Giá trị của ký ức

Một cuốn sách, lá thư tay thời chiến, phích nước, hay chiếc áo bộ đội đã sờn vải, những đồ dùng tưởng chừng như vô tri nhưng ẩn chứa bên trong đó là những câu chuyện chân thực về một miền ký ức.

Tìm đến các kỷ vật

Những di cảo, băng ghi ẩm mốc và bị mói xông nguy cơ gần như hỏng hẳn. Thế nhưng những di vật này đã được các cán bộ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lưu trữ kịp thời tìm đến gia đình và sưu tầm về để cứu chữa, phục hồi. Đối với những nhân vật có đóng góp lớn lao cho đất nước, các di cảo, di vật của họ, phần nhiều đều vô tình không được bảo quản đúng cách.

Những di vật bị hư hỏng nặng khiến nhiều người không khỏi xót xa

Thật vậy, về góc độ nghiên cứu và sưu tầm, khi nhìn những tài liệu, ảnh, ở trong tình trạng ẩm mốc, hư hỏng, không ai không xót xa.

Nhiều gia đình, các di cảo bị mối xông, rách, mốc, ảnh bị hư hỏng rất nhiều. Do vậy, trong nhiều đợt kêu gọi sự chia sẻ, trao tặng kỷ vật, tài liệu của đông đảo cá nhân trên cả nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 đã nhận được hàng triệu tài liệu, sàng lọc, phân loại và cứu chữa những phần hư hỏng, không khác gì các bác sỹ của tư liệu.

Nếu không kịp thời thu thập, bảo quản theo đúng điều kiện khoa học, thì rất khó có thể hồi phục chữa lành. Đối với tài liệu chất liệu ảnh thì càng khó xử lý và cứu chữa, nhất là với chất liệu ảnh màu.

Trước đây, người ta vẫn nghĩ, chỉ những tài liệu hình ảnh, hiện vật liên quan đến những danh nhân, người nổi tiếng, những nhân vật lịch sử thì mới quan trọng và cần phải sưu tầm giữ gìn. Nhưng thực sự không chỉ có vậy, chia sẻ ký ức là cách tốt nhất để phát huy giá trị của di sản, nâng cao trách nhiệm của mỗi người trong việc phát huy di sản, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng, phát động các phong trào hiến tặng, chia sẻ tài liệu nói chung trong xã hội.

Qua đó, phát huy hiệu quả di sản vì lợi ích chung của toàn xã hội. Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ, chia sẻ và phát huy di sản góp phần giáo dục tình yêu di sản, là tiền đề cho việc giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ.

Vì vậy, chia sẻ ký ức không chỉ giúp cho cộng đồng cùng trải nghiệm những kỉ niệm của mình và gia đình mình, mà góp phần quan trọng như một mảnh ghép đang thiếu của những trang lịch sử, góp phần kết nối để ký ức thêm vẹn nguyên.

Những kỷ vật biết nói

Câu chuyện kêu gọi tặng kỷ vật cá nhân của Bảo tàng Phụ nữ đã làm nên những cuộc trưng bày rất thú vị, tưởng như dung dị đời thường, nhưng là cả một trang lịch sử, một phần cuộc đời của hàng triệu người Việt Nam.

Có những kỷ vật là cả một bầu trời ký ức của người dân Việt Nam

Cuộc trưng bày “Phụ nữ và gia đình, Phong tục cưới và sinh đẻ” nhận được hàng ngàn kỷ vật và thư tay của các cá nhân và gia đình. Chiếc gối thêu bồ câu, mà thời bao cấp là một món đồ khá xa xỉ thường chỉ để tặng nhau ngày cưới. Vỏ chăn, khăn tay, rồi các thiệp mời đám cưới của 40 năm vể trước. Tất cả đều giản dị nhưng đã làm hàng ngàn khách tham quan trưng bày như sống lại cả một bầu trời ký ức tuổi trẻ.

Nhiều bức ảnh, ký ức của các cá nhân, nhiếp ảnh gia, nhà báo, họa sỹ gửi đến đều mang câu chuyện riêng, như những góc riêng của câu chuyện chung lịch sử, hết sức cảm động và vô cùng ý nghĩa.

