh đạo chủ chốt tại Sri Lanka. Đồ họa: Reuters.

Gia tộc Rajapaksa gần như nắm mọi vị trí lãnh đạo chủ chốt tại Sri Lanka. Đồ họa: Reuters.

Dù ông Mahinda thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2014, gia tộc này không có ý định từ bỏ quyền lực. Ông Basil lúc đó chuẩn bị thành lập đảng chính trị mới tên Sri Lanka Podujana Peramuna (SLPP).

Hiến pháp không cho phép ông Mahinda tranh cử nhiệm kỳ thứ ba, ông Gotabaya trở thành ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2019, mặc dù vấp phải phản đối từ một số người trong gia tộc. Tuy nhiên, vào năm 2018, ông Basil công khai ý định. “Nếu anh Gotabaya thắng, tôi sẽ là người điều hành đất nước, vì anh ấy mới tham gia chính trị”, ông nói.

Gotabaya là quân nhân thẳng tính và sùng đạo, đối lập với người anh trai Mahinda ăn nói lôi cuốn và hiểu biết về chính trị. Ông thu hút được nhóm trí thức có ảnh hưởng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và học giả. Những đối tượng này tin rằng ông có thể tạo ra con đường riêng từ chế độ Rajapaksa trước đây.

Tuy nhiên, kinh nghiệm của ông Gotabaya trong lĩnh vực chính trị còn hạn chế. Ông chỉ giữ chức bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền người anh trai Mahinda. Ngay sau khi nhậm chức, ông Gotabaya bắt đầu thúc đẩy chương trình nghị sự cực đoan quyết liệt, thúc đẩy sự thống trị của Phật tử Sinhala.

Nhưng về một số vấn đề chính trị quan trọng, đặc biệt là kinh tế, ông Gotabaya không có kinh nghiệm, và gia tộc Rajapaksa mới thực sự tiếp quản quyền lực. “Ông ấy chỉ làm theo yêu cầu của họ”, Nalaka Godahewa - Nghị sĩ SLPP, người ủng hộ Gotabaya - cho biết.

“Gotabaya không có kinh nghiệm chính trị và không biết gì về kinh tế. Ông ấy phụ thuộc hoàn toàn vào cố vấn kinh tế PB Jayasundara (một quan chức có quan hệ lâu năm với Basil)”, Charitha Herath - nghị sĩ SLPP - cho biết. "Vấn đề là lời khuyên của ông ấy rất tệ”.

Theo lời khuyên của ông Jayasundara, tổng thống đã thực hiện cắt giảm thuế mạnh tay vào năm 2019, bất chấp cảnh báo. Điều này khiến nguồn thu chính phủ giảm hơn 1.000 tỷ rupee trong 2 năm.

Khi Sri Lanka bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ông Jayasundara đến IMF để cơ cấu lại các khoản vay, bất chấp các khoản nợ đang tăng lên và cảnh báo của ngân hàng tiền tệ trung ương. Ông cũng bị cáo buộc cung cấp thông tin sai lệch cho tổng thống, vẽ ra một bức tranh màu hồng về tương lai của Sri Lanka.

Gia tộc Rajapaksa càng gia tăng quyền lực hơn nữa sau khi SLPP chiến thắng cuộc bầu cử quốc hội năm 2020. Ông Mahinda trở thành thủ tướng, trong khi con trai Namal Rajapaksa được đưa vào nội các cùng anh cả nhà Rajapaksa là Chamal.

Họ đã thúc đẩy sửa đổi hiến pháp nhằm tập trung nhiều quyền lực hơn vào tay tổng thống và cho phép công dân song tịch trở thành nghị sĩ. Không lâu sau, vào tháng 7/2021, Basil - có quốc tịch Mỹ - được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính. Nhiều người tin rằng ông đã điều hành nền kinh tế với ông Jayasundara từ trước đó rất lâu.

Người biểu tình chụp ảnh trong vườn dinh tổng thống hôm 11/7. Ảnh: Reuters.

Theo một số bộ trưởng, trên thực tế, ông Basil nhanh chóng trở thành người đứng đầu nội các. Ông quyết định giấy tờ nào được thông qua và có tiếng nói trong quyết định cuối cùng, trong khi ông Gotabaya và Mahinda chỉ làm theo.

“Tổng thống chấp nhận mọi đề xuất mà Basil đưa ra”, nghị sĩ Vasudeva Nanayakkara cho biết.

Ông Basil không chấp nhận bất đồng chính kiến trong nội các. Dưới sự giám sát của ông, nhiều người trong nội các và ủy ban giám sát tài chính nói họ bị cung cấp thông tin sai lệch về tình hình của đất nước.

“Tôi đã đệ trình 11 tài liệu cảnh báo về cuộc khủng hoảng sắp xảy ra”, ông Gammanpila nói. “Nhưng khi nào chúng tôi nêu vấn đề kinh tế, Basil cảm thấy chúng tôi đang can thiệp và xúc phạm ông ấy. Ông ấy liên tục nói mọi thứ sẽ ổn. Nhưng theo đánh giá của tôi, ông ấy thậm chí còn không có hiểu biết cơ bản về kinh tế học".

Trong khi đó, tình hình rối loạn ăn sâu trong ngân hàng trung ương Sri Lanka. Ông Basil và thống đốc ngân hàng, Ajith Nivard Cabraal không nói chuyện trong nhiều tháng và đổ lỗi cho nhau.

