Giá trị của Ngoại giao Thượng đỉnh

Những cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong - un với lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc gần đây có tác động sâu sắc tới cục diện trên bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: KCNA)

Trong Cuốn sách “Thế lưỡng nan về an ninh: Sự sợ hãi, hợp tác và niềm tin trong thế giới chính trị”, các tác giả Ken Booth và Nicholas Wheeler đã phân tích những cuộc gặp thượng đỉnh Kim - Tập (Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình), Moon - Kim (Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un) và cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim (Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Kim Jong-un) trên góc độ ngoại giao trực diện (face to face) và ngoại giao dựa trên 3 yếu tố: sự sợ hãi, hợp tác và niềm tin (fear-cooperation-trust).

Thượng đỉnh Trung - Triều

Cho đến nay, đã có bốn hội nghị thượng đỉnh Trung - Triều được tổ chức ở cả hai nước, bao gồm các hội nghị tháng 3/2018, 5/2018, 1/2019 và tháng 6/2019. Các cuộc họp này đều được tổ chức với độ bảo mật cao về an ninh, thậm chí chỉ được công bố khi hội nghị đã kết thúc.

Nếu xét theo 3 yếu tố gồm sự sợ hãi, hợp tác và niềm tin, có thể thấy, cả hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Trung Quốc đều không thể hiện sự lo sợ trước đối phương. Cho dù là quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân nhưng dường như chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên muốn đe dọa Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc cũng không đặt ra bất cứ mối đe dọa nào đối với Triều Tiên. Do vậy, mối quan hệ này có thể dễ dàng đạt đến mức độ của sự hợp tác và gây dựng niềm tin một cách tự nhiên. Hiện nay, mặc dù các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc không cho phép Trung Quốc hợp tác với Triều Tiên mạnh mẽ về mặt kinh tế, tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn có thể hỗ trợ Bình Nhưỡng trong các lĩnh vực hợp tác khác như văn hóa, nhân đạo và cả về đời sống tinh thần.

Thượng đỉnh Liên Triều

Tinh thần chung của các hội nghị thượng đỉnh Liên Triều là hướng tới hòa giải và chung sống hòa bình giữa hai miền Triều Tiên. Các hội nghị thượng đỉnh giữa các lãnh đạo cấp cao đã diễn ra vào tháng 4, tháng 5 và tháng 9/2018. Đặc biệt, khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh ngày 27/4, lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên đã ký tuyên bố chung, khẳng định “sẽ không còn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, và một kỷ nguyên mới hòa bình bắt đầu”. Tuyên bố của Hội nghị đã thể hiện rõ cam kết hai bên ngừng mọi hành vi thù địch, biến Vùng Phi quân sự thành Vùng Hòa bình, dừng phát thanh tuyên truyền nhằm và nhau từ 1/5. Hai nước cũng tổ chức đoàn tụ cho các gia đình li tán sau chiến tranh, kết nối và hiện đại hóa các tuyến đường bộ, đường sắt dọc biên giới cũng như tiếp tục cùng tham dự các sự kiện thể thao như Asian Games 2018. Cái bắt tay lịch sử Moon - Kim tại khu phi quân sự liên Triều (DMZ) đã trở thành một hình ảnh ngoại giao đẹp, mở ra tương lai với nhiều hy vọng mới trong quan hệ hai miền.

Tuy nhiên, trên thực tế, Hàn Quốc lại không đóng vai trò quá quan trọng trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên mà thay vào đó là Trung Quốc và Mỹ. Chính mối quan hệ đồng minh với Mỹ, hợp tác chặt chẽ về quốc phòng với Washington lại khiến Hàn Quốc không còn hoàn toàn đáng tin trong mắt người Triều Tiên. Do vậy, dù các hội nghị thượng đỉnh có thành công như thế nào, việc đạt được sự tin tưởng thực sự giữa hai nhà lãnh đạo Moon - Kim không phải dễ dàng. Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ vẫn là một câu chuyện dài và cần thêm nhiều dấu mốc mới, xóa bỏ đi sự nghi hoặc, nỗi lo sợ lẫn nhau, tạo ra những dư địa hợp tác để từ đó củng cố được niềm tin từ cả hai phía.

Thượng đỉnh Trump - Kim

Hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim tại Singapore, Hà Nội và chớp ngoáng tại DMZ vừa qua đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Có thể nói, với tính cách của Tổng thống Trump và “bản lĩnh” của Chủ tịch Kim, ngoại giao “face to face” đã được tận dụng tối đa trong việc định hình lại quan hệ Mỹ - Triều và mở ra những bước tiến mới trong giải quyết “điểm nóng” Triều Tiên.

Chưa có một thỏa thuận chính thức nào được ký kết trong khuôn khổ các hội nghị nhưng không nên coi đó là thất bại bởi lẽ, hai bên đã có cơ hội cùng ngồi lại, tập trung thảo luận những bất đồng và hướng tới giải pháp. Đặc biệt, nếu như không có các hội nghị thượng đỉnh vừa qua, ông Trump và ông Kim sẽ chẳng thể có bất kỳ cơ hội nào để vượt qua sự ngờ vực lẫn nhau, xây dựng mối quan hệ cá nhân để tiến tới cải thiện quan hệ song phương.

Những ngày qua, Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa trước thềm cuộc tập chung Mỹ - Hàn. Nếu như không có được “sự thấu hiểu” với ông Kim, có lẽ, ông Trump sẽ không thể thản nhiên trả lời phỏng vấn tại Nhà Trắng trước khi tới Ohio tiến hành chiến dịch tranh cử rằng: “các vụ phóng không vi phạm các cam kết của nhà lãnh đạo Triều Tiên với ông”. “Tôi cho rằng việc này vẫn trong tầm kiểm soát. Đó chỉ là các tên lửa tầm ngắn. Chúng tôi chưa bao giờ thỏa thuận về loại tên lửa đó. Tôi không cảm thấy có vấn đề gì. Chúng ta sẽ chờ xem điều gì đang diễn ra. Nhưng chúng chỉ là các tên lửa tầm ngắn. Đó là thứ vô cùng bình thường”, ông Trump nói.

Tuy nhiên, về phía ông Kim, dường như trong sâu thẳm lý trí, ông Kim vẫn có tâm lý lo ngại trước những tính toán từ phía Mỹ. Liệu rằng ông có thể vượt qua được điều đó, hiểu được năng lực thực sự của đất nước mình, ý thức được tác động của sự “cô lập” từ cộng đồng quốc tế để có thể tạo ra được những bước đi đột phá hơn trong đàm phán với Mỹ.

Như vậy, rõ ràng, những hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên và các nhà lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc có thể sẽ là điểm khởi đầu cho tiến trình đối thoại thực sự giữa Triều Tiên và cộng đồng quốc tế. Dường như, ông Kim đã thể hiện sự sẵn sàng duy trì đối thoại với các đối tác khu vực và quốc tế. Qua đó cho thấy rõ những tác động tích cực không thể phủ nhận của các cuộc gặp thượng đỉnh, dù sau đó có được một tuyên bố chung hay không.

Thu Hiền

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-tri-cua-ngoai-giao-thuong-dinh-99026.html