“Những kỷ vật biết nói - Mỗi kỷ vật là một câu chuyện”. Các kỷ vật còn giúp kể câu chuyện về phong tục truyền thống. Không chỉ được các tổ chức lưu giữ, mà ký ức còn được các cá nhân tâm huyết lưu giữ qua những trang sách, được viết bởi những người tâm huyết.

Các cán bộ luôn cố gắng để sửa chữa các di vật

Giữ gìn di sản trong cộng đồng vì quá khứ, cho hiện tại và tương lai. Từ xã hội hiểu sự đóng góp của mỗi cá nhân, người có công, những anh hùng hay các nhà khoa học, với công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, xây dựng đất nước, đến tôn trọng vai trò của họ trong cuộc sống.

Từ đó làm cho thế hệ trẻ dấn thân vào sự nghiệp, để sáng tạo, để phục sự xã hội, phục sự tổ quốc. Di sản đó còn chứa đựng giá trị văn hóa to lớn, thông qua những câu chuyện về cội nguồn gia đình, dòng họ, quá trình học tập, phương pháp nghiên cứu, điều kiện sống và làm việc, con đường thành công hay những kinh nghiệm, bài học của họ đều mang bản sắc của lịch sử, con người Việt Nam.

Gìn giữ giá trị của thời gian

Từ ý tưởng của Giáo sư, Bác sỹ, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí, muốn lưu giữ bút tích của thầy cô, ông đã mời các nhà khoa học và các chuyên gia bảo tàng cùng bắt tay xây dựng kho dữ liệu chuyên nghiệp. Rồi được sự tin tưởng của đông đảo các nhà khoa học, các văn nghệ sỹ, trao tặng và chia sẻ những câu chuyện cuộc đời, học tập hay sự nghiệp, trong gần 20 năm qua, Trung tâm – Công viên Di sản các nhà khoa học đã trở thành đơn vị uy tín trong nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ và phát huy di sản của các nhà khoa học Việt Nam.

Trung tâm – Công viên Di sản các nhà khoa học đã trở thành đơn vị uy tín lữu giữ các di vật, di sản

Cuộc đời có nửa thế kỷ nghiên cứu với biết bao công trình, hàng vạn cuốn sách và tư liệu, Giáo sư Dương Ninh cũng tin tưởng trao tặng toàn bộ tài liệu của mình cho Trung tâm, để chúng được bảo quản và số hóa theo đúng quy trình khoa học.

Đến nay, Trung tâm – Công viên Di sản các nhà khoa học đã cộng tác với gần 7 ngàn nhà khoa học trong nước và các nhà khoa học Việt kiều. Hơn triệu đơn vị tài liệu hiện vật và hàng trăm nghìn phút ghi âm, ghi hình, đang trở thành khối di sản vô giá, nguồn sử liệu chân thật để nghiên cứu về lịch sử phát triển của các ngành khoa học, lịch sử giáo dục cũng như của lịch sử đất nước.

Không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử, khối di sản này còn có giá trị để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền cảm hứng, tạo động lực cho thế hệ trẻ.

Chọn nơi gửi gắm tư liệu

Chúng ta thường nghĩ lưu trữ và bảo tàng là nơi để cất giữ, nên nó xa lạ. Các tài liệu, ký ức nằm trong lưu trữ chỉ là một phần, còn phần lớn là nằm trong cộng đồng. Vì thế, việc vận động cộng đồng chia sẻ tài liệu, ký ức là rất quan trọng.

Đôi khi chúng ta không nhận ra được giá trị của những tư liệu, có người nắm giữ di sản nhưng không thấy hết được giá trị nên sẵn sàng bỏ đi. Cần đánh thức cộng đồng để không vô tình làm mất đi những di sản quý giá, chia sẻ ký ức để chúng ta có hiểu biết nhiều hơn về lịch sử, văn hóa.

Thật may mắn, gần đây đã có nhiều văn nghệ sỹ, nhạc sỹ, nhà văn, các giáo sư, nhà nghiên cứu đầu ngành đã thấu hiểu sâu sắc và tiên phong trong phong trào trao tặng, gửi gắm tài liệu cá nhân vào các bảo tàng, trung tâm lưu trữ.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/gia-tri-cua-ky-uc-214193.htm