Ông Cabraal bắt đầu in tiền quá mức để cố gắng lấp đầy khoảng trống trong kho bạc, gây ra lạm phát phi mã. Vấn đề còn tồi tệ hơn khi Tổng thống Gotabaya đột ngột cấm tất cả phân bón hóa học vào tháng 4/2021, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực.

Vào đầu năm 2022, nền kinh tế Sri Lanka, đặc biệt là dự trữ ngoại tệ, đối mặt với thảm họa chưa từng có. Nước này nợ 51 tỷ USD các khoản vay nước ngoài, dự kiến trả lại gần 7 tỷ USD trong năm đó, nhưng không thể vay thêm.

Gia đình chia rẽ làm 2 phe

Vào đầu tháng 4, trước sự giận dữ của em trai Basil, Tổng thống Gotabaya đã yêu cầu tất cả thành viên Rajapaksa nắm giữ các vị trí trong chính phủ từ chức, ngoại trừ ông Mahinda. Tuy nhiên, cơn giận dữ của công chúng vẫn không được xoa dịu. Ông Gotabaya nhận ra đã đến lúc anh trai Mahinda phải rút lui.

Ông Mahinda đã đồng ý, nhưng sau đó vợ và hai con trai thuyết phục ông không cần làm vậy.

“Chuyện này diễn ra trong 2 tuần. Sự thất vọng và giận dữ ngày càng lớn giữa 2 anh em. Họ từng rất yêu thương nhau. Nhưng ông Gotabaya đã nói những lời rất cay đắng để anh trai chấp nhận từ chức”, nghị sĩ Nanayakkara nói.

Vài ngày sau khi ông Mahinda chấp nhận từ chức, hôm 9/5, một cuộc biểu tình ở dinh thự thủ tướng đã đẩy xung đột giữa 2 anh em lên đỉnh điểm.

Người sắp xếp là ông Basil. Con trai của Mahinda là Namal và các đồng minh trong nội các cùng hàng trăm người ủng hộ Mahinda đã bị kéo vào dinh thủ tướng với mục đích “chia tay” cựu thủ tướng. Tuy nhiên, mọi thứ vượt ra ngoài tầm kiểm soát và họ tuần hành về phía Galle Face, bắt đầu đánh đập bạo lực hàng trăm người biểu tình ở đó và đốt lều của họ.

Ông Gotabaya (phải) và anh trai Mahinda hồi năm 2019. Ảnh: AP.

Khi nhận được thông tin, ông Gotabaya rất tức giận. Tối hôm trước, ông chỉ thị cho cảnh sát trưởng chuẩn bị sẵn sàng chống bạo động.

“Tổng thống hét lên qua điện thoại, hỏi tại sao không ngăn những người này vào Galle Face”, ông Godahewa kể lại. “Ông ấy hét rằng ‘tôi là tổng thống và tôi yêu cầu ông làm gì đó để ngăn chặn những người này’”.

Theo các nguồn tin, cảnh sát trưởng không làm theo lời tổng thống bởi nhiều người khuyên đây là vấn đề nội bộ gia đình, nên tốt nhất không nên can thiệp và đứng về phía nào.

Vào thời điểm cảnh sát phản ứng, Sri Lanka đã chìm trong bạo loạn. Đám đông xông vào dinh thủ tướng, bao vây ông trong phòng ngủ. Nhà của hơn 70 nghị sĩ SLPP và đồng minh gia tộc Rajapaksa bị phóng hỏa, trong khi một nghị sĩ bị đám đông đánh tới chết.

“Tổng thống gần như cầu xin tướng lĩnh quân đội hành động. Ông ấy rất thất vọng khi quân đội chỉ đứng nhìn mà không làm gì”, ông Godahewa nói. Tuy nhiên, nhiều quân nhân nói họ không dám can thiệp bởi không muốn chịu trách nhiệm nếu có người thiệt mạng.

Gia tộc Rajapaksa giờ đã bị chia rẽ: Một bên là Gotabaya và anh cả Chamal, một bên là Basil, Mahinda và các con trai là Namal và Yoshita. Tổng thống Gotabaya đổ lỗi cho đồng minh ông Mahinda vì đã khuấy động bạo lực bằng "cuộc gặp gỡ ngu ngốc đó", trong khi ông Chamal công khai lên án Mahinda vì đã không từ chức sớm hơn.

Tổng thống Gotabaya thông báo sẽ từ chức vào cuối ngày 13/7 để “nhường chỗ cho một chính phủ đoàn kết”. Không quân Sri Lanka xác nhận ông cùng phu nhân đã rời khỏi đất nước để tới Maldives.

Trong khi đó, nguồn tin cho hay ông Mahinda và Basil vẫn ở Sri Lanka. Chuyến bay của tổng thống đã chấm dứt sự cai trị của gia tộc Rajapaksa hùng mạnh ở quốc gia Nam Á trong hai thập niên qua.

Tuy nhiên, một số người vẫn chưa tin tưởng Sri Lanka đã vĩnh viễn thoát khỏi ảnh hưởng của gia tộc Rajapaksa.

“Nhà Rajapaksa nổi tiếng với cuộc đua dài hơi. Không thể đoán chắc đó có phải dấu chấm hết của họ không. Nhưng hiện tại, họ không còn chỗ đứng ở đây”, ông Herath nói.

Người biểu tình tràn vào văn phòng quyền tổng thống Sri Lanka Đám đông biểu tình ở Sri Lanka đã đến chiếm văn phòng quyền Tổng thống Ranil Wickremesinghe, bất chấp sự ngăn cản bằng vòi rồng và hơi cay của cảnh sát.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-toc-tham-quyen-co-vi-khien-sri-lanka-sa-lay-post1335279.html