Giá trị của lá phiếu tín nhiệm

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Đây là quy định có nhiều điểm mới so với quy định trước đây về nội dung này. Ngay sau khi được công bố rộng rãi, Quy định số 96-QĐ/TW nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Ngay tại phần về quan điểm, nguyên tắc của Quy định số 96-QĐ/TW đã khẳng định, việc lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ. Như vậy, lấy phiếu tín nhiệm không còn là “kênh thông tin mang tính chất tham khảo quan trọng” cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ như quy định trước đây mà đã trở thành căn cứ đối với việc đánh giá cán bộ. Đặc biệt, Quy định số 96-QĐ/TW còn thể hiện rõ tinh thần đồng bộ, liên thông với Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo kết luận số 20-TB/TW ngày 8-9-2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật...

Ảnh minh họa.

Rõ ràng, với nhiều quy định mới, chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, thể hiện rõ tính nghiêm minh, quyết liệt, Quy định số 96-QĐ/TW là một bước tiến quan trọng, khẳng định sự quyết tâm, quyết liệt của Đảng trong lãnh đạo đổi mới công tác cán bộ ngay từ khâu đánh giá cán bộ. Thực hiện tốt quy định thì mỗi lá phiếu tín nhiệm sẽ thực sự phát huy giá trị trong công tác đánh giá cán bộ, phản ánh đúng chất lượng đội ngũ cán bộ và cá nhân từng cán bộ.

Lấy phiếu tín nhiệm thực chất là một khâu trong quy trình công tác cán bộ. Thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ là tiền đề quan trọng để đánh giá đúng cán bộ; làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm... và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Có lấy phiếu tín nhiệm đúng thì mới đánh giá đúng cán bộ, mới biết được uy tín, năng lực, phẩm chất của cán bộ nhằm cụ thể hóa, hiện thực hóa tinh thần “có lên, có xuống, có vào, có ra” trong công tác cán bộ.

Tuy nhiên, thời gian qua, phần việc quan trọng này vẫn đang là khâu yếu, còn biểu hiện cảm tính, nể nang, dễ dãi, khiến cho quy trình trong công tác cán bộ chưa thể “tròn khâu” và còn mang tính hình thức. Minh chứng là, đã có quá nhiều cán bộ, đảng viên khi còn công tác ở vị trí cũ thì được tôn vinh, khen thưởng, cất nhắc, trọng dụng, nhưng một thời gian sau, các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra mới phát hiện cán bộ có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong giai đoạn còn giữ quyền cao chức trọng. Thực tế đó có một phần nguyên nhân từ sự khuyết yếu của công tác đánh giá cán bộ.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, danh dự và sự nghiệp chính trị của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Bởi vậy, phần việc này nhất thiết phải được tiến hành chặt chẽ, cẩn trọng ở từng khâu, từng bước để bảo đảm tính minh bạch, khách quan, trung thực. Các cấp cần quyết liệt chống bệnh hình thức, dối trá trong việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; cũng đồng thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng kéo bè kéo cánh, ganh ghét cá nhân, lợi dụng việc bỏ phiếu tín nhiệm để đấu đá, hạ bệ cán bộ liêm chính. Làm được điều đó chính là phát huy đúng giá trị của lá phiếu tín nhiệm.

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364918-gia-tri-cua-la-phieu-tin-nhiem