Giá trị của Cương lĩnh 2011 (Phần 2)

Cương lĩnh đã định hướng giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn và đã từng bước được hiện thực hóa, tạo ra những thành tựu có thể đo đếm được trong đời sống đất nước. Giá trị của Cương lĩnh 2011 (Phần 2)

III. GIÁ TRỊ THỰC TIỄN CỦA CƯƠNG LĨNH 2011

Những giá trị tư tưởng, lý luận của Cương lĩnh 2011 từ nhận thức, quyết tâm chính trị của các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên, nhân dân đã chuyển hóa thành hành động thực tiễn trong quá trình thực hiện các chương trình, kế hoạch hằng năm, 5 năm từ trung ương đến địa phương, cơ sở. Cương lĩnh đã định hướng giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn và đã từng bước được hiện thực hóa, tạo ra những thành tựu có thể đo đếm được trong đời sống đất nước.

Đối chiếu với 8 đặc trưng, 8 phương hướng cơ bản và những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được xác định trong Cương lĩnh, có thể thấy, sau gần 10 năm thực hiện, đất nước đã có những bước phát triển rõ nét, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Về kinh tế: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã định hình rõ nét và vận hành có hiệu quả với sự hình thành tương đối đồng bộ các loại thị trường, các yếu tố thị trường, sự đan xen các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh, trong đó kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể có những chuyển biến mới, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh. Trong thực tiễn xuất hiện những mô hình liên kết, đối tác giũa các hình thức sở hữu, các doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ gia đình, đối tác công - tư...; kinh tế hỗn hợp bước đầu hình thành. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển theo hướng ngày càng đầy đủ hơn, từng bước hiện đại hóa và có khả năng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Quan hệ nhà nước - thị trường - xã hội, giữa tuân theo các qui luật thị trường với đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa được nhận thức và bước đầu giải quyết.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiếp tục được đẩy mạnh, nổi bật là triển khai tích cực đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng nâng cao trình độ phát triển của lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại. Cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành kinh tế, cơ cấu các doanh nghiệp trên cơ sở thực hiện các đột phá chiến lược, nhờ vậy, năng xuất lao động, chất lượng phát triển, giá trị tăng thêm và khả năng cạnh tranh được cải thiện. Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao... phát triển, tạo diện mạo mới của kinh tế đất nước. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế vĩ mô giữ được ổn định, tốc độ tăng trưởng được duy trì ở mức cao, tiềm lực kinh tế đất nước được nâng lên, tạo tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo.

Về văn hóa, xã hội, con người: Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc tiếp tục được xây dựng, có những bước phát triển. Giá trị văn hóa truyền thống và tài nguyên văn hóa được bảo tồn, phát huy, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Các lĩnh vực văn hóa khởi sắc: văn học, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng; báo chí, truyền thông phát triển mạnh; hệ thống giáo dục, đào tạo không ngừng hoàn thiện, qui mô mở rộng; khoa học, công nghệ từng bước phát huy vai trò là động lực then chốt của phát triển; thể dục, thể thao có những tiến bộ rõ nét. Hoạt động văn hóa sôi động; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, ở các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, xây dựng đô thị văn minh, xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa... phát triển sâu rộng. Thiết chế văn hóa tiếp tục được tăng cường; giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa được mở rộng. Đời sống tinh thần của nhân dân được cải thiện. Văn hóa ngày càng khẳng định vai trò nền tảng tinh thần trong đời sống xã hội.

Chính sách xã hội được chăm lo. Xóa đói giảm nghèo đạt thành tựu quan trọng. An sinh xã hội phát triển; phúc lợi xã hội được bảo đảm; chăm sóc người có công, chăm sóc bà mẹ, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi... chuyển biến tích cực; các dịch vụ cơ bản và điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản được cải thiện. Mức sống của nhân dân được nâng lên. Giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân có những chuyển biến mới về số lượng, chất lượng. Đoàn kết các dân tộc và thực hiện chính sách tôn giáo, tín ngưỡng có nhiều tiến bộ. Cộng đồng xã hội được củng cố; ổn định, an toàn xã hội được bảo đảm; tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những thành quả quan trọng.

Con người Việt Nam có bước phát triển. Sự tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, tiến bộ xã hội đã tạo điều kiện để con người Việt Nam phát triển theo hướng toàn diện. Chỉ số con người của Việt Nam tăng đáng kể, xếp thứ hạng cao trong khối các nước có thu nhập trung bình. Quyền con người, quyền công dân được tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ. Nhiều giá trị truyền thống về đạo đức, nhân cách được kế thừa, phát huy; một số tố chất mới của con người thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế từng bước định hình.

Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh từng bước được thực hiện phù hợp với điều kiện đất nước trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại: Sau gần 10 năm thực hiện Cương lĩnh, tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng mở rộng.

Nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân tiếp tục được củng cố; sự kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quan hệ hai chiều giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại được thực hiện có kết quả trong các chương trình, đề án, dự án, công trình, nhất là trên các địa bàn trọng điểm. Các khu vực phòng thủ được tăng cường; lực lượng quân đội, công an được quan tâm xây dựng, chất lượng huấn luyện, trang bị vũ khí, khí tài, trình độ, năng lực sẵn sàng chiến đấu không ngừng được nâng lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị, xã hội và môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Ngoại giao nhà nước, đối ngoại đảng, đối ngoại nhân dân được đẩy mạnh; sự phối hợp và hiệu quả được nâng lên. Quan hệ đối ngoại với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, với các nước lớn, các nước láng giềng... đi vào chiều sâu; các vấn đề quốc tế phức tạp, nhạy cảm được xử lý tỉnh táo, đúng đắn, hiệu quả; chủ động tham gia xây dựng các định chế quốc tế, giải quyết các vấn đề khu vực, toàn cầu. Hợp tác quốc tế được tăng cường; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện, trong đó hội nhập quốc tế là trọng tâm. Ký kết, tích cực thực hiện nhều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Thu hút mạnh nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn ODA. Những thành tựu trên lĩnh vực đối ngoại, hội nhập quốc tế góp phần quan trọng làm tăng thêm sức mạnh tổng hợp quốc gia, phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị: Trong gần 10 năm thực hiện Cương lĩnh, đặc biệt trong hơn 3 năm sau Đại hội XII của Đảng, công tác xây dựng, chỉnh dốn Đảng được triển khai quyết liệt, có nhiều chuyển biến tích cực. Tổ chức đảng từ trung ương đến cơ sở được kiện toàn; chức năng, nhiệm vụ được xác định rõ ràng hơn; nội dung, phương thức hoạt động và sinh hoạt được tiếp tục đổi mới. Xây dựng Đảng được chú trọng cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo đức gắn với việc đổi mới công tác cán bộ, tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, lý luận, công tác dân vận, triển khai sâu rộng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nêu cao trách nhiệm và vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đến cấp ủy cơ sở. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng từng bước được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng được triển khai đồng thời với việc chỉnh đốn Đảng toàn diện, tập trung vào việc giải quyết những vấn đề cấp bách, đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ, quyết liệt chống tham nhũng. Vai trò lãnh đạo, uy tin của Đảng, niềm tin của nhân dân được củng cố.

Công tác xây dựng Đảng được triển khai đồng bộ với xây dựng, đổi mới hệ thống chính trị, trọng tâm là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân. Công tác lập pháp có nhiều chuyển biến tích cực; cải cách hành chính, cải cách tư pháp được đẩy mạnh; sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thu được kết quả bước đầu. Bộ máy nhà nước tiếp tục được sắp xếp lại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Tổ chức, nội dung, phương thức hoạt độngc của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới, hướng về cơ sở, gần dân, thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, quản lý xã hội.

Thành quả xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị theo định hướng của Cương lĩnh là nhân tố hàng đầu bảo đảm phát huy đân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực to lớn phát triển đất nước.

*

* *

Thực tiễn gần 10 năm hiện Cương lĩnh 2011 gắn với gần 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đã khẳng định tính đúng đắn của đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo nói chung, giá trị to lớn, bền vững của Cương lĩnh nói riêng. Nhiều tư tưởng, định hướng của Cương lĩnh đã được cụ thể hóa, bổ sung, phát triển về nhận thức lý luận và đã được hiện thực hóa trên thực tế.

Tuy nhiên, Cương lĩnh 2011 đưa ra những tư tưởng chỉ đạo lớn, những định hướng tổng quát, cơ bản nhất với tầm nhìn rất xa. Để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, nhiều đột biến, tình hình đất nước đang và sẽ xuất hiện nhiều vấn đề rất mới về lý luận, thực tiễn phải giải đáp, một mặt phải kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc đã được nêu trong Cương lĩnh, bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa không đi chệch hướng. Mặt khác phải không ngừng sáng tạo, dự báo, nắm bắt đúng những xu thế phát triển mới của thời đại, nhận thức đúng những chuyển biến mới, những yêu cầu mới của thực tiễn đất nước để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, làm phong phú thêm nội dung của Cương và sáng tạo trong tổ chức thực hiện để tinh thần, tư tưởng của Cương lĩnh đi vào đời sống. Kiên định và đổi mới sáng tạo chính là phương pháp biện chứng mác - xít, là biện chứng Hồ Chí Minh, chỉ có suy nghĩ và hành động theo phép biện chứng đó thì Cương lĩnh mới không trở thành tín điều mà thật sự là ngọn cờ tư tưởng, lý luận, kim chỉ nam hành động có giá trị bền vững, lâu dài đối với toàn Đảng, toàn dân ta trên con đường đi tới một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ./.

(Hết)

GS. TS. Phùng Hữu Phú

(Nguồn: Hội đồng Lý luận Trung ương)

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/gia-tri-cua-cuong-linh-2011-phan-2-125262